Trên góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), người đi đường liên tục ghé vào xe bánh ướt của Trần Văn Toản (22 tuổi, quê H.Chương Mỹ, Hà Nội). Cậu thoăn thoắt gỡ hộp xốp, cắt bánh cuốn, thái giò chả… Chỉ trong một phút, Toản đã làm xong hộp bánh, trao cho khách và nhận 15.000 đồng kèm theo nụ cười: “Em cám ơn anh/chị”.
Bỏ học đại học giữa chừng
Toản mở đầu câu chuyện bằng một lời than thở. Cậu ngậm ngùi: “Đến bây giờ mình vẫn tiếc vì chọn sai ngành mà uổng phí mấy năm học. Hồi lớp 12, hầu như chỉ chọn đại theo kiểu tung đồng xu chứ có được ai hướng nghiệp cho mình”.
Bốn năm trước, rời mái trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Q.Hà Đông, Hà Nội), cậu hăm hở thi vào ngành Tâm lý học, ĐH KHXH &NV Hà Nội vì “ thấy ngành này có cái tên hay hay”. Học được 1 năm, Toàn cảm thấy chán chường với việc lên giảng đường, học những kiến thức không hợp với bản thân. Tuy nhiên, cậu vẫn cố học hết năm 2 với suy nghĩ: “biết đâu sẽ có điều gì thú vị, mới mẻ chờ đợi”.
Trần Văn Toản bán bánh ướt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3). |
Cuối cùng, Toản đành nghỉ học giữa chừng. Theo cậu, đây là một quyết định không mấy khó khăn. “Mình nghĩ việc đi học nhiều khi chỉ là công cụ, điều quan trọng là phải có và dám sống vì ước mơ”, chàng trai 9x chia sẻ. Tuy nhiên, Toàn vẫn giấu nhẹm với gia đình chuyện này vì sợ cả nhà sẽ sốc, lo lắng và vì cậu muốn làm được điều gì đó trước khi nói sự thật với ba mẹ.
Bỏ giảng đường, Toản lao ra lề đường. Để có thu nhập, chàng trai khi ấy mới 20 tuổi đi phục vụ ở quán bia vỉa hè. Được chừng 2 tháng thì cậu chuyển sang bán vàng mã, trái cây, bánh chưng, giò chả vào dịp Tết. Ròng rã 1 năm trời, đến đầu năm 2013, Toản quyết định vào TP.HCM với mong muốn học và làm tốt ở mảnh đất năng động này. “Đối với mình và nhiều bạn trẻ khác khi ấy, Sài Gòn là vùng đất mới rất thú vị, vào đây tựa như một chuyến phiêu lưu”, Toản giải thích.
Viết lại giấc mơ từ xe bánh ướt
Để được vào Sài Gòn, Toản phải nói dối nhà là bảo lưu kết quả để đi thực tập. Lúc mới vào, 5 tháng đầu cậu mưu sinh bằng việc phục vụ cà phê, với mức lương khoảng 100 ngàn/ngày. Thời gian này, Toản đăng ký lớp học về truyền thông, quảng cáo. Học ngành này chính là ước mơ mà cậu phải mất 1 năm ngồi nhầm giảng đường mới nhận ra.
Được nửa năm, Toản quay lại Hà Nội như những gì đã nói với ba mẹ về thời gian thực tập. Khi ấy, cả gia đình vẫn chưa hay biết cậu con thứ hai trong gia đình ba anh em đã nghỉ học. Toản lại tiếp tục đi phục vụ cà phê, bán rượu, bán xúc xích để có tiền vô lại Sài Gòn. Đến đầu năm 2014, cậu quay trở lại mảnh đất miền Nam, lần này không còn là chuyến phiêu lưu nữa mà “sẽ cố gắng làm được việc, học tốt”, cậu cho biết.
Lúc vào TP.HCM, Toản mới cho gia đình biết sự thật đã bỏ học. Chàng trai 9x nhớ lại: “Bố mẹ đều cố khuyên mình quay về. Cuối cùng mẹ mình nói nếu con quyết định vậy thì phải tự lo cho cuộc sống bản thân hoàn toàn”.
Sau thời gian bán hàng, Toản (áo trắng) lại đi học về truyền thông, quảng cáo. Ảnh: NVCC. |
Lần này, cậu chọn bán bánh ướt lề đường. Sở dĩ chọn vậy vì đây là món ăn mà Toàn khá khoái khẩu. Với chiếc xe Dream mang từ quê vào, chất bánh lên cái hộp gỗ đặt ở yên xe, Toàn rong ruổi bán hàng rong mỗi sáng. Đều đặn 5h sáng cậu dậy chuẩn bị, rồi chạy xe từ H.Nhà Bè lên góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) bán hàng.
Thời gian đầu, việc ăn bánh thay cơm như cơm bữa, có khi thì bị cạnh tranh, hăm dọa. Toản cho biết: “Lúc đầu ngày mình bán được khoảng 30 hộp, giờ thì trung bình 60 hộp. Với giá 15 ngàn, một ngày mình cũng lời từ 200 – 400 ngàn, nếu biết đủ chi tiêu thì đủ sống và dư để đóng tiền đi học”.
Toản chia sẻ: “Việc ra đường kiếm sống từ sớm rất vất vả, bon chen nhưng cũng giúp mình có thêm niềm tin, sự kiên nhẫn. Công việc bán bánh ướt đã giúp mình có đủ thu nhập nhưng quan trọng là có dư giả về thời gian. Mỗi ngày mình chỉ bán đến 9 giờ, còn lại sẽ làm công việc khác. Trước mắt mình cứ bán cho đến khi có cơ hội công việc khác tốt hơn".
Theo Toàn, không có bằng ĐH không phải là vấn đề lớn mà chỉ sợ thiếu ước mơ và không có sự cố gắng của bản thân. Toản mong muốn được làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo nên sau khi bán xong lại đi học các khóa học về ngành này.
Từ xe bánh ướt, chàng trai 9x hy vọng sẽ viết tiếp được ước mơ cũng như bù đắp lại sai lầm mình từng mắc phải.
Theo Zing