Ngay cạnh Nhà Quốc hội, các hố khai quật sâu từ 1,5-3 m phát lộ nhiều hiện vật và di tích của hoàng thành Thăng Long. |
Tọa lạc trên nền thành xưa quách cũ đất Thăng Long, Nhà Quốc hội với kiến trúc mang biểu tượng “trời tròn đất vuông” ra đời sau một quá trình dài vật vã phôi thai...
Sáng 2/4/2007, với 86,56% phiếu thuận, Quốc hội khóa XI thông qua nghị quyết về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội.
Theo đó, Nhà Quốc hội được xây dựng tại lô D khu trung tâm chính trị Ba Đình, Hội trường Ba Đình lịch sử bị đập bỏ. Nhưng tranh luận về việc xây Nhà Quốc hội thì chưa dừng lại ở đây.
Bỏ Hội trường Ba Đình
Tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, ngày 2/9/2007, Bộ Xây dựng tổ chức triển lãm các phương án kiến trúc Nhà Quốc hội (17 phương án đã trúng tuyển vào vòng chung kết) để tham khảo ý kiến nhân dân.
Vài ngày sau, với tư cách một công dân, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã công bố một lá thư trên báo chí, đề nghị “giữ lại Hội trường Ba Đình, xây dựng Nhà Quốc hội mới trên một địa điểm mới, tạo dựng một không gian đô thị mới”.
Liền sau ý kiến của ông Kiệt, báo Đại Đoàn Kết ngày 1/11/2007 đã đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn có nhiều ý kiến”. Đại tướng cho rằng “đã là di tích lịch sử mà xuống cấp thì phải tu sửa, bảo tồn chứ không phải phá bỏ đi”.
Nhưng những người ủng hộ phương án xây dựng Nhà Quốc hội ngay tại vị trí Hội trường Ba Đình cũng có lý do của mình. Tôi tìm gặp lại cựu bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, người được giao nhiệm vụ chủ trì công tác tham mưu, thì được biết trước thời điểm Quốc hội đưa ra quyết định như trên, Bộ Chính trị đã phải họp nhiều cuộc để nghe báo cáo và đánh giá các phương án, các luồng ý kiến khác nhau.
Thật ra, ý tưởng xây Nhà Quốc hội đã xuất phát từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cách mạng từ Việt Bắc trở lại thủ đô Hà Nội năm 1955. “Nhưng lúc ấy Bác Hồ có ý kiến là đất nước chưa thống nhất, khi nào đất nước thống nhất sẽ xây Nhà Quốc hội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trước mắt chỉ nên xây một Hội trường có quy mô vừa phải làm nơi họp tạm thời. Sau đó kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và một số kiến trúc sư được giao thiết kế, xây dựng Hội trường Ba Đình, hoàn thành năm 1963”.
Hội trường Ba Đình vì là nơi họp tạm thời nên kiến trúc và quy mô xây dựng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Chi tiết quan trọng này được cụ Hoàng Phát Hiền, một trong những cán bộ phục vụ nhiều năm gần gũi với Bác Hồ, kể lại với các đồng chí lãnh đạo. Đây cũng là một trong những căn cứ để trung ương yên tâm đưa ra quyết định cuối cùng.
|
Từ trên nóc nhà Quốc hội (xây trên nền Hội trường Ba Đình cũ) nhìn xuống quảng trường Ba Đình. |
Mười năm vật đổi sao dời
Ý tưởng xây dựng một hội trường mới của quốc gia khang trang, hiện đại, biểu trưng cho thời kỳ mới, gắn với hình ảnh một nước VN hội nhập và phát triển được xuất phát từ dự báo và tầm nhìn xa của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông Quân kể khoảng năm 1998 - 1999, Chính phủ có chủ trương xây một trung tâm hội nghị lớn, hiện đại và giao cho Bộ Xây dựng chuẩn bị.
