Thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc: Tuần duyên gây khó dễ khi hành khách cầu cứu?

Thứ hai, 28/04/2014, 16:43
Ngày 28/4, các công tố viên Hàn Quốc đã tiến hành kiểm tra một văn phòng của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc. Lực lượng tuần duyên đang bị tố cáo tắc trách và gây khó dễ khi nhận được cuộc điện thoại cầu cứu từ một học sinh trên phà Sewol.


Lực lượng tìm kiếm tại khu vực chìm phà Sewol - Ảnh: Reuters

Vào ngày 28/4, các công tố viên Hàn Quốc đã tiến hành kiểm tra một văn phòng của lực lượng tuần duyên Hàn Quốc tại cảng Mokpo. Một trung tâm cứu hộ ở tỉnh Nam Jeolla cũng nằm trong đợt kiểm tra trên, theo AFP.

Văn phòng lực lượng tuần duyên này bị cáo buộc "đã không có phản ứng đủ nhanh" trước cuộc gọi cầu cứu từ một hành khách trên phà Sewol.

Theo AFP, một nam sinh trên phà Sewol đã gọi điện thoại vào văn phòng này, vài phút trước khi phà Sewol phát ra tín hiệu cầu cứu.

Trong cuộc gọi cầu cứu ấy, cậu bé lại bị một nhân viên tuần duyên Hàn Quốc gây khó dễ, hỏi dồn dập về số lượng thành viên thủy thủ đoàn và tổng số người trên phà Sewol, theo AFP.


Lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol, với di ảnh các học sinh thiệt mạng, được tổ chức tại thành phố Ansan - Ảnh: Reuters

Một nhân viên thuộc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc sau đó thừa nhận với các phóng viên rằng ông ta đã nhầm nam sinh này là một thành viên thủy thủ đoàn và chuyển cuộc gọi cầu cứu này sang một trung tâm cứu hộ ở tỉnh Nam Jeolla, theo AFP.

Trung tâm cứu hộ ở tỉnh Nam Jeolla cũng bị điều tra trước những cáo buộc tắc trách. Được biết, lực lượng tuần duyên Hàn Quốc là lực lượng đứng đầu trong công tác tìm kiếm và cứu hộ.

Cũng trong ngày 28/4, các công tố viên Hàn Quốc cũng đột kích vào các công ty có liên quan đến Chonghaejin Marine vì bị tình nghi gian lận tài chính, theo hãng tin Yonhap.

Hồi tuần rồi, 10 công ty con của Chonghaejin Marine cũng bị điều tra. Một số lãnh đạo các công ty này bị cấm ra nước ngoài để phục vụ công tác điều tra.

Thân nhân các nạn nhân mất tích chỉ trích gay gắt phản ứng chậm chạp của chính quyền Hàn Quốc, cho rằng việc lực lượng cứu hộ trì hoãn tiếp cận vào bên trong chiếc phà khi nó vừa bắt đầu chìm đã cướp đi cơ hội sống sót của các hành khách mắc kẹt bên trong.

Trong ngày 28/4, các thợ lặn vẫn nỗ lực tiến vào sâu bên trong xác chiếc phà Sewol, nhằm tìm kiếm thi thể của 114 hành khách mất tích, theo AFP.

Nhưng công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu. Chính phủ Hàn Quốc xác nhận tính đến ngày 28/4 có 118 người chết trong vụ chìm phà Sewol.

Trong số 476 người trên phà Sewol, có trên 300 người là học sinh của Trường trung học Danwon (thành phố Ansan). Chiếc phà này chìm vào ngày 16/4, khi đang trên đường đi từ thành phố Incheon để đến đảo Jeju, Hàn Quốc.

Bắt giữ 15 thành viên thủy thủ đoàn

Theo AFP, 15 thành viên thủy thủ đoàn bao gồm thuyền trưởng đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Họ bị cáo buộc cáo buộc tắc trách, vi phạm luật hàng hải và không đảm bảo an toàn cho hành khách trên phà.

Các thành viên thủy thủ đoàn này đã trì hoãn công tác sơ tán, ra lệnh cho hành khách giữ nguyên vị trí trong cabin của họ khi phà Sewol bắt đầu chìm. Nhưng họ lại là những người đầu tiên rời khỏi Sewol để lên các tàu cứu hộ, bỏ mặc nhiều hành khách mắc kẹt trong chiếc phà.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won xin từ chức vào hôm qua 27/4 vì vụ chìm phà Sewol. Nhưng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đề nghị ông Chung giữ nguyên chức vụ cho đến khi hoàn tất công tác tìm kiếm phà Sewol.

Công tác điều tra nguyên nhân vụ chìm phà Sewol mở rộng từ tập trung vào công ty Chonghaejin Marine, chủ phà Sewol, các công ty con của Chonghaejin Marine sang các thanh tra viên có nhiệm vụ kiểm tra an toàn tàu thuyền và thậm chí những nhân viên kiểm soát giao thông trên biển.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn