Phó phòng Sở Ngoại vụ không tham gia đoàn đi học ở Mỹ

Thứ sáu, 15/08/2014, 12:52
Trong khi cơ quan chức năng Cần Thơ cho rằng, Phó Phòng hợp tác Quốc tế thuộc Sở ngoại vụ trốn ở lại Mỹ khi được cử đi theo chương trình hợp tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (FFI) thì FFI khẳng định Long không tham gia.

Ngày 14/8, ông Trần Phước Sơn - Phó giám đốc, người phát ngôn của Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho biết, ông Trần Ngọc Phi Long (31 tuổi, Phó Phòng hợp tác Quốc tế thuộc Sở ngoại vụ TP Cần Thơ) trốn ở lại Mỹ sau khi xuất ngoại theo chương trình hợp tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với tư cách là "Sứ giả hữu nghị" hồi đầu tháng 7.

"Đại diện cho người Việt Nam có hai đoàn đi Canada và Mỹ. Long thuộc đoàn đi Mỹ. Cần Thơ chỉ có mình Long được cử đi. Theo yêu cầu của đoàn (ở Hà Nội), toàn bộ kinh phí vé máy bay, ăn ở đều do Long tự thu xếp", ông Sơn nói.

so-ngoai-vu-5003-1408016679.jpg

Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ nơi Long công tác. Ảnh: Cửu Long.

Hết hạn công tác nhưng Long không về. Ngày 18/7, Sở Ngoại vụ nhận được đơn xin nghỉ việc (theo dấu bưu điện thư gửi từ Mỹ). Trong đơn, Long ghi ngày 30/6 với lý do “sức khỏe có phần hạn chế và vấn đề gia đình cần giải quyết nên không thể tiếp tục được công việc hiện tại”.

Trong khi đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (FFI) lại xác định Trần Ngọc Phi Long không tham gia đoàn công tác đi Mỹ đầu tháng 7.

Theo đơn vị này, ngày 7/3, nhận được công văn của Sở Ngoại vụ Cần Thơ với nội dung cử ông Long tham gia đoàn đi Mỹ theo lời mời của FFI. Sau khi tập hợp danh sách được cử đi và giới thiệu chương trình thăm Mỹ, ngày 22/5, Hội Việt Mỹ đã gửi công văn mời ông Long tham gia đoàn công tác. Ba ngày sau, FFI nhận được quyết định của Sở Ngoại vụ Cần Thơ cử ông Phi Long tham gia đoàn công tác này. Trong quá trình chuẩn bị các thủ tục, ông Long được Sở Ngoại vụ tỉnh cấp giấy tờ để làm thủ tục xin cấp thị thực với tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.

"Ngày 25/6, ông Long gọi điện thông báo với cán bộ phụ trách chương trình của Liên hiệp hữu nghị là không được cấp thị thực vào Mỹ. Căn cứ thông báo này, Liên hiệp hữu nghị ra quyết định lập đoàn đi công tác nước ngoài bao gồm 8 người, trong đó không có ông Trần Ngọc Phi Long", văn bản của FFI nêu.

nha-long-9889-1408016679.jpg

Căn nhà ọp ẹp nơi bố mẹ Long đang ở. Ảnh: Cửu Long.

Hiện lãnh đạo Sở Ngoại vụ đã có buổi làm việc với Sở Nội vụ về vụ việc và nhận định, Long có dấu hiệu tự ý bỏ việc, vi phạm luật công chức cần xử lý theo quy định.

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, trong 6 hình thức kỷ luật thì buộc thôi việc là phù hợp nhất. Các hình thức khác (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch lương, cách chức) không có tác dụng vì người bị kỷ luật không có mặt. Còn trong trường hợp Long về Việt Nam, làm đơn xin nghỉ việc thì sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, có thể Long đã chuẩn bị từ trước vì nếu chỉ dùng visa được cấp theo chuyến đi thì khi hết hạn bắt buộc sẽ phải trở về Việt Nam.

Long từng được cử đi học thạc sĩ chuyên ngành “quản lý quan hệ quốc tế” tại vương quốc Anh trong 30 tháng (từ 1/2007 đến 6/2009) theo đề án đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ của TP Cần Thơ. Các ứng viên tham gia chương trình bằng ngân sách thành phố phải cam kết học xong phải làm việc cho địa phương ít nhất gấp 3 lần thời gian đào tạo, nếu không sẽ phải bồi thường kinh phí gấp 3 lần số tiền ngân sách bỏ ra.

"Thực tế, nhiều người sau khi đào tạo được bố trí công việc và công tác tốt, phát huy hiệu quả của đề án. Vài trường hợp học xong ở lại nước ngoài phải bồi thường kinh phí cho nhà nước. Riêng trường hợp của Long thì vừa đủ thời gian công tác tại địa phương theo quy định của đề án", ông Sơn cho biết.

Trước thông tin Long ở lại Mỹ vì "săn" được học bổng tiến sĩ, ông Sơn nói: "Long là người có năng lực làm việc tốt. Nếu săn được học bổng tiến sĩ mà cậu ấy báo cáo và có đơn trình bày với lãnh đạo thì mình sẽ giải quyết cho đi nước ngoài học, không hẹp hòi gì. Khi đó, thành phố không mất tiền mà có cán bộ được đào tạo trình độ cao".

Ngồi ủ rũ trong căn nhà lá đơn sơ tại ấp Vĩnh Ngươn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ,  ba mẹ Long trông ốm yếu, khắc khổ. Ông Trần Ngọc Thơi (54 tuổi) và bà Tạ Thị Dậu (57 tuổi) luôn trách đứa con trai duy nhất của mình suy nghĩ nông cạn làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức.

Vợ chồng ông Thơi từng là giáo viên, vì con trai từ nhỏ đã học rất giỏi nhưng lại thường xuyên bị bệnh nên ông bà phải nghỉ việc để ở nhà làm vườn, chăm sóc và lo cho Long ăn học. "Nó làm cho nhà nước, lương ít nên thỉnh thoảng mới về nhà, cho cha mẹ ít tiền gọi là. Cuối tuần nó tranh thủ dạy thêm ở trung tâm Anh ngữ để kiếm thêm", bà Dậu kể.

Cuối tháng 6, Long bảo sẽ đi công tác tại Mỹ cùng đoàn của thành phố, khoảng 2 tuần mới về. Hơn nửa tháng không thấy con đâu, vợ chồng ông rất lo lắng. Vài ngày sau, một số cán bộ thành phố đến nhà và cho biết Long bỏ đoàn công tác, ở lại Mỹ, không về nước. "Nghe tin vợ chồng tôi chết đứng. Chúng tôi không biết cách nào liên lạc được với nó. Nó cũng bặt tâm, không điện đài gì hết", ông Thơi nói.

Hơn 10 ngày trước, Long gọi điện về nói rằng vẫn khỏe mạnh, đã tìm được học bổng toàn phần của trường đại học tại Mỹ và đang làm nghiên cứu sinh. "Nó bảo vì chưa đủ điều kiện để được cơ quan đề cử đi nước ngoài học tiến sĩ như mong muốn, gia đình lại nghèo quá, không có khả năng du học tự túc nên nó phải làm như vậy. Nó căn dặn vợ chồng tôi nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng vì nó đã có các bạn bè giúp đỡ ở bển", bà Dậu vẻ buồn rầu, nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn