Làng cá bè xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu có hơn 200 hộ dân đăng ký nuôi thủy hải sản với hàng chục nghìn lồng, chủ yếu là nuôi cá bớp, chim, mú và hàu. Làng cá nằm trên sông Chà Và - con sông nằm phía hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai chảy ra vịnh Gành Rái trước khi đổ ra biển Vũng Tàu.
Ngồi thẫn thờ bên lồng cá của mình, anh Trương Minh Cường cho biết tình trạng cá chết những ngày qua khiến gia đình anh thiệt hại hàng tỷ đồng. "Biết là do xả thải của các công ty chế biến hải sản nhưng gia đình tôi cũng chẳng muốn kiện tụng hay khiếu nại nữa vì nhiều năm qua kêu hoài cũng chẳng thấy ai bồi thường hay hỗ trợ nên coi việc cá chết như tai nạn trong nghề", anh Cường nói.
Theo anh Cường, mấy ngày nay thức ăn bỏ xuống lồng mà cá không thèm ăn, ngoài cá bớp gần 10kg thì cá chim nhỏ cũng chết. Thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có gần 70 tấn cá ở làng bè chết. Đây là đợt cá mà các hộ dân nuôi cho đợt Tết năm nay.
Thấy cá có dấu hiệu ngộp, nhiều hộ nuôi cá liên tục sục oxy để cứu."Nhà tôi có máy sục khí thuộc loại lớn nhất xã này nhưng vẫn không thể cứu cá được, hàng trăm con cá bớp sắp thu hoạch cũng chết, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Giờ gia đình tôi không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng", anh Biên, người có 200 lồng cá cho biết.
Còn bà Nguyễn Sa Huỳnh cho biết chỉ 3 ngày thôi mà gia đình mất trắng gần 200 triệu đồng. Nhiều lồng cá chết trắng không còn một con sống sót, gia đình bà cũng phải thu lưới lên phơi nắng.
Ông Đoàn Công Minh, chồng bà Huỳnh, buồn rầu cho biết năm nào cá cũng chết do ô nhiễm từ các nhà máy chế biến thủy sản xả ra mà vẫn chưa thấy dấu hiệu môi trường trong sạch cho bà con làm ăn. "Gia đình còn mấy lồng đang cố vớt vát lại thiệt hại, nhưng nếu cá cứ chết kiểu này thì gia đình tôi có nước sạt nghiệp, chắc phải bỏ xứ này quá", ông Minh nói.
Cá chết trắng sông trôi dạt vào bờ dưới chân cầu Chà Và thuộc xã Long Sơn, gây ô nhiễm môi trường. "Chuẩn bị kêu thương lái vào mua thì cá lăn đùng ra chết hết, giờ nợ nần tiền thức ăn, tiền giống không biết lấy gì để trả", bà Nguyễn Thị Dành, một hộ dân nuôi bè nói.
Nhiều con cá bóp nặng gần 10kg đuối sức đã được người dân ướp đá bán cho các hộ chăn nuôi với giá rẻ để vớt vát.
Để có được một con cá bớp nặng gần 10kg, người dân phải nuôi gần 2 năm với thức ăn chủ yếu là các loại cá biển. "Một con cá bớp của tôi đến nay khi bán ra thị trường có giá hơn triệu đồng nên mỗi lần có con nào trắng bụng là lòng tôi đau như cắt", bà Dành nói.
Nguồn nước đen, nổi bọt trắng, bốc mùi ở hồ nước điều hòa chống mặn, ngập lụt xã Tân Hải, huyện Tân Thành được cho là nguyên nhân gây chết cá. Đây là hồ nước mà các công ty chế biến thủy hải sản xả ra sông Chà Và. Từ cống xả này đến khu nuôi cá bè của người dân chừng 5km.
Phía sau cống điều tiết lũ, chống mặn số 6 là cụm công ty chế biến thủy hải sản. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đầu năm 2017 sẽ di dời tất cả công ty này về huyện Xuyên Mộc.
Trước đó, năm 2015, cơ quan chức năng xác định 14 công ty chế biến hải sản bột cá đã xả thải chưa qua xử lý ra khu vực cống số 6 và đổ thẳng ra sông Chà Và khiến cá ở làng bè chết trắng. 33 hộ dân đã kiện 14 công ty này, đòi bồi thường 18 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ có hai doanh nghiệp đã đồng ý bồi thường khoảng 300 triệu đồng.
Cho rằng các công ty này tiếp tục gây ô nhiễm khiến cá chết trong những ngày qua, sáng 13/10, người dân đã mang cá bớp 5kg đổ chặn quốc lộ 51 để yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp xử lý các công ty xả thải.
Theo VNE