Chỉ có Việt Nam mới có hai loại hình tiêm chủng
Liên quan đến tình trạng hỗn loạn vắc xin khiến dư luận bức xúc trong vài ngày qua, sáng 26/12, tại cuộc mặt báo chí cung cấp thông tin y tế, PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, để xảy ra tình trạng hỗn loạn như ở cơ sở Lương Thế Vinh là điều không mong muốn.
PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Không ở đâu trên thế giới có hai loại hình tiêm chủng như ở Việt Nam. |
Theo ông Phu, hiện nay có gần 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng có 10 loại vắc xin chữa cho 12 bệnh. Với mong muốn giúp người dân được phòng bệnh một cách tốt nhất nên Bộ Y tế có thêm loại hình tiêm dịch vụ. Nhưng không ở đâu trên thế giới có hai loại hình tiêm như ở Việt Nam.
Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam được đánh giá là thành công nhất vì nó đã thanh toán được bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Và chỉ có vắc xin mới làm được điều đó.
Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Trần Đắc Phu cho biết, cũng còn nhiều vấn đề chưa tốt như việc triển khai còn chậm, tổ chức chưa tốt dẫn đến việc người dân có sự so sánh: tư nhân tốt còn công không tốt, dịch vụ tốt hơn miễn phí.
Về việc dẫn đến tình trạng hỗn loạn vắc xin thời gian qua, ông Trần Đắc Phu giải thích: Chúng tôi cũng thống nhất thời gian qua có sự khan hiếm vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp, 6 trong 1 Infanrix hexa của Bỉ. Đây là 2 loại vắc xin có chứa thành phần ho gà vô bào và tương đối ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay hai loại vắc xin này khan hiếm vì người dân so sánh giữa vắc xin mất tiền và vắc xin miễn phí. Trước đây, chúng ta không có vắc xin vô bào để so sánh, chỉ tiêm trong chương trình TCMR và thấy điều đó là bình thường. Đến giờ người dân có sự so sánh. Nhưng cũng có những nghiên cứu cho thấy, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 đều có phản ứng nặng, rủi ro tử vong rất thấp.
Hơn nữa nhiều nước quan ngại việc vắc xin ho gà vô bào nếu không tổ chức tốt, vấn đề miễn dịch cộng đồng hiệu quả thấp hơn vắc xin toàn tế bào. Tình hình bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội là ví dụ rất cụ thể. Nếu như chúng ta để giảm miễn dịch cộng đồng là rất nguy hiểm.
Nói về tình trạng dẫn đến việc khan hiếm vắc xin, ông Phu nêu rõ: Vừa qua, Cục Quản lý dược cho biết, tình hình vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1, rất khan hiếm không phải là do Bộ Y tế không cho nhập mà do nhà sản xuất không có vắc xin cho nên chúng ta không nhập được số lượng lớn. Vì họ thay đổi nhà xưởng, lô sản xuất, nhiều lô kiểm nghiệm không được nên xảy ra tình trạng thiếu vắc xin. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn cố gắng tìm nguồn vắc xin khác để dành cho những người không dám tiêm chủng Quinvaxem.
Để tránh tình trạng xảy ra như vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản yêu cầu các điểm tiêm chủng phải có kế hoạch tiêm chủng cụ thể, không tăng giá, cấm tiêm vắc xin xách tay.
Trong những phạm vi cho phép, điểm nào vắc xin không dùng hết sẽ điều phối cho đơn vị khác. Vấn đề vướng mắc ở đây là khâu đăng ký. Bộ đã bàn phương án đăng ký trên trang website hoặc trực tiếp. Tuy nhiên, hình thức nào cũng có cái khó nhưng phải lựa chọn cái dễ hơn. Đặc biệt, khi đi đăng ký, chúng ta cũng không nên bế trẻ con đi theo.
Khi đăng ký xong, đối với các cơ sở tiêm chủng, phải hẹn giờ giấc cụ thể để người dân không bị cảnh chờ đợi, xếp hàng. Người dân phải tiêm chủng theo đúng lịch quy định của Bộ Y tế, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Các bà mẹ khi đi tiêm cần mang theo sổ tiêm chủng. Chúng ta cũng nên chọn tiêm chủng tại một điểm để cho dễ quản lý và theo dõi.
Ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết các phòng tiêm chủng của viện sẽ tiến hành đăng ký trong thời gian tới. Biện pháp đăng ký, Viện thống nhất đăng ký trên web hoặc online. Các bà mẹ ở tỉnh khác cũng có thể đăng ký tiêm cho con mình.
TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết hiện nay trung tâm đã đưa ra phương án đăng ký điện tử qua web, qua mail để đảm bảo người dân không phải đến xếp hàng.
Theo Infonet