Người dân Philippines biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati ngày 12/6/2015, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Manila trên Biển Đông. |
Tổng thống Duterte cho biết, ông sẽ nêu phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện liên quan tranh chấp trên Biển Đông với các lãnh đạo Trung Quốc, và sẽ không từ bỏ chủ quyền hay đi lệch khỏi phán quyết của tòa.
Ông cũng thừa nhận, tại Philippines đang có quan ngại trước những bước đi nhanh chóng để xích lại gần Trung Quốc. Nhưng ông bảo đảm với người dân Philippines rằng, những bước đi này sẽ không ảnh hưởng chủ quyền trên biển của Philippines.
Ông Duterte nói quyết định của Tòa Trọng tài sẽ được đề cập và nội dung của phán quyết sẽ được thảo luận, nhưng sẽ không có “sự áp đặt cứng nhắc nào” đối với phán quyết. Phán quyết của Tòa Trọng tài thực sự là cú giáng mạnh vào những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, dẫn đến quan ngại rằng nước này sẽ có thêm những hành động trả đũa trên biển.
Bắc Kinh khăng khăng bác bỏ và trách mắng bất kỳ nước nào kêu gọi họ tôn trọng phán quyết. “Tôi sẽ không mặc cả ở bất kỳ đâu, chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định đó là của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Duterte nói hôm 16/10 tại thành phố quê nhà Davao.
Những bước đi không thể đoán trước của ông Duterte nhằm hàn gắn quan hệ với Trung Quốc tạo nên sự đảo ngược hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của Philippines từ khi ông nhậm chức cuối tháng 6.
Ngày mai, ông Duterte sẽ đến Trung Quốc với ít nhất 200 lãnh đạo doanh nghiệp để dọn đường cho cái mà ông gọi là một liên minh thương mại mới. Những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ được ưu tiên thúc đẩy gồm cung cấp tài chính cho doanh nghiệp Philippines, xuất khẩu nông sản, phát triển hạ tầng quy mô lớn và du lịch.
Chuyến thăm diễn ra sau hàng loạt phát biểu quay lưng với Mỹ của ông Duterte, báo hiệu cho chiều hướng đi xuống trong quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ. Trong khi tiếp tục ném những lời mắng nhiếc không thương tiếc về phía Washington vì đã bày tỏ quan ngại trước cuộc chiến chống ma túy đang diễn ra ở Philippines, ông Duterte khẳng định, nước cờ chiến lược của ông là tuân thủ hiến pháp về một chính sách đối ngoại độc lập. Ông nói rằng, ý định của ông là tăng cường quan hệ thương mại và hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, nhưng sẽ không né tránh “khúc xương hóc” trong quan hệ song phương.
Dòng máu Trung Quốc
Trong lúc tranh cử Tổng thống, ông Duterte từng tuyên bố mạnh mẽ rằng, ông sẽ tự lái xuồng cao tốc ra đảo tranh chấp để cắm cờ Philippines. Nhưng lời lẽ của ông Duterte (có ông nội là người Hạ Môn, Trung Quốc) ngày càng giảm tông.
“Ngả về Trung Quốc là điều rất quan trọng vì Trung Quốc rất gần Philippines. Chúng ta là láng giềng”, ông James Dy, Chủ tịch danh dự Phòng Thương mại Philippines - Trung Quốc, nói.
“Có rất nhiều người Philippines mang dòng máu Trung Quốc… Trung Quốc là nước lớn, có nền kinh tế lớn và dân số đông. Nếu có 5 triệu du khách Trung Quốc đến với chúng tôi mỗi năm, Philippines sẽ rất hạnh phúc. Đó là cơ hội làm ăn tốt đối với chúng tôi”, ông Dy nói.
Là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Philippines với tài sản trải dài từ bất động sản đến doanh nghiệp lữ hành, ông Dy nói rằng, cộng đồng người Hoa đang chờ quan hệ hai nước cải thiện để rót tiền đầu tư vào Philippines, khi quốc gia này đang vật lộn để tạo việc làm.
Doanh nhân này nói rằng, Trung Quốc sẽ giúp Philippines xây dựng đường sắt và cơ sở hạ tầng nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng do dân số quá đông và thiếu hệ thống giao thông công cộng. “Tôi kỳ vọng ông Duterte sẽ mang nhiều thứ về. Tôi không nghĩ Tổng thống chỉ đi thăm mà không biết trước ít nhiều… Nếu mọi thứ mà bị Trung Quốc từ chối thì sao ông ấy lại đi?”, ông Dy nói.
Tại một diễn đàn diễn ra tuần trước, ông Duterte khuyên giới doanh nhân Philippines học hỏi các doanh nhân Trung Quốc. “Khi đến Agusan, Butuan, ông nội tôi không có gì ngoài chút vốn. Ông đã làm rất tốt. Ông ấy đi lên từ việc bán dừa khô rồi mua đất. Ông không ngừng làm đồng tiền sinh sôi”, Tổng thống Duterte kể.
Theo Tiền Phong