Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu để đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, trình Quốc hội năm 2017. Phương án tăng hay giữ nguyên tuổi nghỉ hưu tác động đến Quỹ BHXH và hưu trí ra sao? VnExpress trao đổi với ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc BHXH Việt Nam. |
Một trong những lý do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là để cân đối Quỹ BHXH. Ông có bình luận gì về việc này?
Từ năm 1995 đến nay, bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc "có đóng có hưởng", người trẻ, đang đi làm đóng tiền nuôi người về hưu. Thời điểm đưa ra chính sách trên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khoảng 67 tuổi, đóng BHXH khoảng 25 năm, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54 (nam 60, nữ 55 tuổi), thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm thì thấy hợp lý.
Hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng lên 73, thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm, tức là tăng thêm 7 năm thì không quỹ nào chịu nổi.
Chính sách tinh giản biên chế, cho nghỉ hưu trước tuổi cũng tác động đến quỹ BHXH rất lớn. Ví dụ có người nghỉ hưu từ 45 tuổi, nhưng thọ khoảng 70 tuổi, được hưởng lương hưu hơn 30, phải lấy của người này cho người kia hưởng.
Chưa kể, số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH, có một người hưởng lương hưu; năm 2000, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2009 còn 11 người và hiện nay cứ 9 người đóng BHXH thì có một người hưởng lương hưu, đó đều là những nguyên nhânkhiến cho quỹ hưu trí mất cân đối.
Quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu; mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Khi GDP tăng, mức sống và tuổi thọ của người lao động tăng thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Nếu duy trì cách đóng - hưởng và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu thì cán cân quỹ BHXH sẽ như thế nào trong thời gian tới?
- Duy trì cách đóng - hưởng như hiện nay thì đến năm 2020, mức thu bằng mức chi. Kết dư quỹ đang giảm dần, không nâng tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2037, mức thu bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi, phải lấy ngân sách bù vào.
Ở một số nước Đông Nam Á, như Thái Lan chẳng hạn, mức hưởng lương hưu tối đa của họ chỉ khoảng 60% mức đóng BHXH. Theo chúng tôi tính toán, đúng ra với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của người Việt Nam chỉ khoảng 55 - 60%, nhưng người lao động đang được hưởng tối đa 75%. Việc điều chỉnh mức hưởng của người lao động rất khó nên phải nâng tuổi nghỉ hưu lên.
Theo VNE