Người dân, cán bộ đều “chột dạ”
Ngày 5.1, một cháu bé 3 tháng tuổi (trú tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong ngay sau khi tiêm vaccin Quinvaxem “5 trong 1” tại trạm y tế xã.
TS Nguyễn Nhật Cảm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, hôm đó, tại trạm y tế xã Yên Thường còn có 120 cháu khác cũng tiêm mũi Quinvaxem “5 trong 1” nhưng chỉ có 1 cháu bị phản ứng và tử vong. Trung tâm đã niêm phong lô vaccin này và gửi mẫu đến Viện Kiểm định vaccin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) để kiểm nghiệm.
Tiêm chủng cho trẻ em tại cơ sở 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, ngày 7.1. |
Tuy nhiên, không khí lo ngại đưa con đi tiêm chủng đã xuất hiện ở nhiều người. Chị Lê Thị Hòa (Mai Dịch, Hà Nội) có con gần 3 tháng tuổi cho biết, con chị có tên trong danh sách tiêm chủng vào Chủ nhật (6.1) nhưng nghe tin có thêm trẻ tử vong sau tiêm ngay cùng thành phố, chị đã không dám đưa con đi tiêm.
“Các bác sĩ cứ nói là thận trọng với các trường hợp trẻ có tiền sử bệnh tim, não gì đó, nhưng toàn là trẻ sơ sinh, đâu có biết chúng bị bệnh gì” – chị Hòa cho biết.
Từ năm 2010-2012 có 14 trường hợp tai biến được kết luận có thể liên quan đến tiêm chủng (chưa kể 3 trường hợp ở Nghệ An và 1 ở Hà Nội), trong đó 3 trường hợp tử vong (theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương). |
“Vì nếu các cháu có sơ sểnh gì, phụ huynh đến hỏi tội thì mình cũng không gánh được” – chị nói.
Trước đó, cuối tháng 12.2012, tại TTYTDP tỉnh Bình Định cũng xác nhận có 3 trẻ sơ sinh khoảng 2 tháng tuổi tại TP. Quy Nhơn phải đi cấp cứu sau khi tiêm vaccin “5 trong 1” Quinvaxem. Nhưng rất may các cháu qua cơn nguy kịch. Còn đầu tháng 12.2012, 3 cháu bé tại xã Châu Quang (Nghệ An) tử vong sau khi tiêm vaccin “5 trong 1” Quinvaxem.
Lựa kinh tế để “gắp” Quinvaxem?
Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư gửi Bộ Y tế về tình hình phản ứng sau tiêm chủng nặng ngày 5.1 (cùng ngày với cháu bé tại Hà Nội tử vong) cho biết: Vaccin “5 trong 1” Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 6.2010. Mỗi năm tiêm khoảng 4-5 triệu liều cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi.
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong vaccin “5 trong 1” Quinvaxem, các chuyên gia lo ngại nhất là phản ứng của thành phần vaccin phòng ho gà. Vì đây là vaccin toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà làm vaccin) nên dễ gây ra phản ứng sốc phản vệ nhất. Trong khi các vaccin loại mới là vaccin vô bào, không dùng vi khuẩn gốc và “nguyên chất” hơn, ít phản ứng hơn.
Cũng theo ông Hiển, vaccin “5 trong 1” Quinvaxem của Hàn Quốc có giá thấp (khoảng 20.000 đồng/liều), được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia theo viện trợ của UNICEF. Hiện, Hàn Quốc cũng không sử dụng loại vaccin này.
Còn, hiện tại các điểm tiêm chủng theo yêu cầu, các loại vaccin “5 trong 1”, “6 trong 1” của Mỹ và Bỉ có giá khoảng trên 500.000 đồng/liều. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết, trước khi đưa Quinvaxem “5 trong 1” vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế và Viện đã tham khảo ý kiến của WHO.
Thế nhưng thực tế các ca tai biến vẫn khá nhiều, dư luận chờ đợi Bộ Y tế và WHO có những nghiên cứu tích cực hơn về tỷ lệ tai biến để tránh trường hợp “phản tác dụng” khi Tổ chức TCMR.
Theo Danviet