Vụ máy bay Malaysia: Bí ẩn, vô vọng, thêm 60 triệu USD

Thứ ba, 29/04/2014, 08:09
“Mọi nỗ lực tìm kiếm bao gồm phân tích hình ảnh vệ tinh đều không cho thấy bất kỳ thứ gì có liên quan đến chiếc MH370 ở bất kỳ đâu”.

Không còn tia hy vọng

Theo Thanh Niên, Thủ tướng Úc Tony Abbott vào ngày 28/4 cho biết việc tìm kiếm máy bay MH370 phải bước sang một giai đoạn tìm kiếm mới vì đội tìm kiếm quốc tế đã không tìm ra xác chiếc máy bay, bất chấp “các nỗ lực tìm kiếm từ trên không, trên mặt biển hoặc dưới mặt biển”.

“Tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng cho đến nay mọi nỗ lực tìm kiếm xác máy bay của chúng tôi từ trên không, trên mặt biển hoặc dưới mặt biển đều không có kết quả gì”, CNN dẫn lời ông Abbott cho biết.

Thủ tướng Úc còn cho biết thêm rằng cuộc tìm kiếm sẽ bước sang giai đoạn mới, mở rộng khu vực tìm kiếm trong lòng biển và sẽ huy động cả các nhà thầu tư nhân.

Trong khi đó, tướng Angus Houston, người đứng đầu cơ quan điều phối hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích của Úc (JACC), cũng đồng tình với Thủ tướng Abbott: “Mọi nỗ lực tìm kiếm bao gồm phân tích hình ảnh vệ tinh đều không cho thấy bất kỳ thứ gì có liên quan đến chiếc MH370 ở bất kỳ đâu”.

Ông Abbot thừa nhận “gần như chắc chắn” sẽ không tìm ra bất kỳ mảnh vỡ nào trên mặt biển trong khu vực tìm kiếm ở Ấn Độ Dương. Tại thời điểm hiện tại, các mảnh vỡ (nếu có) chắc chắn đã chìm xuống dưới mặt nước, theo Thủ tướng Úc.

Thủ tướng Úc Tony Abbott (giữa) đứng cạnh tướng Angus Houston (trái) và Phó thủ tướng Warren Truss - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Úc Tony Abbott (giữa) đứng cạnh tướng Angus Houston (trái) và Phó thủ tướng Warren Truss - Ảnh: Reuters

Trong khi mới đây, nhật báo New Straits Times (Malaysia) cho hay, thành  viên của Đội Điều tra Quốc tế (IIT) đang cân nhắc khả năng điều tra tìm kiếm chiếc máy bay MH370 lại từ đầu, xem xét lại các giả thuyết chẳng hạn như máy bay bị không tặc và đã hạ cánh ở nơi khác, chứ không phải rơi ở Ấn Độ Dương.

“Chúng tôi có lẽ phải sớm hội ý lại với nhau để tập trung vào khả năng này nếu cuộc tìm kiếm không đưa ra được kết quả khả quan nào trong vài ngày tới… Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, cuộc tìm kiếm tại Ấn Độ Dương vẫn phải được tiếp diễn”, nguồn tin từ IIT nói với nhật báo Malaysia.

“Khả năng MH370 đã hạ cánh đâu đó là có thể xảy ra vì chúng tôi đã không tìm ra bất kỳ mảnh vỡ nào có liên quan đến MH370. Tuy nhiên, khả năng một quốc gia nào đó giấu chiếc máy bay trong khi hơn 20 nước khác đang lùng tìm nó là điều vô lý”, theo nguồn tin của New Straits Times, nhật báo tiếng Anh lâu đời nhất Malaysia.

Có thể thấy, nỗ lực tìm kiếm tung tích MH370 ngày càng bế tắc, khi những thông tin đưa ra không chỉ trái ngược nhau mà còn có sự "chắc chắn" không tìm thấy manh mối ở Ấn Độ Dương, nơi mà trước đó Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kết luận chiếc máy bay mất tích đã bay dọc theo hành lang phía Nam và vị trí cuối cùng là ở giữa Ấn Độ Dương về phía Tây thành phố Perth (Úc).

