Tàu Trường Sa không được thử nghiệm chỉ vì...'cái ghế'?

Thứ ba, 29/04/2014, 07:59
Ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, người chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu có lý giải về việc Trường Sa phải ra tỉnh khác thử.

Ông Nguyễn Quốc Hòa bên tàu ngầm Trường Sa 1

Tất cả cũng vì... cái ghế!

Ngày 25/4/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa nhận được một văn bản thông báo kết luận về việc xin phép thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa từ phía UBND tỉnh Thái Bình. Theo đó, tàu Trường Sa 1 sẽ không được phép thử nghiệm theo như kế hoạch đặt ra tại phao số 0 cảng Diêm Điền vào chiều ngày 29/4/2014 và phải trông chờ vào một số cơ quan khác để tiếp tục lên kế hoạch.

Cũng theo kết luận này, việc thử nghiệm này bị đẩy từ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình sang trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và Hải quân vùng I.

Trao đổi với ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, và cũng là người chế tạo chiếc tàu ngầm mini đầu tiên tại Việt Nam mang tên Yết Kiêu tối ngày 28/4/2014, ông Trân đã bày tỏ những suy nghĩ của mình về quyết định này của UBND tỉnh Thái Bình.

Ông Phan Bội Trân (áo trắng)
Ông Phan Bội Trân (áo trắng)

“Việc này là hết sức dễ hiểu, việc thử nghiệm là nguy hiểm, mà ta đã biết những vị quan chức này rồi, mấy ông chỉ lo cái ghế của ông thôi, còn chuyện cái tàu ngầm không dính dáng gì đến ông. Nếu cho phép thử nghiệm mà xảy ra sự cố gì, và đặc biệt với cái tàu ngầm thì sự cố rất dễ xảy ra, thành ra mấy ông sợ lắm.

Nếu thành công các ông chẳng được lợi ích gì, mà không thành công, rồi có sự cố thì cái ghế các ông đang ngồi cũng bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ kết quả gồm hoan nghênh và đùn đẩy trách nhiệm như vậy là... hợp lý!”, ông Phan Bội Trân nhận định.

“Đặt trường hợp ông Hòa liều lĩnh ra biển thử nghiệm mà không qua xin phép, tức là đã có một con tàu không số hiệu, không đăng ký tham gia giao thông đường thủy. Nếu thử trên sông thì CSGT đường thủy sẽ bắt, nếu thử trên biển thì Cảnh sát biển sẽ bắt. Bởi không bắt ông này, tức là họ làm trái quy định pháp luật, mà trái như vậy biết đâu sẽ là cái cớ để sau này nội bộ lôi ra mà đấu đá. Tựu chung cũng là vì cái ghế. Vì thế, ông Hòa lúc này chỉ đành ngậm ngùi làm theo hướng dẫn của tỉnh mà thôi.”

Ông Trân cho biết thêm: “Theo quan điểm của tôi, đến thời điểm này, tôi khẳng định con tàu của ông Hòa hoàn toàn có đủ khả năng di chuyển trên mặt nước hoặc dưới mặt nước. Chỉ có điều ông Hòa nên làm từng bước và đừng mạo hiểm lặn ở độ sâu ngoài tính toán của bản thân.”

Khi được hỏi về hiện trạng của chiếc tàu ngầm Yết Kiêu sau khi thử nghiệm thành công từ cuối năm 2010, ông Phan Bội Trân cho biết từ con tàu phiên bản một người lái, hiện tại ông đã phát triển thành phiên bản hai người lái với cửa ra vào trên nóc tàu, thay vì phải chui từ bụng tàu lên như trước.

Ông Nguyễn Quốc Hòa bên tàu ngầm Trường Sa 1
Ông Nguyễn Quốc Hòa bên tàu ngầm Trường Sa 1.

Không gian trong tàu cũng rộng hơn, cửa sổ lớn hơn, ắc quy nguyên liệu và oxy dự trữ cũng được kéo dài thời gian hoạt động.

“Đây là phiên bản dân sự của tàu ngầm mini Yết Kiêu, hiện tại đã có một nhà kinh doanh người Pháp đặt chúng tôi sản xuất để xuất sang Malaysia, Campuchia, Thái Lan để phục vụ du lịch.

Hãy để những người như ông Hòa nghiên cứu, sáng tạo. Mọi người nên nhớ rằng đây chỉ là phiên bản thử nghiệm, khi thành công rồi nó sẽ có rất nhiều ứng dụng ở các phiên bản tiếp theo. Còn nếu thất bại, dù gì cũng chỉ là mất tiền thôi mà”, ông Trân cho biết.

Mách nước tàu Trường Sa thử nghiệm

Từ kinh nghiệm của ông Phan Bội Trân, tàu ngầm Yết Kiêu được thử nghiệm hanh thông như vậy vì ngay từ đầu ông đã cậy nhờ những cán bộ trong Học viện Hải quân TP.HCM cho thử trong bể thử nghiệm của họ.

Trong bể này, ông Trân được 20 chiến sĩ hải quân bơi xung quanh sẵn sàng giải cứu khi gặp sự cố. Trên bờ có một cần trục chờ sẵn để vớt con tàu lên khỏi bể nhanh nhất, và luôn túc trực một bác sĩ cấp cứu. Học viện Hải quân đã chuẩn bị cho ông Trân những điều kiện thử nghiệm tốt nhất.

“Theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình cũng đã mở ra cho ông Hòa một cơ hội, nếu được Hải quân vùng I giúp đỡ, việc thử nghiệm sẽ dễ dàng và an toàn hơn. Hải quân sẽ cử 4 tàu đi theo đội hình chữ nhật, cắm cờ thử nghiệm hoặc tập trận, các tàu thuyền đi qua sẽ tránh xa. Đồng thời chờ sẵn cạnh đó một tàu có cần cẩu lớn để sẵn sàng trục vớt tàu ngầm Trường Sa. Tôi nghĩ như vậy là an toàn nhất”, ông Phan Bội Trân nhận định.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích