Phát biểu tại cuộc đối thoại “Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương & Ấn Độ” hồi giữa tháng 12, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ ông Tôn Sinh Thành nói Việt Nam rất quan tâm đến tiến độ cũng như quy mô của việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông và lo ngại điều này gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Trong bối cảnh đó, các nước châu Á đang hối hả gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng. Đầu năm 2015, tổ chức Tình báo Phòng vệ Chiến lược (DSI), cho biết châu Á hiện dẫn đầu thế giới về mức tăng chi quốc phòng, trong đó mức chi dành cho tàu ngầm đứng đầu danh sách.
Hạm đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam |
Các chuyên gia phân tích của DSI nói đến năm 2015, thị trường tàu ngầm châu Á sẽ tăng từ mức trên 7 tỷ USD lên đến 11 tỷ. Điều đó có nghĩa là châu Á sẽ vượt qua châu Âu và trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
Chuyên gia Sravan Kumar Gorantala của DSI nói Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc là những nước chính mua tàu ngầm trong bối cảnh những xung đột hàng hải có thể xảy ra ở Biển Đông, ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông Gorantala nói, việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong những vụ tranh chấp ở Biển Đông cùng với việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đã dẫn đến việc gia tăng nhu cầu về tàu ngầm của Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Australia và Việt Nam.
Nhật Bản cũng đã có hành động mua vũ khí của nước ngoài, chủ yếu cho các tầu ngầm lớp Soryu của họ. Nhiều nước đang có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng đã mua máy bay trinh sát.
Theo ông Gorantala, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Malaysia trong việc khẳng định chủ quyền các vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông cũng đang thúc đẩy nhu cầu mua vũ khí của các nước trong khu vực.
Thái Lan sắp mua 3 tàu ngầm điện chạy bằng diesel của Trung Quốc để theo kịp khả năng của hải quân Việt Nam. Năm 2009, Việt Nam mua 3 chiếc tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo và còn đặt mua thêm 3 chiếc nữa trong một thỏa thuận 2,6 tỷ USD. Philippines và Indonesia cũng đã mua các tàu ngầm hạng Kilo do Nga chế tạo vào lúc Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng.
Kể từ năm 2008, hải quân Việt Nam đã tiếp nhận một tàu chiến BPS-500 và 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 trang bị tên lửa chống hạm Uran 3M24.
Các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam được trang bị cả tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất, được yểm trợ bằng 4 tàu chiến tên lửa dẫn đường, 5 tàu chiến các loại và 6 tàu tên lửa tấn công nhanh.
Theo chuyên gia Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia: “Việt Nam không nhắm vào một cuộc chiến tranh quy ước hay một cuộc chiến tranh chớp nhoáng mà tìm cách phòng thủ để có thể ngăn chặn các cuộc tấn công gây thiệt hại”.
Philippines, một nước cũng có những tranh chấp ở Biển Đông, cũng đang mạnh tay chi cho quân đội để bảo vệ chủ quyền. Tổng thống Philippines Benigno Aquino mới đây đã hứa sẽ có các lực lượng vũ trang có khả năng và mạnh hơn để đối phó với các thách thức ở Biển Đông khi ông rời nhiệm sở vào năm tới.
Ông hứa sẽ chi khoảng 83,9 tỷ peso (khoảng 1,77 tỷ USD) trong giai đoạn 5 năm đến năm 2017 để tăng cường quân đội khi Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền ở hầu hết Biển Đông. Kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Aquino chỉ mới được phê duyệt năm nay, nên khoản tiền khổng lồ trên sẽ được chi ra trong những tháng tới.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 80 năm các lực lượng vũ trang Philippines, ông Aquino nói: “Chúng ta đang có kế hoạch sắm các tàu khu trục mới, các tàu hải vận chiến lược, máy bay chi viện trực tiếp và tàu tuần tra tầm xa cùng các thiết bị khác”.
Khoản chi mà Tổng thống Aquino đưa ra nhiều hơn tổng số chi tiêu cho quân đội của cả ba chính quyền trước ông. Ông Aquino cho biết chính quyền của ông đã chi 59,79 tỷ peso kể từ năm 2010 để mua một phi đội máy bay chiến đấu nhẹ của Hàn Quốc và trực thăng tác chiến của Ý. Washington cũng đã chuyển giao hai tàu bảo vệ duyên hải và máy bay vận tải đến Philippines.
Theo Infonet