Cuộc gặp gỡ trong quán ven đường
Trên đường đến nhà anh, chúng tôi gọi điện thông báo. Đầu dây bên kia, anh Dũng nói trong sự hồ hởi: “Anh ơi, tiếc quá tụi em đang trên đường về quê. Em đi đến Cát Lái rồi. Nếu cần em sẽ đợi anh ở đây”.
Con cá hô nặng hiếm thấy được anh Dũng bán cho thương lái với giá gần 200 triệu đồng. |
Chúng tôi gặp anh và trò chuyện trong quán cà phê ven đường, ngay vòng xoay Cát Lái.
Trước mặt chúng tôi, giờ đây anh Dũng không còn vẻ lam lũ của một người chài lưới trên sông. Gương mặt anh sáng ngời. Nét tươi vui và nụ cười luôn điểm trên môi. Bên cạnh anh, chị Thanh Thuận, người phụ nữ đầu ấp tay gối cũng cùng chung tâm trạng.
Chỉ vào bụng vợ, anh Dũng nói: “Nhà em đang mang thai hơn 8 tháng. Chỉ còn một tháng nữa là sinh mà trong nhà chưa có một chuẩn bị nào hết. Suốt mấy năm nay vợ em bán hàng ở chợ Long Phước mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn. Còn em, công việc chài lưới mỗi tháng may lắm thì được vài triệu chỉ đủ chi dùng hàng ngày cho một gia đình. May sao hôm qua bắt được con cá lớn, được món tiền hời chúng em mừng quá”.
Giải quyết được khó khăn trước mắt, anh Dũng như phấn chấn hẳn lên.
Anh kể, nghề chài lưới là nghề truyền thống của gia đình. Anh theo cha đi chài lưới từ năm học lớp 5, đã lăn lộn ở các cửa sông như cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Hàm Luông cho đến năm 19 tuổi thì về lại quê nhà ở Nhơn Trạch.
|
Để đưa được con cá về, anh Dũng phải nhờ tới người hỗ trợ... |
Nhờ những năm theo cha, tích lũy được ít vốn kiến thức về chài lưới nên anh mạnh dạn về đoạn sông này kiếm kế sinh nhai.
Anh sắm một con thuyền, 5 mảnh lưới, mỗi mảnh dài 50m. Lưới của anh thuộc loại lưới gộc, mắt lưới lớn chỉ chuyên đánh các loại cá nặng từ 2 - 3kg.
Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc anh lên thuyền đi đến đoạn sông chờ sẵn.
Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ hai ở miền Nam này nên có rất nhiều loại cá nước ngọt sinh sống. Anh chuyên đánh bắt các loại cá chẽm, bông lau, chìa vôi bán lại cho thương lái.
Ông bà ta thường có câu: “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” để nói về nỗi nhọc nhằn của hai nghề trên rừng, dưới nước. Anh thuộc vào loại nghề thứ hai nên cũng không thảnh thơi gì. Mỗi tháng theo con nước anh chỉ có thể làm được khoảng 15 ngày còn lại ở nhà vui với vợ con.
Cuộc sống cứ thế trôi dần. Nợ áo cơm cứ mãi đeo đuổi khiến nỗi lo cứ canh cánh trong lòng. “May sao, trời thương đó anh ạ”, Dũng nói với chúng tôi…
"Cái đêm ông trời…ngó nghĩ"
Cả đời bám sông nước, Dũng chưa bao giờ thu hoạch được con cá to như thế. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cá hô hiện nay rất hiếm.
Do tin vào tâm linh, ăn cá hô sẽ được nhiều điều may, điều lợi nên nhiều người tìm cho được dù bất cứ giá nào.
Tuy nhiên, là loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, cá hô có kích thước khá lớn, bị săn bắt nhiều nên hiện nay loại cá này đang trên đà tuyệt chủng.
Vợ chồng anh Dũng về quê với tâm trạng phấn khởi |
Dũng kể cho chúng tôi nghe, khi thấy con cá chính anh cũng không biết là cá gì vì đây là lần đầu tiên mới gặp. Con cá được kéo về bến. Nhiều người chạy đến xem.
Dũng nói: “Một người rành về loại cá này cho biết, cá hô thường sống ở những hố lớn cạnh những con sông rộng. Trong một số thời điểm nào đó, cá hô bơi vào những con kênh, rạch để tìm thức ăn. Đặc điểm của cá hô không sống một chỗ. Chúng di cư từ nơi này sang nơi khác. Thức ăn chính là rong rêu hoa quả không hề ăn động vật sống…Có thể con cá này đang trên đường di cư”.
Để có được con cá này – Dũng kể tiếp – 7 giờ tối anh lên ghe tới ngay vàm Cá Xuất trên dòng Đồng Nai rồi neo lại.
Đây là ngư trường quen thuộc của anh. Nằm trong ghe chờ đợi đến con nước thích hợp thì đã 0 giờ, Dũng bắt đầu buông lưới.
Năm tấm lưới dài hàng trăm mét được giăng khắp mặt vàm. Vì là lưới nổi nên anh phải thức để canh, phòng khi tàu bè đi ngang xé rách. Vì vậy, cả đêm cứ chập chờn cho đến khi bình minh ló rạng, Dũng thăm lưới phát hiện ngay mảnh lưới đầu tiên, con cá to đang vùng vẫy.
Mặc dù chưa biết là cá gì nhưng niềm vui ập đến. Không chần chừ, anh nhảy xuống nước tìm mọi cách để khống chế con cá. Làm đủ cách không được, cuối cùng anh phải dùng tấm lưới quấn gọn con cá.
Một đầu sợi dây được luồn từ mang ra đến miệng cột chặt lại. Đầu dây còn lại Dũng cột vào ghe.
Lúc bấy giờ, liệu không thể một mình đưa cá về bến, Dũng gọi điện cho anh trai đến tiếp ứng. Thế là cả hai anh em cùng nhau đưa con cá về đến bến.
“Trời cho đó anh! Vùng này nhiều người xác nhận làm gì có loài cá này. Thôi thì lộc trời, trời cho thì mình hưởng vậy. Anh nhỉ ?”, Dũng nói.
(Còn tiếp)
Theo VNN