|
Người dân Seoul biểu tình kêu gọi bà Park Geun-hye từ chức. (Nguồn: AP). |
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều các chính trị gia trong đảng cầm quyền của bà Park ủng hộ chiến dịch mà phe đối lập dẫn đầu nhằm kêu gọi Tổng thống từ chức do có liên quan tới vụ bê bối của người bạn thân của bà, Choi Soon-sil - người đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với bà Park để thu lợi ích cá nhân và tầm ảnh hưởng.
“Chúng tôi sẽ tổ chức bỏ phiếu về việc luận tội sớm nhất trong ngày 2/12 tới, và chậm nhất là ngày 9/12” - ông Woo Sang-ho, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ ở Hàn Quốc, nói với tờ Yonhap.
Một nhà lập pháp kỳ cựu của đảng cầm quyền Saenuri cũng thừa nhận rằng việc luận tội sẽ được đem ra bỏ phiếu trước Quốc hội vào ngày 9/12 tới.
Trước đó, các đảng đối lập ở Hàn Quốc vẫn do dự trong việc thúc đẩy quá trình luận tội Tổng thống, vốn cần phải có 2/3 số thành viên Quốc hội ủng hộ mới được thông qua, dù họ đang nắm giữ đại đa số trong tổng số 300 ghế Quốc hội nước này. Tuy nhiên, các đảng này đã được thúc đẩy khi cựu lãnh đạo đảng cầm quyền Kim Moo-sung lên tiếng hôm 23/11, nói rằng bà Park cần phải bị luận tội vì đã vi phạm Hiến pháp.
Hiện có hơn 30 nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền của bà Park đã ủng hộ việc luận tội bà. Nếu cuộc bỏ phiếu này thành công, thì đây sẽ là lần đầu tiên trong 12 năm qua Quốc hội Hàn Quốc khởi động quá trình luận tội một vị Tổng thống đang đương chức.
Tổng thống Park Geun-hye từng nhiều lần đưa ra lời xin lỗi trước công chúng và cam kết sẽ hợp tác với các công tố viên trong vụ điều tra liên quan tới bà, cũng như ủng hộ việc thành lập một cuộc điều tra đặc biệt với sự kiểm soát của một công tố viên độc lập được Quốc hội chỉ định.
Đồng phạm
Trước đó, giới công tố Hàn Quốc đã đưa ra kết luận điều tra sơ bộ, trong đó nói rằng bà Park đã thông đồng với bà Choi.
Họ nói rằng bà Park có khả năng sẽ bị coi là một nghi phạm trong vụ điều tra này, đồng thời thúc đẩy việc thẩm vấn bà trực tiếp - một động thái có thể khiến bà trở thành vị Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị giới công tố thẩm vấn.
Trong khi đó, luật sư của bà Park đã bác bỏ các luận điểm trên của giới công tố, gọi các chứng cứ trên là “giả tạo và phỏng đoán”, tuyên bố rằng bà Park sẽ không bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc thẩm vấn nào của giới công tố viên.
Ngay cả khi cuộc bỏ phiếu về luận tội Tổng thống có nhận được 2/3 sự ủng hộ tại Quốc hội, vẫn không có gì đảm bảo rằng Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ phê chuẩn nghị quyết trên, thậm chí ngay cả khi mà vụ bê bối chính trị này tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới quốc gia này.
Giới công tố Hàn Quốc hôm 24/11 cũng tổ chức một số cuộc khám xét đối với Bộ Tài chính và các trụ sở của 2 tập đoàn lớn và quyền lực nhất ở nước này.
Hai tập đoàn SK và Lotte đã bị cáo buộc đã đóng góp các khoản tiền quyên góp khổng lồ đối với hai tổ chức phi lợi nhuận mà bà Choi thành lập, để đổi lấy các giấy phép miễn thuế của nhà nước. Vụ khám xét diễn ra chỉ một ngày sau khi các công tố viên tới kiểm tra các trụ sở làm việc của Tập đoàn Samsung liên quan tới các các cáo buộc họ đã đưa tiền hối lộ cho bà Choi để được nhà nước phê chuẩn một vụ sáp nhập gây tranh cãi ở Hàn Quốc hồi năm ngoái.
Bà Park hiện đang đối mặt với nhiều cáo buộc cho rằng chính phủ của bà đã đưa ra các chính sách có lợi cho các tập đoàn lớn từng đóng góp tiền cho các tổ chức của bà Choi.
Một số lãnh đạo của các công ty hàng đầu Hàn Quốc, trong đó gồm lãnh đạo của Samsung và Hyundai, đã bị giới công tố thẩm vấn. Điều này đã hé lộ những mối quan hệ đen tối giữa chính phủ nước này và các tập đoàn tài chính trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Hiện nay, bà Park cũng đối mặt với làn sóng biểu tình dữ dội của người dân đòi bà từ chức. Hồi đầu tháng, người dân Seoul đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ của bà Park, được xem là lớn nhất từ trước đến nay.
Theo Đại Đoàn Kết