Vợ chồng bà Clinton |
Reuters đưa tin, trong một email từ năm 2012 được WikiLeaks công bố hồi tuần này, một quan chức cấp cao từ Quỹ Bill, Hillary và Chelsea Clinton đã thông báo với các đồng nghiệp rằng khoản tài trợ được lên kế hoạch của chính phủ Qatar nhằm kỷ niệm sinh nhật của ông Bill Clinton được đưa ra trong một cuộc gặp giữa ông với đại sứ nước này tại Washington.
Đại sứ trên cho hay ông đã đề nghị “gặp WJC trong 5 phút tại NYC để trao tấm séc 1 triệu USD mà Qatar hứa làm quà tặng nhân sinh nhật của WJC vào năm 2011”, Amitabh Desai, một quan chức của Quỹ Clinton, viết trong email sử dụng tên viết tắt William Jefferson Clinton, thay vì tên đầy đủ của cựu Tổng thống Mỹ.
Bà Hillary Cltinon, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, từng là Ngoại trưởng Mỹ từ 2009 đến 2013.
Email trên là một trong hàng nghìn bức thư bị đánh cắp từ hòm thư của John Podesta, chủ tịch chiến dịch tranh cử Tổng thống 2016 của bà Hillary Clinton, mà trang web WikiLeaks đăng tải mới đây.
Chiến dịch tranh cử của bà Clinton dường như đã “bẽ mặt” từ vụ việc trên, và các cuộc tấn công mạng tương tự gần đây nhằm vào các quan chức của đảng Dân chủ, một trong số đó cho thấy bà Clinton và các trợ lý nói những điều riêng tư vốn mẫu thuẫn với quan điểm công khai của họ. Các phát ngôn viên của bà không bác bỏ tính xác thực của các email bị đánh cắp.
Tuy nhiên, các email do WikiLeaks công bố dường như không xác nhận liệu Qatar đã chuyển số tiền 1 triệu USD cam kết hay chưa, mặc dù trang web của quỹ liệt kê rằng nhà nước Qatar đã tài trợ ít nhất con số đó. Một phát ngôn viên của Quỹ Clinton đã từ chối xác nhận khoản tài trợ.
Telegraph cũng cho hay, email trên, được gửi tới các quan chức cấp cao tại Quỹ Clinton và các trợ lý thân cận, cũng cho hay Qatar chi 20 triệu tại Haiti và rằng nước này có thể hoan nghênh “các đề xuất để đầu tư” tại Haiti từ Quỹ Clinton.
Những nghi ngờ
Tiết lộ trên diễn ra trong bối cảnh có những ngờ vực về việc liệu bà Clinton có thực sự tuân thủ cam kết tách bạch Quỹ Clinton khỏi công việc của bà trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ từ 2009-2013.
Có lo ngại rằng các chính phủ có thể xem quỹ từ thiện của Clinton là một cách thức nhằm giành được sự thiên vị của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ.
Theo Telegraph, các email bị đánh cắp được Judicial Watch, một nhóm vận động bảo thủ, công bố mùa hè năm nay cho thấy Doug Band, người trợ giúp thành lập Sáng kiến toàn cầu Clinton, đã cố gắng và thường thành công trong việc thiết lập các cuộc gặp giữa các nhà tài trợ và các quan chức ngoại giao.
Bà Clinton từng cam kết với chính phủ Mỹ rằng trong thời gian bà làm ngoại trưởng, Quỹ Clinton sẽ không nhận các khoản tài trợ mới từ các chính phủ nước ngoài mà không được sự phê chuẩn của văn phòng đạo đức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thỏa thuận trên nhằm xua tan những lo ngại rằng chính sách ngoại giao của Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản tài trợ dành cho quỹ. Đối thủ Cộng hòa của bà Clinton trong cuộc bầu cử, tỷ phú Donald Trump, đã lấy quỹ này để làm cớ cho các cuộc tấn công chính trị, gọi đó là bình phong cho sự tham nhũng. Chiến dịch của bà Clinton gọi cáo buộc này là một trò hề chính trị.
Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho hay bộ này không thể liệt kê bất kỳ trường hợp nào mà trong đó giới chức đạo đức của bộ xem xét hoặc phê duyệt các khoản tài trợ mới từ các chính phủ nước ngoài cho Quỹ Clinton trong khi bà Hillary làm ngoại trưởng.
Hiện Quỹ Clinton, Đại sứ quán Qatar tại Washington và bà Clinton đều chưa lên tiếng về thông tin trên.
Năm ngoái, Reuters phát hiện ra rằng ít nhất 7 chính phủ nước ngoài đã có các khoản tài trợ mới cho Quỹ Clinton mà Bộ Ngoại giao Mỹ không được thông báo, một phần do “bị quên”, các quan chức của quỹ cho hay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang vận động để bà Clinton được bầu làm người kế nhiệm và Nhà Trắng đã từ chối thảo luận về nghi ngờ vi phạm của thỏa thuận mà bà Clinton đã ký với chính quyền Obama.
Theo Dân Trí