Vụ 40 công chức nộp hơn một tỷ "chống trượt": Sẽ cách chức hai cán bộ

Thứ sáu, 15/08/2014, 15:50
Ông Đào Phan Thắng, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, nhân viên còn lại cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo và chuyển công tác khác.

Vụ việc nộp tiền “chống trượt” của 40 học viên tham gia thi Cao học Quản lý kinh tế (Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) ở tỉnh Thanh Hóa đang gây bức xúc trong dư luận.

Danh sách học viên các đơn vị tham gia thi cao học ngành Quản lý kinh tế nộp tiền “chống trượt”

Cụ thể, ba cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX gồm: ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ông Lê Trọng Sơn - Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo và bà Lê Thị Liên đã tham gia tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền 1,08 tỷ đồng của 40 học viên, nhằm giúp học viên đậu vào kỳ thi Cao học lớp Quản lý kinh tế trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên, trong số 40 học viên này chỉ có 7 người trúng tuyển. Nhiều học viên không trúng tuyển đã đề nghị cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX Thanh Hóa trả lại số tiền dùng để “bôi trơn” đầu vào.

Sẽ cách chức, chuyển công tác 3 cán bộ vi phạm

Ông Đào Phan Thắng

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Đào Phan Thắng, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa cho biết, sự việc này xảy ra ngoài ý muốn của Trung tâm. Đây là hành động tự phát của một nhóm học viên và ba cán bộ của phòng Quản lý đào tạo với các học viên ngoài giờ hành chính.

“Họ tự tổ chức ôn thi, tự mời giảng viên, tự chi trả tiền thanh toán ôn thi… Việc này không phải Trung tâm đứng ra tổ chức. Những cán bộ này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Trung tâm, của đội ngũ nhà giáo tỉnh Thanh Hóa”, ông Thắng khẳng định.

Theo ông Thắng, Hội đồng kỷ luật của Trung tâm đã tiến hành họp kỷ luật lần hai và đã ra kiến nghị. Theo đề xuất của Hội đồng kỷ luật, sẽ kỷ luật ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ông Lê Trọng Sơn - Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo vì đã thu tiền của học viên chạy đầu vào Cao học, làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đội ngũ giáo viên của Trung tâm. Cụ thể, hai người này sẽ bị cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và chuyển công tác khác, có thể chuyển ngạch sang làm nhân viên hành chính hoặc công việc khác.

Bà Lê Thị Liên đã tham gia tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền cũng sẽ bị xử lý theo Nghị định 27 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức là sẽ cảnh cáo và chuyển công tác khác.

“Chúng tôi đánh giá đây là việc làm vi phạm đến quy chế thi cử và tuyển sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy chế của Trung tâm, của ngành Giáo dục và vi phạm đạo đức nhà giáo. Chúng tôi thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng người đúng tội đối với từng cá nhân vi phạm. Trong một hai ngày tới tôi sẽ ký Quyết định kỷ luật những người này”- ông Thắng khẳng định.

“Lãnh đạo Trung tâm có nhiều thiếu sót”

Ông Thắng cho biết, sự việc này xảy ra từ năm 2013. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, Trung tâm đã tiến hành xác minh, xem xét, khắc phục hậu quả và xử lý kỷ luật ngay các cán bộ sai phạm. Về vật chất, Trung tâm chỉ đạo khắc phục ngay việc trả tiền lại cho học viên.

“Khi có kết luận của Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh và UBND tỉnh, chúng tôi tuân thủ nghiêm. Quan điểm của chúng tôi là không bao che, không đùn đẩy trách nhiệm và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cũng thừa nhận, lãnh đạo Trung tâm có nhiều thiếu sót. “Trách nhiệm là người đứng đầu, tôi chưa quản lý tốt cán bộ của mình. Chúng tôi mới chỉ giáo dục họ về chủ trương của Đảng, Nhà nước và mới chỉ quản lý họ được trong giờ hành chính, còn chưa quản lý được những hoạt động ngoài giờ của họ. Chúng tôi cũng chưa quan tâm sát sao đến diễn biến, tư tưởng, tình cảm, ý thức chính trị của cán bộ, nhân viên… Vì thế đã xảy ra vụ việc đáng tiếc vừa qua”.

Ông Thắng cho rằng, rút kinh nghiệm từ sự việc đã xảy ra, ngoài việc giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng đạo đức cho Đảng viên, nêu gương cho Đảng viên, lãnh đạo Trung tâm phải quản lý được cán bộ, nhân viên cả trong và ngoài giờ hành chính. Cùng với đó, Trung tâm sẽ rà soát lại các nội quy, quy chế và sự phối hợp giữa các phòng, ban, giữa cán bộ, nhân viên; đồng thời có cơ chế giám sát, báo cáo hoạt động của từng cán bộ, Đảng viên, nhất là những cán bộ, Đảng viên làm việc liên quan đến học viên, liên quan đến vật chất dễ bị sa ngã.

Ông Thắng cũng cho biết, Trung tâm luôn tích cực hợp tác, phối hợp với cơ quan công an trong điều tra vụ việc. “Không phải bây giờ công an mới vào cuộc mà chúng tôi đã tiếp rất nhiều đoàn công an, trước hết là công an TP Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa, phòng An ninh bảo vệ nội bộ, phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Thanh Hóa) và hiện nay là Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đang triệu tập các cán bộ tham gia vào việc nhận tiền chạy đầu vào Cao học để làm rõ vụ việc. Chúng tôi luôn chủ động phối hợp với cơ quan công an, cung cấp đầy đủ hồ sơ, công khai minh bạch mọi hoạt động của Trung tâm và đáp ứng các yêu cầu của cơ quan công an. Chúng tôi cũng bố trí thời gian hợp lý để các đương sự có điều kiện làm việc với công an và sẵn sàng tiếp xúc với cơ quan công an trong mọi tình huống để sớm làm rõ vụ việc, ổn định tình hình của Trung tâm”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, từ khi xảy ra vụ việc, Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa đã tiếp hơn 40 cơ quan báo chí. “Chủ trương của chúng tôi là sẵn sàng tiếp đón, cung cấp thông tin công khai, minh bạch, không che giấu, bao che cho những người vi phạm”.

Theo VOV

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích