Bà Thiệp thắp nhang cho chồng và bà vợ lớn Phạm Thị Phan Chính - Ảnh do nhân vật cung cấp
Duyên trần ngắn ngủi
Từ một chú bồi tiêm thuốc phiện, một anh thợ trang trí nội thất, chỉ trong một thời gian ngắn Trần Văn Lai đã lột xác thành nhà thầu khoán, quan hệ với những chức sắc có máu mặt trong quân đội chế độ cũ và sở hữu khối tài sản “khủng” lên đến hàng ngàn cây vàng. Tổ chức cộng sản lúc ấy gọi đại gia Mai Hồng Quế là đồng chí Năm Lai.
Đối với người “vợ hờ” Phạm Thị Phan Chính, lâu dần ông Năm Lai cũng nảy sinh tình cảm và cả hai chiến sĩ biệt động đã thực lòng đến với nhau.
Những tháng ngày cùng chí hướng, cùng san sẻ những gian khó, hiểm nguy khi hoạt động trong lòng địch tính ra lại vô cùng ngắn ngủi, bởi cô Phan Chính đã hy sinh khi cố gắng giải cứu hai cán bộ cách mạng là Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình.
Đầu năm 1964, sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, chính quyền Sài Gòn quyết định thả một số tù nhân chính trị, với điều kiện phải có người bảo lãnh. Vì cô Chính họ Phạm, chữ lót là Phan trùng với họ của ông Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình, nên cô đã lấy lý do hai anh là con nuôi của mẹ mình.
Để bảo lãnh, cô Chính nói rằng, mẹ cô trước lúc ra đi có trăng trối là phải tìm bằng được hai anh nuôi. Cộng với một số tiền rất lớn để lo lót, cuối cùng hai cán bộ cộng sản cũng được cứu ra. Ngay lập tức, tổ chức bố trí đưa ông Sắc và ông Bình trở về căn cứ.
Hay tin Phạm Quốc Sắc và Phan Trọng Bình đã biến mất, chính quyền chế độ cũ đã bắt cô Phạm Thị Phan Chính về để tra khảo. Rất trung kiên, bà không hé răng nửa lời, một mực khai rằng cô chỉ làm theo di nguyện của mẹ. Vụ bắt bớ cháu ruột ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, một thời nổi đình, nổi đám ở Sài Gòn.
Liệt sĩ Phạm Thị Phan Chính tức Phạm Thị Chinh.
Ở vòng ngoài, Mai Hồng Quế một mặt thanh minh với các bạn làm ăn rằng ông không hề liên can đến cộng sản, một mặt rót tiền để cứu người vừa là vợ, vừa là đồng chí của mình thoát khỏi tai ương.
Đến khi biết không khai thác gì được từ cô Chính, chính quyền chế độ cũ đã trả cô về. Nhưng do bị tra tấn quá dã man, cô Chính lâm bệnh nặng và ít lâu sau thì mất. Năm 1984, bà Phạm Thị Phan Chính, tên khác là Phạm Thị Chinh được truy tặng danh hiệu liệt sĩ.
Anh Trần Kiến Xương – Chánh văn phòng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, con chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai hồi tưởng: “Hồi ba tôi còn sống, cũng hay kể về má lớn, là bà Chính đó. Tuy duyên trần ngắn ngủi nhưng má lớn thực sự là một mối tình sâu sắc với ông cụ. Chuyện về má lớn phải để má ruột tôi kể mới hay”.
Anh Kiến Xương đưa tôi đi gặp mẹ ruột anh - bà Đặng Thị Thiệp, người vợ sau của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Biết chúng tôi muốn nghe về cô Phan Chính, bà Thiệp nghiêm cẩn nói với chúng tôi: “Những điều tôi sắp kể ra đây không hề có nửa lời bịa đặt…”.
Linh thiêng hồn tử sĩ
Bà Thiệp kể, bà nên duyên với chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai cũng là nhờ tổ chức “mai mối”. Những năm 1965 – 1966, do cần nơi để chứa vũ khí trong nội thành, nên đại gia Mai Hồng Quế buộc phải mua thêm nhà. Nhưng sau vụ cô Phan Chính, Mai Hồng Quế cũng bị mật thám theo dõi rất gắt gao.
Bà Đặng Thị Thiệp vốn là con của một Đảng viên, năm ấy bà mới 20 tuổi thì được tổ chức điều về thành để làm “vợ bé” đại gia Mai Hồng Quế, lúc này đã ngoại tứ tuần. Với lý do sắm nhà, sắm xe cho “vợ bé”, Mai Hồng Quế và Đặng Thị Thiệp đã dễ dàng qua mặt được mật thám.
