|
Một nửa cống liên hợp bị nước cuốn trôi làm phát lộ nhiều mảng bê tông không có cốt sắt |
Công trình cống liên hợp nối trung tâm xã Ia Rsai với 4 buôn (Puh, Chik, Pan, Kinh) được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2010 đã giúp người dân thuận tiện qua lại, giao thương, học sinh đều đặn tới trường…
Tuy nhiên, năm 2014, một nửa cống liên hợp đã bị nước lũ cuốn trôi, khiến giao thông bị chia cắt. Cảnh tượng học sinh xắn quần, đẩy từng chiếc xe đạp qua suối tới trường diễn ra thường xuyên. Mùa mưa, nhiều em phải nghỉ học vì cha mẹ sợ nguy hại đến tính mạng con trẻ khi qua dòng nước lớn. Cùng với đó, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng bị tê liệt mỗi khi mùa mưa kéo về.
Có mặt tại công trình cống bị hỏng người viết ghi nhận, có rất nhiều người dân chở nông sản phải rất khó khăn mới chạy xe máy, ô tô khi qua suối. Ông Nay Măk (SN 1958, người dân làng Puh) điều khiển chiếc xe máy “cà tàng”, đến mép suối, người vợ ngồi sau vội nhảy xuống gồng mình đẩy chiếc xe lê từng bước nặng nhọc, vừa lên khỏi dốc, ông Măk hổn hển kể khổ: “Dù không có mưa nhưng nhiều người đi qua con suối này vẫn hãi hùng sợ bị ngã xuống bãi đá, vài hôm trước có một người ngã đập đầu vào đá, may mà không sao. Còn khi mưa lũ tràn về, chúng tôi chẳng dám vượt suối. Mùa mì năm nay mình phải dùng xe máy chở từng bao ra ngoài để bán. Ôi, cái suối này đi sợ lắm !”.
Theo quan sát, công trình này chủ yếu là các mảng bê tông mà không có cốt sắt, nhiều mảng bê tông dùng tay cũng có thể bóc vỡ, lũ về cống bị vỡ là điều dễ hiểu. Cũng vì thấy không cốt sắt, nhiều người dân trong vùng còn ví công trình vỡ vụn như chiếc kẹo lạc.
Hỏng lại xin!
Ông Ngô Tiến Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Ia Rsai, nói: “Chúng tôi không có chuyên môn nhưng nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ những mảng bê tông rất yếu vì không thấy cốt sắt. Ở trận lụt năm 2013, 2014, công trình này không trụ nổi khi lũ tràn về, dễ dàng bị phá vỡ”.
|
Phần mặt cầu không có cốt sắt. |
Ông Nguyễn Thanh Vân, quyền Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Krông Pa, cho biết, Ban quản lý các công trình giao thông huyện làm chủ đầu tư công trình, còn Cty CP Tư vấn Xây dựng giao thông Gia Lai tư vấn thiết kế
thi công.
“Năm 2013, lũ lớn kéo về đã làm trôi một bên mố cầu, đây là phần đường dẫn qua cống. Sau đó, chúng tôi đã khắc phục, nhưng năm 2014 lũ tiếp tục tràn về nên hỏng nặng thêm”, ông Vân nói.
Theo ông Vân, nguyên nhân cống bị cuốn trôi là do đơn vị tư vấn không tính toán áp lực nước thời điểm lũ lớn nên bị xói mòn và cuốn trôi trong đợt lũ năm 2014. Trước đó, huyện đã chỉ đạo xã gia cố bằng hệ thống kè đá ở phần đầu cầu bị xói mòn. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã kiểm điểm đơn vị tư vấn thiết kế vì công tác khảo sát không
đảm bảo.
Theo ông Vân, huyện đã xin được chủ trương của tỉnh để xây dựng thành chiếc cầu dài 34m với nguồn vốn khoảng 1,8 tỷ đồng, sẽ khởi công xây dựng năm 2017, chủ đầu tư là Ban quản lý các Công trình Giao thông tỉnh Gia Lai. Công trình dự kiến được xây dựng trong 6 tháng.
Theo Tiền Phong