Cán bộ, công chức cũng phải nhập ngũ

Thứ sáu, 15/08/2014, 10:18
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Từ năm 2015 sẽ tập trung gọi cán bộ, công chức, viên chức ở các tổ chức chính trị-xã hội đi nghĩa vụ quân sự”.

Ngày 14/8, khi thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) sửa đổi, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH đều đề nghị xây dựng các quy định sao cho bình đẳng trong việc thực hiện NVQS, tránh tình trạng được miễn nhiều quá.

90% người đi NVQS là con em nông dân

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh lưu ý: Quy định hiện nay chỉ miễn thực hiện NVQS tại ngũ đối với một số đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên...

Những công chức, viên chức còn lại thì không được miễn. Tuy nhiên, trên thực tế những người đi NVQS có tới 90% là con em nông dân, còn các cán bộ, công chức, viên chức đang làm trong các cơ quan chính trị-xã hội gần như không tuyển.

Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng-An ninh cũng cho thấy tỉ lệ công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ, công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện NVQS tại ngũ chỉ chiếm 4,94% và có xu hướng ngày càng giảm.

Do đó ủy ban này đề nghị nghiên cứu quy định độ tuổi gọi nhập ngũ sao cho có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia NVQS tại ngũ, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện và người đi NVQS chủ yếu là con em nông dân.

nhap ngu

Thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

“Ngày trước thỉnh thoảng tôi còn thấy gọi công chức, viên chức đi NVQS nhưng bây giờ thì không còn nữa. Như thế là không bình đẳng. Ngay những người làm trong Văn phòng QH nếu đang ở độ tuổi cũng phải đi. Rồi anh đang học hoặc chuẩn bị học cũng phải đi NVQS trước hoặc sau khi học” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng chỉ nên miễn NVQS khi không đủ sức khỏe. “Công an cũng phải làm NVQS. Cứ 18-20 tuổi hay hơn nữa là phải làm NVQS. Làm NVQS xong rồi đi đại học, đi nước ngoài hay làm công an thì làm. Cái này chúng ta phải tính toán sao cho phù hợp” - ông Hùng nhấn mạnh.

Khẳng định việc thực hiện NVQS là thiêng liêng nhưng phải bình đẳng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay: “Từ năm 2015 sẽ tập trung tuyển cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các tổ chức chính trị-xã hội đi thực hiện NVQS để bảo đảm được sự công bằng và giúp chất lượng quân đội được nâng lên. Thời gian nhập ngũ cần thống nhất là 24 tháng chứ không phải là 18-24 tháng như hiện hành”.

Không quy định nghĩa vụ thay thế NVQS

Một nội dung khác được tranh luận nhiều là việc quy định nghĩa vụ thay thế NVQS. Theo quan điểm của Chính phủ thì không nên quy định nghĩa vụ thay thế. “Nếu quy định nghĩa vụ thay thế NVQS sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng vì NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của nhân dân và cả dân tộc Việt Nam” - Bộ trưởng Thanh nhấn mạnh.

Thế nhưng tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết pháp luật của nước ta đã quy định một số trường hợp khi công dân thực hiện các nhiệm vụ khác thì được “miễn thực hiện NVQS tại ngũ”. Ủy ban này đề nghị tham khảo pháp luật của nhiều nước có quy định một số hình thức phục vụ dân sự thay thế việc thực hiện NVQS tại ngũ và mở rộng diện miễn làm NVQS tại ngũ đối với những người được giao thực hiện một số công việc khác phù hợp với chuyên môn, ngành nghề…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cũng cho rằng cần có nghĩa vụ thay thế NVQS theo hướng anh đã làm việc này rồi thì thôi việc kia, ví như dân quân tự vệ, công an... Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở “thay thế NVQS không có nghĩa đóng tiền là được”. “Thay thế có nghĩa là anh đã tham gia vào các lực lượng khác như công an, dân quân tự vệ thì thôi. Còn công chức, viên chức thì nhất định phải đi NVQS” - bà Ngân tiếp tục nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho hay hiện nay mỗi năm nước ta có đến bảy triệu người trong độ tuổi nhập ngũ. Thực tế diện gọi nhập ngũ là rất hạn chế nên cần phải có hình thức nào đó để được thực hiện NVQS thay thế. “Chúng ta nên có nhiều hình thức để công dân được thực hiện NVQS chứ không nhất thiết phải vào quân đội” - ông Lưu nói.

Học chính quy mới được hoãn nhập ngũ

Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Luật NVQS quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình là quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ.

Vì thế dự thảo Luật NVQS sửa đổi chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những trường hợp không thuộc đối tượng trên sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ sẽ được nhà trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận lại để tiếp tục học tập.

Tán thành với quy định trên nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Đinh Văn Nhã lưu ý cần có cơ chế giải quyết đối với việc học sinh, sinh viên vay vốn để học tập.

“Nhiều em sau khi ra trường đi làm ngay thì sẽ thực hiện được việc trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn. Nếu các em phải nhập ngũ thì không thể trả được, vậy chúng ta có nên bổ sung quy định ân hạn, gia hạn trả nợ cho các trường hợp trên không?” - ông Nhã đặt vấn đề.

Đồng thời, ông Nhã đề nghị hằng năm nên công khai sớm danh sách các em thuộc diện nhập ngũ, tránh tình trạng nhiều em vì đi biển dài ngày hay đi làm ăn xa không kịp về nhập ngũ lại bị phê bình...

Theo PLVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích