Con ông Vũ Huy Hoàng về Sabeco nhờ tiếng Anh và kinh nghiệm

Thứ tư, 15/06/2016, 13:44
Ông Vũ Quang Hải là một trong 3 nhân sự được Sabeco làm công văn đề xuất xin, vì trẻ, giỏi tiếng Anh và có kinh nghiệm làm doanh nghiệp - cựu Chủ tịch Sabeco cho biết.

Chia sẻ với PV sáng nay, ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco khẳng định, mình là người trực tiếp ký công văn xin nhân sự về làm lãnh đạo Sabeco. Ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là một trong 3 người được phía Sabeco xin trực tiếp.

Xin đích danh ông Hải vì giỏi tiếng Anh

Văn bản của VAFI cho rằng, có nhiều vấn đề trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. Là người trực tiếp tiếp nhận ông Hải về làm việc, ông có nhận định gì về việc này?

Tôi đành phải trả lời phóng viên, dù việc cung cấp thông tin lúc này là chưa đúng quy trình, vì muốn phát ngôn gì phải xin phép Thứ trưởng Bộ Công Thương. Nhưng tôi hiểu lúc này tôi cần phải có tiếng nói với dư luận.

Tôi rất lấy làm buồn khi chỉ dựa vào một văn bản chưa được thẩm định của một ông phó chủ tịch một hiệp hội ký mà nhận định. Từ đó dư luận làm bung lên rất nhiều vấn đề phức tạp. Có 3 điều mà tôi muốn chia sẻ để dư luận có thể hiểu rõ ràng hơn.

Ông Phan Đăng Tuất cho rằng, những thông tin mà VAFI cung cấp là thiếu cơ sở. Ảnh: Báo đầu tư

Thứ nhất, thông tin trong văn bản của ông Phó chủ tịch VAFI có rất nhiều vấn đề không chính xác. Điều này có thể khẳng định được. Ví dụ như nói ông Vũ Quang Hải về làm đại diện vốn là sai. Ông Hải không bao giờ làm đại diện vốn nhà nước tại đây.

Thứ hai, thông tin về Sabeco trước đây lợi nhuận gấp đôi Vinamilk, mà giờ còn 1/3 là siêu bậy. Việc nhận định này thể hiện một người không hiểu gì về tài chính. Tôi sẵn sàng cung cấp những thông tin sơ đẳng nhất để chứng minh Sabeco hiện nay hiệu quả gấp 4 lần Vinamilk, mà những con số này đã được kiểm toán chứ không phải con số linh tinh.

Tôi không hiểu ông Phó chủ tịch VAFI này lấy số liệu ở đâu để phân tích thất thiệt như vậy. Tôi nghĩ phải quy trách nhiệm về những thông tin không đúng và chưa được thẩm định này làm dư luận phẫn uất.

Thứ 3 là thông tin về việc ông Vũ Quang Hải làm lỗ hàng trăm tỷ ở PVFI. Tôi thì không có con số chính xác, nhưng Bộ Công Thương có thể đọc thông tin này được qua báo cáo của PVN hàng năm. Thực tế thì con số lỗ này lại không phải như thế. Như nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ, ông Hải đã chặn đà lỗ của PVN trong những năm gần đây. Tôi đã có trao đổi với bên PVN thì không có chuyện như thế, nên sử dụng thuật ngữ đánh đắm con tàu này, con tàu khác… là điều thiếu cơ sở.

Theo chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông là người gửi công văn đề xuất xin đích danh ông Vũ Quang Hải về Sabeco, thực hư chuyện này ra sao?

Tất cả đều có bối cảnh của nó. Ngay từ những năm đầu tiên tôi về làm tại Sabeco, chúng tôi đã có nghị quyết kiện toàn hệ thống cán bộ và quy hoạch cán bộ. Tại thời điểm đó, 4 người đại diện vốn đã đến tuổi về hưu rồi, bà Hạnh còn (bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Sabeco -PV). Cả bốn người không còn đủ nhiệm kỳ, thậm chí là nửa nhiệm kỳ còn không đủ.

Chúng tôi họp hội đồng quản trị (HĐQT) và gửi công văn đề xuất Bộ Công Thương cho chúng tôi làm đề án tái cơ cấu doanh nghiệp. Trước mắt là bổ sung thêm 3 phó tổng giám đốc (trước đó Sabeco chỉ có 1). Chúng tôi làm công văn rất đàng hoàng, là trong 3 phó tổng có hai tại chỗ và một là từ Bộ vào.

Thật sự bối cảnh lúc bấy giờ, toàn bộ ban lãnh đạo không ai biết tiếng Anh, nên chúng tôi gửi công văn đề nghị xin người với 3 tiêu chí: Thứ nhất là có học vấn trình độ thạc sĩ trở lên (thời điểm đó nhân sự Sabeco toàn học tại chức); thứ hai là tiếng Anh phải giao tiếp tốt, thứ 3 là ưu tiên trẻ.

Với những tiêu chí này, chúng tôi tìm trong Tổng công ty thì có hai người. Đầu tiên là anh Nguyễn Minh An du học về nên tiếng Anh tốt, và từng làm ở Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM. Tiếp theo là anh Nguyễn Thành Nam cũng đáp ứng được yêu cầu về trình độ tiếng Anh và những bằng cấp tương đương.

Nhân sự thứ 3 từ Bộ chúng tôi cũng sàng lọc và ưu tiên người đã kinh qua doanh nghiệp. Tại Bộ Công Thương thời điểm đó, người mà đủ ba yếu tố này thì rất ít, và ông Vũ Quang Hải là một trong số ít đó. Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ cũng giới thiệu ông Hải vào đấy cũng tốt. Như vậy nên Sabeco mới làm công văn xin đích danh cả ba người trên.

Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu- Nước giải khát cũng cho rằng, việc so sánh giữa Sabeco và Vinamilk có thể mục đích là ép Sabeco lên sàn. Ảnh: SGGP

Việc bổ nhiệm này có đúng quy trình không thưa ông. Và ông có thẩm định lại thông tin về những nơi làm việc trước của ông Vũ Quang Hải?

Cần nói rõ lại là chúng tôi xin đích danh 3 người chứ không phải riêng ông Hải, thậm chí ông Hải còn là người xếp thứ 3 trong công văn gửi đi. Ba người này phù hợp với tiêu chí mà chúng tôi cần, mà quy trình chúng tôi làm là qua hội đồng quản lý vốn, HĐQT… Sau đó công văn chuyển về và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương nhân sự và phê duyệt. Cuối cùng, Bộ đánh quyết định cho ông Hải nhận nhiệm vụ tại Sabeco.

Lúc đó toàn bộ lãnh đạo Sabeco không hề biết ông Hải có làm mất vốn hay thua lỗ ở đâu. Trong lý lịch ông Hải cũng không đề cập đến chuyện này, mà chỉ thể hiện đã qua hai năm làm Tổng giám đốc PVFI. Kinh nghiệm làm việc đó là cực kỳ phù hợp với Sabeco, phù hợp với chuyên môn Marketing và bán hàng. Vì bia thì chỉ bán hàng thôi, còn sản xuất cực kỳ dễ, chỉ cần đầu tư nhà máy là sản xuất được. Ông Hải lại là người học quản trị kinh doanh ở Anh về thì còn gì phù hợp hơn.

VAFI đang có mục đích ép Sabeco lên sàn

Vậy ông đánh giá năng lực của ông Vũ Quang Hải thế nào trong quá trình làm việc tại Sabeco?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì ông Hải rất phù hợp với vị trí đó, thậm chí còn tốt hơn những người còn lại. Từ ngày ông Hải nhậm chức thì mọi việc vẫn tốt, tốc độ tăng trưởng đều đặn tăng theo từng giai đoạn. Họ vào làm giúp công ty tốt lên, có nhiều chương trình hay để đẩy mạnh bán hàng, nên theo tôi đây là điều đáng mừng chứ.

Như ông đã chia sẻ, thông tin của VAFI đưa ra là không chính xác, vậy ông có cho rằng điều này có động cơ nào khác, đặc biệt mới đây VAFI có đề xuất phương án IPO Sabeco bằng việc bán 90% vốn trên sàn và so sánh Sabeco và Vinamilk?

Rõ ràng là có nhiều động cơ khuất tất. Tôi cũng thông tin thêm, ông Phó chủ tịch VAFI hiện tại đang rất muốn hai công ty bia là Hà Nội và Sài Gòn lên sàn, với mục đích phục vụ cho trò chơi chứng khoán của các ông ấy.

Đề xuất đưa Sabeco lên sàn và bán 90% trên sàn nghe thì có vẻ công khai sòng phẳng, nhưng đấy lại là việc cần phải xem xét. Việc đưa Sabeco lên sàn và bán 90% có thể làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Cụ thể, việc bán trên sàn một lần theo giá IPO lần đầu là 7,03 thì khoảng 2 tỷ USD (45.000 tỷ đồng), nếu tung ra một phiên bán thì số tiền lớn như vậy thì ai mua? Nếu có chăng, các nhà đầu tư nhảy vào móc tay nhau và chỉ đặt giá trên IPO một chút thôi. Sau khi họ mua được giá tương đương IPO họ sẽ bán giá cao hơn rất nhiều cho các nhà đầu tư khác, và họ ăn lời trên lưng Nhà nước, đó là điều bất lợi.

Riêng về phân tích tài chính, tôi sẵn sàng lên truyền thông đối chất cùng vị này để tất cả mọi người hiểu. Nói như vậy để thấy thông tin từ hiệp hội này có thực sự đáng tin cậy hay không mới là điều đáng bàn.

Còn thông tin so sánh giữa Sabeco và Vinamilk thì có thể mục đích chỉ là ép Sabeco lên sàn mà thôi. Nên nhớ, so sánh trên quy mô vốn không thể hiện được tính hiệu quả, dù Sabeco vốn bằng một nửa Vinamilk nhưng nộp ngân sách gấp 4 lần. Ông Phó chủ tịch VAFI không biết Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nên hiệu quả chính là nộp ngân sách bao nhiêu, chứ không phải là so tổng vốn.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích