Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Ghi nhận cả tiếng nói trái chiều

Thứ ba, 08/01/2013, 08:08
“Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, đảm bảo chất lượng, thiết thực, hiệu quả” - ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam trao đổi với Tiền Phong.
Sửa đổi Hiến pháp

Ông Vũ Trọng Kim

Ông Vũ Trọng Kim cho biết: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức thành viên có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên Mặt trận tổ chức thảo luận, lấy ý kiến các tổ chức thành viên của mình, ý kiến các tổ chức xã hội khác, ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sỹ, trí thức, luật gia, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát huy trí tuệ của dân

MTTQ Việt Nam làm gì để phát huy tốt nhất trí tuệ, tâm huyết của nhân dân đóng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thưa ông?

Để đảm bảo dân chủ, khách quan, Mặt trận sẽ không có gợi ý bất cứ nội dung cụ thể nào cả. Toàn bộ Dự thảo có 8 phần quan trọng sẽ được đưa ra lấy ý kiến.

Tuy nhiên, tùy từng giới, từng ngành, có thể góp ý vào những nội dung cụ thể mà mình quan tâm, có điều kiện để góp ý sâu: Xây dựng bộ máy nhà nước, các chế định về kinh tế, văn hóa, giáo dục… Có như vậy các ý kiến mới sâu sắc, góp phần làm cho bản Hiến pháp có chất lượng.

Để đảm bảo thuận lợi và phát huy được trí tuệ của nhân dân, Mặt trận tổ chức việc lấy ý kiến ra sao?

Các hình thức hội nghị, hội thảo phải phù hợp, sao cho nhân dân đóng góp được nhiều ý kiến rộng nhất tại các tổ chức, đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Ngoài việc chủ trì một số hội nghị lấy ý kiến trực tiếp, MTTQ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp bằng văn bản hoặc trực tiếp ghi chép ý kiến nhân dân đến góp ý kiến.

Mặt trận sẽ tổ chức 7 hội nghị lớn trong thời gian 3 tháng tới để lấy ý kiến các vị Ủy viên Đoàn chủ tịch, Ủy viên UB TƯMTTQ Việt Nam khóa VII; lấy ý kiến Ban thường trực, Đoàn chủ tịch UBTƯMT các thời kỳ; lấy ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài; lấy ý kiến các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội (46 tổ chức); lấy ý kiến Chủ tịch UBMTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…

Khoảng cuối tháng 3, sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhân sỹ trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo. Ở các địa phương, sẽ tự tổ chức các Hội nghị để lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tôn trọng mọi ý kiến cá nhân

Như ông nói, yêu cầu của việc lấy ý kiến là đảm bảo dân chủ, để mọi người dân đều được đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thưa ông?

Người dân được tìm hiểu, nghiên cứu toàn bộ nội dung của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Họ sẽ bảo phần này thiếu, phần kia thừa, chỗ này chưa sâu hoặc có những ý kiến khác. Mặt trận ghi nhận tất cả mọi ý kiến đó.

Không phải lấy ý kiến theo đa số, mà ghi nhận ý kiến thiểu số, ý kiến cá nhân. Tất cả đều phải tập hợp cho đủ, vì đôi khi cá nhân cũng có những sáng kiến, sáng tạo nhất định.

Cần tạo điều kiện để người dân đến được với các hội nghị đóng góp ý kiến đầy đủ nhất. Người dân cũng phải được suy nghĩ, nghiền ngẫm trước, để khi góp ý kiến, mặc dù thời gian ngắn, nhưng vẫn có được ý kiến chất lượng.

Mình không ngăn cản, không hạn chế ai, kể cả những điều mình cảm thấy trái tai cũng phải để người dân phát biểu hết ý kiến. Tinh thần là phải làm thật kỹ chứ không được làm qua loa, hình thức.

Với những vấn đề lớn đang đặt ra tại lần sửa đổi này, những ý kiến khác nhau thậm chí trái chiều của nhân dân đóng góp vào dự thảo sẽ được ghi nhận ra sao?

Phải ghi nhận, tập hợp đầy đủ nhất ý kiến của các tầng lớp nhân dân để gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Mặt trận không né tránh những vấn đề nhân dân đặt ra. Tinh thần phát huy dân chủ là nhằm khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến của mình.

Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cho nên quần chúng đóng góp vào Dự thảo càng nhiều càng tốt. Những tiếng nói, tạm gọi là trái chiều trong nháy nháy, thì cũng phản ánh một phần suy nghĩ, nguyện vọng của người dân. Những vấn đề nhân dân đặt ra, thực tiễn đang đòi hỏi, nếu phù hợp quy luật phát triển, thì mình phải tôn trọng, ghi nhận đầy đủ.

Cảm ơn ông!

Mình không ngăn cản, không hạn chế ai, kể cả những điều mình cảm thấy trái tai cũng phải để người dân phát biểu hết ý kiến. Tinh thần là phải làm thật kỹ chứ không được làm qua loa, hình thức.

Theo Tienphong

Các tin cũ hơn