Theo tin tức từ kênh 7News của Australia, công ty GeoResonance tuyên bố họ đã tiến hành nghiên cứu các thành phần ở dưới đáy đại dương khu vực vịnh Bengal và thấy chúng phù hợp với vật liệu từ một chiếc máy bay Boeing 777 và cũng phù hợp với chiếc máy bay bị mất tích hôm ngày 8/3.
"Chúng tôi xác định nguyên tố hóa học và vật liệu cấu thành nên một chiếc Boeing 777... ở đây có nhôm, titan, đồng, hợp kim thép và các vật liệu khác," Pavel Kursa, phát ngôn viên của GeoResonance nói.
Các nhà khoa học của công ty GeoResonance đã tìm kiếm trong khu vực có diện tích 2 triệu kilomet vuông, nơi tai nạn có thể xảy ra, sử dụng hơn 20 thiết bị công nghệ, bao gồm một lò phản ứng hạt nhân, một máy phân tích dữ liệu vệ tinh và ảnh máy bay để theo dõi vị trí cuối cùng của máy bay mất tích Boeing 77-200ER mà mọi người biết tới.
"Nhóm chúng tôi đã rất vui mừng khi những gì tìm thấy được cho là đống đổ nát của một chiếc máy bay thương mại”, anh David Pope, một phát ngôn viên khác của GeoResonance nói. Anh Pope cho biết các chuyên gia của công ty đã so sánh hình ảnh họ phát hiện được với ảnh chụp máy bay vào ngày 5/3, 3 ngày trước khi MH370 biến mất và họ không tìm thấy vật thể mới phát hiện ở địa điểm này.
"Ở đây không có các mảnh vỡ trước khi MH370 biến mất. Chúng tôi không dám nói đây chắc chắn là mảnh vỡ của MH370, tuy nhiên nó là đầu mối đáng để chúng tôi theo đuổi”, 7News dẫn lời.
7News đã cố gắng liên lạc với văn phòng của ông Angus Houston, người đang tham gia cuộc tìm kiếm đa quốc gia tại Nam Ấn Độ Dương nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chuyến bay MH370 mang theo 239 người đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh thì biến mất khỏi radar dân sự sau chưa đầy một giờ cất cánh. Ngay sau đó, radar quân sự đã phát hiện ra máy bay chuyển hướng về phía Tây. Tuy nhiên, máy bay không gửi đi bất kỳ tín hiệu cứu hộ nào, khiến sự biến mất của nó càng trở nên bí ẩn. Dữ liệu vệ tinh cho thấy chiếc máy bay đã kết thúc cuộc hành trình của mình tại Ấn Độ Dương.
Theo Người đưa tin