Sài Gòn bán kẹo hát rong - Kỳ 3: “Vô mánh”

Thứ bảy, 15/10/2016, 19:21
Trong những ngày hát rong bán kẹo, chúng tôi nhận ra rằng trong thế giới kẹo kéo có hai thái cực rõ ràng. 
Các vị khách trong quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng thuê loa của ca sĩ kẹo kéo để "hát với nhau"

Đối với những người có giọng hát thường thường bậc trung, bán kẹo chỉ là cái cớ, điều mà họ luôn chờ đợi là khách nhậu thuê loa hát. Gặp những đoàn khách xịn, tiền thuê loa có khi lên đến cả triệu đồng mà không cần hát hò khô cổ.

Còn những người có giọng hát đẳng cấp thì muốn dùng giọng hát của mình để bán kẹo, nhận tiền bo hoặc kiếm mối đi sô.

Nhưng dù được thuê loa hay gọi đi sô thì cũng dễ dàng kiếm tiền, những lúc như thế giới hát rong bán kẹo gọi là “vô mánh”. Những khi “vô mánh”, chúng tôi đã nhận được những cơn “mưa” tiền bo.

Nhạc vào tiền ra

Vừa đặt chiếc loa xuống quán nhậu trên đại lộ Phạm Văn Đồng, một vị khách nam đã ra hỏi chúng tôi: “Anh thuê chơi nguyên đêm luôn được không?”. Biết là gặp mối “ngọt”, tôi gật đầu liền.

Quán nhậu này mới khai trương nên khách ngồi kín hết cả quán. Riêng nhóm khách thuê loa có khoảng 20 người ngồi nối dài đến bốn bàn.

“Tụi anh chuyên đi tour nước ngoài, lâu lắm mới có dịp hội ngộ đông đủ nhân dịp sinh nhật giám đốc, mấy em cứ phục vụ hết mình đi, anh bao cả đêm nay nhé” - một người đàn ông nói lớn vào tai tôi.

“Gặp những vị khách biết thưởng thức âm nhạc, mình cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng và đặc biệt là luôn có tiền bo bạc triệu"

Mai Thu

Khi khách ca bài đầu tiên, cả bàn nhậu hào hứng đứng dậy hô “1, 2, 3 zô”, uống cạn ly bia rồi vỗ tay. Ngay lập tức, một người phụ nữ trẻ gọi tôi đến, nhét vào tay 100.000 đồng rồi nói: “Chị gửi mở màn nhé”.

Đến bài thứ hai, một người đàn ông khác đưa chúng tôi 50.000 đồng nói: “Bấm cho anh bài Sóng tình remix nhé”. Chiếc micro được chuyền tay liên tục, cứ có người hát là chúng tôi được nhận tiền bo.

Một vị khách trẻ trong bàn chạy ra đưa chúng tôi tổng cộng bốn lần tiền, nói: “Mấy đứa cầm uống nước”.

Đại lộ Phạm Văn Đồng là địa điểm tấp nập nhất của giới hát rong bán kẹo, cứ vài phút lại có một chiếc xe kẹo kéo chạy ngang nhưng không ai dừng lại quán này vì thấy có loa của chúng tôi.

“Hôm nay vô mánh sướng nghe, có khách “sộp”, không bằng đi “hót” cả đêm mỏi miệng mà chẳng được nhiêu tiền” - chị Loan, một người bán trứng cút lộn quê Quảng Ngãi, nói đùa với tôi. Quả thật, chúng tôi chỉ cho thuê loa và bấm bài hát cho họ nhưng nhận được hơn 700.000 đồng tiền bo.

Đến cuối buổi, một vị khách trong bàn còn lật mũ đi một vòng trong bàn gom tiền “tip” rồi đưa hết cho chúng tôi. “Mong quý khách thông cảm, bàn chúng tôi có tiệc sinh nhật có hát hò làm ồn, chúc quý khách ngon miệng” - vị khách thuê loa nói câu xin lỗi thực khách cả quán rồi trả micro cho chúng tôi.

Có đêm một nhóm khách trung niên mượn micro hát, mới hát một bài đã giúi vào tay tôi tờ 500.000 đồng rồi nói: “Để đứa bạn anh hát vài bài cho vui nhé, tiền anh gửi trước, đừng lăn tăn”.

Quá bất ngờ, tôi ghé tai hỏi: “Anh ơi đây là tờ 500.000 đồng, anh bo em bao nhiêu để em thối lại”. Khách nói: “Anh bo chú tất, mở nhạc nhỏ nhỏ lại là được”.

Chừng 30 phút nhưng vị khách này không đụng tới micro, chỉ vỗ đùi hát theo những người bạn của mình. Thấy tôi loay hoay bấm bài, vị khách đó lại vỗ vai, đưa thêm 500.000 đồng rồi nói lớn: “Mưa gió anh thương, cầm thêm ít tiền đêm về đưa thằng bạn “ca sĩ” đi shopping nhé”.

Cho thuê loa chừng 40 phút, chúng tôi đã có trong tay 1 triệu đồng...

Chạy sô bạc triệu

Cho khách nhậu thuê loa dễ “hốt bạc” nhưng với giới kẹo kéo đẳng cấp thì chẳng bõ bèn gì. Thầy Nguyễn Văn Thường kể có nhiều lần thầy được gọi đi các tỉnh miền Tây hát vài tiếng, xe hơi đưa đón tận nhà, bao ăn uống đến khi về được trả 1,5 triệu đồng mỗi sô.

Họ có đám giỗ ở quê, tiện thể chở tao đến hát cho cả đám tiệc nghe, hát chơi vậy mà có tiền. Họ thích mướn mình vì mình hát chân chất, bụi trần nghe xuôi tai” - thầy Thường nói.

Hầu như các ca sĩ kẹo kéo có giọng ca hay, có nhiều mối mang quen biết đều được dân nhậu gọi đi sô. Mỗi lần đi sô là “vô mánh” vì tiền sô luôn cao hơn tiền kiếm lẻ hằng đêm hát ở các quán nhậu.

Nổi tiếng chạy sô phải kể đến nhóm nhạc kẹo kéo của Mai Thu (21 tuổi). Đây là nhóm nhạc kẹo kéo hiếm hoi ở Sài Gòn có đủ bộ ba gồm: một người hát, hai người đệm ghita và trống cajon.

Thu hát dòng nhạc trữ tình mượt mà, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp nên khách nhậu thường mời cả nhóm đi sô.

Suốt ba năm đi hát, nhóm đã chạy sô hầu hết các tỉnh miền Tây, xuống Vũng Tàu, ngược lên Tây Ninh, thậm chí đáp máy bay ra hát tận Nha Trang như ca sĩ.

Mức giá mà nhóm này đưa ra là từ 1,5 - 3 triệu đồng cho mỗi sô dài ba tiếng diễn trong nội thành, nếu ra ngoại thành phải cộng thêm phí xăng xe, ăn ở.

“Mình đi hát đám cưới, sự kiện, khai trương cửa hàng, họp mặt, tất niên, thôi nôi... có đủ cả. Hát ở biệt thự của người ta cũng có mà hát tại nhà hàng sang trọng, khách sạn năm sao cũng có luôn” - Thu kể.

Thu cho biết có lần được mời vô hầm rượu của một doanh nhân ở Q.7, mới bước vào đã thấy choáng ngợp trước vẻ sang trọng của căn nhà. Khách nhậu cũng toàn là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Lần đó nhóm của Thu vừa hát, vừa đệm nhạc cho khách từ 19g-0g đêm được trả tiền công lên đến... 9 triệu đồng.

“Đó là kỷ lục của chúng tôi, nhưng đêm đó đánh đàn muốn gãy tay, ngồi trong hầm rượu không quen nên về cảm lạnh luôn” - Thu nói.

Khi mới chập chững vào nghề, Thu từng có một quả “vô mánh” khi đi sô tận Nha Trang. Thu chỉ hát duy nhất bài Lâu đài tình ái trong lễ cầu hôn được tổ chức trên bãi biển nhưng được bao vé máy bay, khách sạn và còn được trả 2,5 triệu đồng cho bài hát đó.

“Gặp những vị khách biết thưởng thức âm nhạc, mình cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng và đặc biệt là luôn có tiền bo bạc triệu” - Thu mỉm cười.

Niềm an ủi

Đêm thứ năm đi hát rong, chúng tôi tấp vào một quán nhậu lề đường ở Q.Gò Vấp, chừng chục khách cả nam lẫn nữ ngồi xôm tụ, vừa mới đặt loa hát nửa bài, một vị khách nam ngoắc tay nói lớn: “Ê, kẹo kéo, cho anh hát bài coi”.

“Dạ... anh hát bài gì để em bấm” - tôi nói.

“Anh hát bài Giã từ, cho nhạc bốc lên nhé, mời cả nhà nghe tui hát” - vị khách này đáp lời.

Một khách trong bàn nhậu cầm chai rượu ra mời chúng tôi mỗi người uống một hớp, một cô khách nữ thì cầm hai chai nước sâm lạnh giúi vào tay chúng tôi, nở nụ cười: “Mấy anh uống đi cho đỡ khô cổ, hát cả đêm chắc mệt lắm?”.

Chưa kịp trả lời, vị khách đang cầm micro hát lại nói lớn: “Ê, kẹo kéo, lại đây”.

Đang ngồi trên ghế, khách nhấc người bắt tay tôi nhưng có gì đó lấn cấn ở lòng bàn tay. Rút tay ra, trong tay tôi là tờ 50.000 đồng.

Rồi anh ta nói: “Cho anh xin số điện thoại, khi nào nhà anh nhậu anh gọi mấy đứa đến hát”.

Điều làm chúng tôi cảm động nhất không phải số tiền khách cho mà là cách cho, ai cũng tế nhị, hào sảng khi cho tiền chúng tôi.

Theo TTO

Các tin cũ hơn