Dựa trên những thông tin đó, các nhà quan sát vụ việc cho rằng, công cuộc tìm kiếm MH370 không còn tia hy vọng, "từ trên không, trên mặt biển hoặc dưới mặt biển đều không có kết quả gì".

Tốn thêm 60 triệu USD tìm MH370

Liên quan đến công cuộc tìm kiếm MH370, cùng ngày 28/4, Thủ tướng Úc Tony Abbott  khẳng định giai đoạn tìm kiếm mới sẽ tập trung vào khu vực lòng biển rộng 60.000km2. Quá trình tìm kiếm có thể kéo dài tới 6 đến 8 tháng.

Ông Abbott tiết lộ Úc đang tham vấn với chính phủ Malaysia về việc cho phép các công ty tư nhân tham gia vào chiến dịch tìm kiếm. Ước tính chi phí cho giai đoạn mới của chiến dịch tìm kiếm sẽ tốn kém khoảng 60 triệu USD.

Trong một diễn biến khác, theo tờ The Sydney Morning Herald (Úc) ngày 27/4 cho biết, cựu Thủ tướng Malaysia, tiến sĩ Mahathir Mohamad trong một bài xã luận hồi tuần trước, đặt nghi vấn vì sao đến nay vẫn không có bất kỳ mảnh vỡ hoặc hộp đen của máy bay được tìm thấy ở Ấn Độ Dương, vậy liệu rằng MH370 có thật sự rơi xuống vùng biển này hay không.

“Liệu rằng có tin nổi máy bay bay lặng lẽ chuyển hướng rồi rơi xuống và chìm sâu dưới lòng Ấn Độ Dương?”, ông Mahathir cho hay.

Ông Mahathir đặt ra giả thuyết nếu cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cố ý tắt hết các thiết bị liên lạc với mặt đất trên máy bay để lái máy bay tự sát, thì từ cơ phó và các thành viên phi hành đoàn chắc chắn phải làm điều gì đó vì tất cả họ đều được huấn luyện ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Cựu thủ tướng Malaysia, tiến sĩ Mahathir Mohamad
Cựu thủ tướng Malaysia, tiến sĩ Mahathir Mohamad.

Nhưng có lẽ tất cả mọi người trên máy bay đã “bất lực” nên không kịp làm điều gì để ngăn chặn cơ trưởng, theo ông Mahathir.

Hiện vẫn chưa rõ ai đã cố ý tắt hết thiết bị thông tin liên lạc giữa máy bay với mặt đất khi nó chuyển hướng sau khi biến mất khỏi màn hình radar vào ngày 8/3.

Ông Mahathir đổ lỗi cho Boeing: “Máy bay mất tích là do hãng Boeing. Tại sao Boeing có thể sản xuất ra một chiếc máy bay mà các thiết bị thông tin liên lạc của nó có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa đến như vậy?”.

Ông Mahathir cho rằng Boeing nên giải thích vì sao tất cả thiết bị thông tin liên lạc trên máy bay “có thể bị vô hiệu hóa hoặc bị hỏng”.

“Tôi sẽ không bay trên bất kỳ máy bay Boeing nào nữa nếu Boeing không có câu trả lời thích đáng”, Mahathir cho hay.

“Hoặc là công nghệ máy Boeing quá lạc hậu, hoặc máy bay Boeing không đảm bảo an toàn”, theo nhận định của tiến sĩ Mahathir.

Ông Mahathir cho biết: “Boeing phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì đã sản xuất ra một chiếc máy bay có thể mất tích hoàn toàn trong không trung”, theo tờ The Sydney Morning Herald (Úc) ngày 27/4.

Bài xã luận của tiến sĩ Mahathir được đăng trên trang blog cá nhân của ông, sau đó được đăng tải trên hàng loạt tờ báo mạng ở Malaysia vào cuối tuần trước.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn