Giàn khoan Trung Quốc nở rộ trên biển Hoa Đông

Thứ bảy, 15/10/2016, 10:04
Ít nhất 12 giàn khoan dầu khí của Trung Quốc đã “mọc” lên tại khu vực chưa phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Một giàn khoan của Trung Quốc tại mỏ Xuân Hiểu, gần đường phân định biên giới trên biển Hoa Đông do Nhật Bản đề xuất

Theo trang Asia Nikkei, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa công bố các bức ảnh được chụp vào cuối tháng 9 tại khu vực tranh chấp EEZ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Theo đó, tổng cộng 16 cấu trúc của Trung Quốc đã xuất hiện tại khu vực chồng lấn EEZ với Nhật Bản.

So sánh với các bức ảnh trước đó, Tokyo khẳng định đã có thêm hai giàn khoan dầu khí được đưa vào hoạt động, nâng tổng số giàn khoan Trung Quốc đang hoạt động lên con số 12. Như vậy, vẫn còn bốn cấu trúc nữa của Trung Quốc chưa rõ mục đích sử dụng.

Giàn khoan hay cấu trúc quân sự?

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12-10, chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã thúc giục Trung Quốc nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán cùng khai thác và thăm dò dầu khí trên biển Hoa Đông, theo Hãng tin Reuters.

“Chúng tôi lấy làm tiếc vì các bước đi đơn phương của Trung Quốc tại khu vực vẫn chưa thiết lập đường phân định biên giới trên biển” - ông Suga nhấn mạnh. Chính quyền Tokyo cùng ngày đã phản đối hành động đơn phương của Bắc Kinh qua kênh ngoại giao.

Hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố các bức ảnh cho thấy Trung Quốc đã bí mật cho lắp đặt rađa lên một số cấu trúc này. Tokyo nhấn mạnh những rađa này thường được lắp đặt trên các tàu tuần tra và không cần thiết nếu mục đích thật sự chỉ là thăm dò dầu khí.

Phía Nhật Bản sau đó đã gửi công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ mục đích của việc lắp rađa, nhưng không nhận được phản hồi.

Nỗi lo năng lượng

Thực chất vấn đề chồng lấn EEZ trên biển Hoa Đông giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ không trở nên quá căng thẳng nếu như không có sự xuất hiện của các mỏ dầu khí.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều quan tâm đến nguồn khí thiên nhiên dồi dào trên biển Hoa Đông để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước. Tuy nhiên, những tranh chấp giữa hai nước trong khu vực đã khiến việc thăm dò và khai thác trở nên khó khăn.

Năm 1995, Trung Quốc phát hiện một mỏ khí thiên nhiên (sau đó được đặt tên là Xuân Hiểu, Nhật Bản gọi là Shirakaba) chưa rõ trữ lượng dưới biển Hoa Đông và lên kế hoạch khai thác.

Nhật Bản thừa nhận mỏ Xuân Hiểu nằm hoàn toàn trong EEZ của Trung Quốc. Tuy nhiên, mỏ này lại cách đường phân định EEZ do Nhật Bản đề xuất chỉ 4km. Điều này khiến Tokyo lo ngại rằng nếu Bắc Kinh tiến hành khai thác Xuân Hiểu quy mô lớn, các giàn khoan của Trung Quốc sẽ hút luôn phần khí bên kia đường phân định và như vậy gây phương hại lợi ích của Nhật Bản.

Căng thẳng leo thang khi Trung Quốc tuyên bố không công nhận đường phân định do Nhật Bản vẽ ra. Bất chấp sự phản đối của Tokyo, Bắc Kinh vẫn cấp phép cho các tập đoàn dầu khí thăm dò và đến tháng 1-2006 bắt đầu khai thác mỏ Xuân Hiểu.

Đến năm 2008, các tranh cãi tạm lắng khi Bắc Kinh và Tokyo đạt được một thỏa thuận ban đầu về việc sẽ cùng thăm dò và khai thác mỏ Xuân Hiểu. Tuy nhiên, những rạn nứt giữa hai nước sau đó đã khiến thỏa thuận này bị trì hoãn cho đến khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khởi động ở cuộc gặp song phương hồi tháng 9.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tổng trữ lượng dầu thô trên biển Hoa Đông khoảng 60-100 triệu thùng, trong khi khí thiên nhiên là 1.000-2.000 tỉ feet khối.

Riêng tại Xuân Hiểu (Nhật Bản gọi là Shirakaba), Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ước tính trữ lượng mỏ này khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô và 168 tỉ feet khối khí thiên nhiên.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích