- Hình ảnh học sinh THPT An Dương Vương thi ở sân trường để chống gian lận đã nhận được nhiều phản hồi. Là Hiệu trưởng và cũng sáng lập cách thi này, thầy có cảm xúc như thế nào?
- Những hình ảnh đó được chính tôi chụp lại cách đây một tuần tại trường THPT An Dương Vương, chi nhánh Thủ Đức, TP.HCM. Kỳ thi học kỳ được tổ chức với 140 học sinh, 6 giám thị. Tôi chụp ảnh để làm tư liệu, sử dụng cho cuối năm học nhưng không ngờ được người thân chia sẻ lên mạng xã hội, mang lại hiệu ứng dư luận tốt.
Thầy Trần Đức Thành - Hiệu trưởng THPT An Dương Vương, TP.HCM. Ảnh:NVCC. |
Tôi nhận được nhiều lời chúc mừng từ phía phụ huynh. Cựu học sinh của trường cũng bày tỏ sự tự hào vì đã được học tập trong môi trường trong sạch, phản ánh đúng năng lực.
Chỉ trừ tiết kiểm tra miệng 15 phút, còn lại tất cả những bài kiểm tra, thi học kỳ, học sinh trường An Dương Vương đều làm ở ngoài trời. Đến nay, tình trạng tiêu cực trong thi cử gần như không còn.
- Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giáo dục, thầy ấp ủ ý tưởng cho học sinh thi ngoài trời từ khi nào?
- Vào mỗi khóa các em nhập học, tôi luôn khảo sát bằng câu hỏi: Em nào từng mở tài liệu thì giơ tay trái, chép bài bạn giơ tay phải. Em nào đã làm hai việc trên thì giơ hai tay, con số lên đến 60%.
Tôi đặt ra mục tiêu quyết tâm học thật, thi thật để học sinh luôn biết năng lực của mình mà phấn đấu. Nếu tồn tại tình trạng học sinh sử dụng tài liệu sẽ dẫn đến các em học thật nản lòng, vì không công bằng. Hoặc học sinh sẽ có thói quen trông chờ vận may quay bài, năng lực ngày một yếu đi.
Hình thức thi này được áp dụng từ năm học 2011 – 2012, đến nay đã được 4 năm. Tuy nhiên, trường không thường xuyên cập nhật trên Website và Facebook, nên dư luận ít biết. Bởi tôi quan niệm, mạng xã hội luôn có hai chiều, tốt và xấu.
Thời gian đầu mới thành lập, trường còn ít học sinh, tôi tách một lớp ra nhiều phòng thi, mỗi phòng có 8 em. Năm thứ hai, số lượng tăng lên, phòng trống hạn chế nên một phần học sinh thi ngoài trời. Tuy nhiên, sau đó thấy phương pháp thi này có hiệu quả, nhà trường áp dụng cho đến nay với mong muốn hạn chế tiêu cực.
Cảnh học sinh ngồi làm bài thi tại trường. Ảnh: Fanpage THPT An Dương Vương TP. HCM. |
Nỗi lo... thời tiết
- Có ý kiến cho rằng, hình thức thi này đạt hiệu quả trong việc giảm tiêu cực nhưng "cồng kềnh" ở thời đại công nghệ với nhiều thiết bị hiện đại như camera, quan điểm của thầy như thế nào?
- Đến nay, hầu hết phụ huynh và học sinh đều ủng hộ phương pháp độc đáo này với mong muốn tự lực cánh sinh trong thi cử. Tuy nhiên, thời gian đầu tổ chức, rất nhiều vấn đề được đưa ra.
Phụ huynh học sinh xem kết quả của con, đặt câu hỏi, tại sao chất lượng của cháu lại yếu kém như vậy? Tôi không trả lời và nói phụ huynh hãy hỏi con em mình. Các em đều bảo đây là điểm số thực sau kỳ thi nghiêm túc của trường. Phụ huynh hài lòng và không ai còn thắc mắc về điểm số.
Vấn đề đáng lo ngại được đặt ra là sự cố như mưa, nắng. Nhà trường theo dõi dự báo thời tiết trước để chọn ngày thi thuận lợi, đồng thời cho học sinh dự thi sớm, bắt đầu từ 6h45 hoặc 16h. Nếu trời mưa, học sinh được che bằng dù lớn hoặc di chuyển vào hội trường nhà ăn.
Giám thị trong trường chủ yếu là người trẻ, được hướng dẫn chi tiết về khâu tổ chức thi khi mới vào trường. Học sinh tiêu cực dễ dàng bị phát hiện vì vị trí ngồi cách xa nhau. Đồng thời, an ninh cũng được đảm bảo để học sinh yên tâm làm bài.
Tôi may mắn vì được mọi người ủng hộ. Hình thức này cũng phù hợp trường tư thục số lượng học sinh ít như An Dương Vương. Xã hội nhiều ý kiến, có nhiều cách để nâng chất lượng dạy và học nhưng bất cứ trường nào cũng có thể áp dụng cách phù hợp nếu nhận được sự đồng thuận.
"Thi sạch" đã trở thành thương hiệu
- Sau 4 năm thực hiện, kết quả học tập của học sinh có sự chuyển biến như thế nào?
- Vì là trường tư nên những năm đầu thành lập, đầu vào yếu, giáo viên phải dạy lại kiến thức cấp hai cho học trò. Tuy nhiên, đến nay, đầu ra của trường luôn đảm bảo 100% đỗ tốt nghiệp.
Bảng xếp hạng số lượng thí sinh đỗ đại học của trường tăng mạnh theo từng năm. Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, trường xếp thứ 134 trên toàn quốc, tỷ lệ đỗ đại học lên đến 97%. Đã có 40% học sinh giỏi nộp hồ sơ tuyển sinh đầu vào của trường.
- Với hình thức thi cử này, thầy gửi thông điệp gì đến học trò?
- Một cựu học sinh của tôi từng khóc vì bức xúc khi thấy bạn dùng tài liệu trong một kỳ thi lớn. Như vậy, sự trung thực trong thi cử đã trở thành nét văn hóa của học sinh An Dương Vương.
Năm học đầu tiên vẫn có học sinh mở tài liệu, nhưng chỉ một học kỳ, các em quen với cách thi này và luôn sợ bạn bè coi thường nên rất hạn chế. Với trường An Dương Vương, giở tài liệu là xấu hổ chứ không phải là điều “khoe” với bạn bè như một số trường khác.
Ngoài ra, số bàn ghế nhà trường đang sử dụng đều được lấy từ lớp học và bàn ghế dự trữ. Trong thời gian sắp tới, nhà trường sẽ mua bàn ghế riêng dành cho thi cử, tiện lợi cho việc di chuyển.
Việc tổ chức thi ngoài trời rèn cho các em tính tự giác, giúp đỡ nhau qua quá trình tự bê bàn ghế, ổn định chỗ ngồi.
Sinh năm 1969, thầy Trần Đức Thành có gần 20 năm giảng dạy trường chuyên THPT Lương Thế Vinh (Đồng Nai), trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM, trước khi về làm Hiệu trưởng THPT An Dương Vương TP.HCM.
Luôn đề cao sự trong sạch trong thi cử, ngày còn trực tiếp giảng dạy, thầy Thành được học sinh xếp vào “bộ tứ sát thủ”. Ngày mới ra trường, thầy giám thị trẻ từng bắt “hụt” hai lần một học sinh có dấu hiệu quay cóp. Đến lần thứ ba, thầy Thành cương quyết và phát hiện em này kẹp tài liệu giữa đùi, được dính bằng băng keo.
Theo Zing