“Trong suy nghĩ của lãnh đạo Bộ Xây dựng khi đó thì chỉ đặt ở khu 18 Hoàng Diệu (khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long hiện nay) là đẹp nhất, bởi cả khu đất rộng rãi ấy mới chỉ có Hội trường Ba Đình thôi. Khi đưa vấn đề này ra Quốc hội thì có ý kiến đề nghị phải xây Nhà Quốc hội, bởi Quốc hội các nước đều có nhà riêng, ta thì Quốc hội mấy chục năm vẫn họp chung ở Hội trường Ba Đình, từ đó mới dẫn đến ý tưởng làm Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới” - ông Quân kể.
Để có Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình xứng với tầm vóc VN đổi mới, thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu phải thi tuyển phương án kiến trúc.
Có 25 phương án dự thi của 22 tổ chức thiết kế đến từ 12 quốc gia, ban tổ chức đã lập hội đồng chấm thi gồm những chuyên gia hàng đầu VN và bốn thành viên nước ngoài do Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế đề cử. Kết quả, phương án số 17 của Tập đoàn thiết kế Cộng hòa Liên bang Đức đoạt giải nhất.
“Thủ tướng Phan Văn Khải thở phào bởi kiến trúc thường là vấn đề dễ gây tranh cãi nhất. Ông nói với tôi rằng ông rất mừng vì phương án lựa chọn đạt được thống nhất cao của cả các chuyên gia VN và quốc tế” - ông Quân nhớ lại.
Đến thời điểm này (cuối năm 2002), phương án được lựa chọn là xây Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới trên khu đất 18 Hoàng Diệu, giới hạn bởi các đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, tức là ngay bên phải Hội trường Ba Đình. Theo phương án này, Hội trường Ba Đình được giữ lại nguyên vẹn.
“Mọi việc đã được quyết rồi. Chúng tôi cho dọp dẹp khu đất để chuẩn bị thi công, và theo Luật di sản văn hóa thì phải khai quật khảo cổ. Kết quả thật bất ngờ, giới khảo cổ học khẳng định đã phát hiện di tích đặc biệt quý giá, càng đào càng thấy quý... Thế là mọi việc phải đình lại”.
Ông Quân tâm sự trong đời ông làm thứ trưởng rồi bộ trưởng, có hai công trình khiến ông phải chạy đua với thời gian đến mướt mồ hôi đó là sân vận động Mỹ Đình (xây dựng trong 20 tháng để kịp SEA Games) và Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (xây dựng trong 22 tháng cho kịp APEC). Khi hoàng thành Thăng Long phát lộ năm 2003 thì sự kiện VN đăng cai tổ chức Hội nghị APEC 2006 đã đến rất gần.
Vẫn theo cựu bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: “Chúng tôi đề xuất tìm địa điểm bên ngoài để xây Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các bô lão và nhiều nhà lãnh đạo. Trong tâm thức của mọi người, Nhà Quốc hội - nơi làm việc của cơ quan quyền lực tối cao - phải ở trung tâm chính trị Ba Đình. Lúc đó những người tham mưu như chúng tôi cũng bối rối vì APEC đến nơi rồi”.
Cuối cùng, Chính phủ quyết định tạm gác chuyện xây Nhà Quốc hội lại, tìm địa điểm xây dựng trung tâm hội nghị quốc gia. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên giới thiệu, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đồng ý, thế là khu Mỹ Đình được lựa chọn...
Khi quay lại với công việc xây dựng Nhà Quốc hội, bộ phận tham mưu đã giới thiệu nhiều phương án mới: khu 37 Hùng Vương (chếch về phía bên kia lăng Bác, nằm giữa hai con đường Trần Phú, Lê Hồng Phong); khu đất gần Bảo tàng Lịch sử quân sự VN, chỗ sân vận động Cột Cờ (kế bên Bộ Quốc phòng, đường Nguyễn Tri Phương); bên trái Hội trường Ba Đình (phía sau nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trụ sở Bộ Ngoại giao...). Nhưng rồi không phương án nào được ủng hộ.
Trong tâm thức nhiều người, Nhà Quốc hội phải ở trung tâm chính trị Ba Đình. Cuối cùng, sau nhiều cuộc thảo luận, vị trí hiện nay được lựa chọn. Ngày 2/10/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng Nhà Quốc hội.
__________
Kỳ tới: Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Theo TTO