“Những tháng ngày tiếp theo thực nguy hiểm vô cùng. Tôi nói đây không phải là về mê tín, nhưng thật sự, chị Chính đã 3 lần báo mộng về cứu sống ông chồng tôi”, bà Đặng Thị Thiệp bồi hồi nhớ lại.
Sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, đại gia Mai Hồng Quế với nhiệm vụ chuyên chở và phân phát vũ khí cho cách mạng đã bị lộ thân phận.
Bà Thiệp lúc này đang ở trong khu người Hoa, lấy thân phận là “vợ của lính”. Một đêm nọ, bỗng nhiên ông Năm Lai trở về. Bà Thiệp hốt hoảng nghĩ là có biến liền hỏi ông vì sao. Ông Năm Lai trả lời, không hiểu sao nằm mơ thấy bà Chính, rồi thấy con mình bị té ngã, toàn máu me. Lúc này, bà Thiệp đã có với Năm Lai 2 mặt con, lo lắng ở nhà có chuyện gì, ông Năm Lai đã tức tốc trở về trong đêm.
Ngay sáng hôm sau, nhà ông Hậu bị lính bao vây, chúng lục soát khắp nhà, kể cả hầm than, không tìm được Năm Lai, lính bắt luôn ông Hậu đưa về đồn. Bà Thiệp biết tin, báo với chồng, và ngay lập tức lấy tiền đưa cho vợ ông Hậu để lo việc bảo lãnh.
Bà Thiệp nói: “Tôi nói với chồng, chắc cô Chính cổ chết oan quá nên linh thiêng hiện về báo mộng cho mình. Chồng tôi không nói gì, chỉ thắp nén nhang van vái rồi thôi. Sau này cô Chính còn “cứu” ổng đến hai lần nữa”.
Bà Đặng Thị Thiệp kể về người vợ lớn của chồng bằng lời lẽ vô cùng kính trọng.
Lần đó ông Năm Lai đưa hai chiến sĩ cách mạng về nhà bà Thiệp đang ở. Bà Thiệp đang mang thai đứa con thứ 3, do phải theo chồng di chuyển nhiều, bà đau bụng dữ dội rồi bị sảy thai. Ông Năm Lai không thể lộ diện, nên một mình bà phải đi đến bệnh viện gần đó để cấp cứu và cắt nhau.
Lúc đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, bà bỗng thấy nhân dáng cô Chính hiện ra ngay trước mặt, bảo rằng: “Về ngay, phải về nhà ngay”. Lo sợ cho chồng, bà Thiệp lấy hết sức bình sinh chạy về nhà. Hai đồng chí cách mạng và cả ông Năm Lai vẫn an toàn.
Bà Thiệp thở phào nhẹ nhõm ngã vật xuống giường, bỗng đâu, lính đập cửa rầm rầm. Bà Thiệp vội vã chạy ra mở cửa, hai cán bộ cách mạng lập tức trốn dưới hầm, ông Năm Lai thì ẩn nấp trên khe hở của trần nhà.
Bà Thiệp mặt trắng bệt, mồ hôi vã ra đầy người, máu còn dính trên áo váy và ròng ròng dưới chân. Thấy vậy bọn lính hỏi: “Này cô kia, bị gì mà đau đớn như vậy?”. Bà Thiệp trả lời: “Dạ, mới bị sảy thai”. Nghe mùi “đàn bà đẻ”, tụi lính kháo nhau: “Cô này bị sảy thai thiệt rồi, vô nhà đàn bà sảy thai là xui tận mạng bây ơi. Thôi không khám xét gì hết, rút, rút gấp”.
Nhờ vậy mà ông Năm Lai lại một lần nữa thoát khỏi vòng vây. Nhưng đến năm 1973, ông Trần Văn Lai bị bắt tại Quảng Ngãi. Bà Đặng Thị Thiệp phải chạy đôn, chạy đáo mới lo cho ông được ra tù. Địch tra tấn ông Năm Lai một cách dã man, và chỉ trả về khi chắc chắn ông sẽ chết nay mai.
Bà Thiệp kể: “Lúc ổng về, toàn thân dưới bị phù, bao nhiêu thầy thuốc đều bó tay. Tôi chỉ biết khóc thôi. Nhưng một hôm, đang nằm ngủ trưa, tự nhiên lại mơ thấy cô Chính. Cổ biểu: “Ra ngoài mau, ra ngoài mau”. Tôi giật mình tỉnh dậy, vội chạy ra đường thì thấy một bà bán thuốc ngang qua. Tôi kể bệnh tình ông chồng thì bà liền chỉ cho tôi ông thầy thuốc. Tôi tìm đến nhà ông thầy thuốc, cắt 30 thang, tốn hết mấy cây vàng. Ông nhà tôi uống hết 30 thang thì “cải tử hoàn sinh”…
(Còn nữa)
Theo Một thế giới