Vụ đe dọa lãnh đạo Bắc Ninh: 'Dưới lòng sông là một thế giới ngầm'

Thứ năm, 16/03/2017, 10:03
“Tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng dưới lòng sông là tài nguyên và nơi đó cũng là một thế giới ngầm có cả xã hội đen, có bảo kê, có tội ác". 

Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra một sà lan khai thác cát trên sông Cầu

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, một trong những người phát biểu gay gắt trước Quốc hội về nạn cát tặc, nói như vậy và cho biết ông rất chia sẻ với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh.

"Thế giới ngầm có cả xã hội đen, có bảo kê, có tội ác"

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ tối 15-3, ông Hiểu nói: “Tôi từng làm lãnh đạo một huyện của Hà Nội (bí thư Huyện ủy Phúc Thọ - PV), chứng kiến bức xúc của người dân địa phương trước nạn khai thác cát trái phép, nên tôi hiểu tâm trạng của anh Quỳnh khi phải gửi văn bản lên cấp cao hơn".

"Tôi nghĩ rằng anh Quỳnh đã nói lên tâm trạng không chỉ của riêng anh ấy mà là tâm trạng của lãnh đạo không ít địa phương khác đang phải chịu sự hoành hành của cát tặc. Một người đứng đầu UBND cấp tỉnh mà phải viết đơn kiến nghị như vậy thì chứng tỏ sự việc rất nghiêm trọng”- ông Hiểu phân tích.

“Tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng dưới lòng sông là tài nguyên và nơi đó cũng là một thế giới ngầm có cả xã hội đen, có bảo kê, có tội ác.

Nạn khai thác cát trái phép, khai thác cát tràn lan gây ra quá nhiều hậu quả, từ mất an toàn giao thông đường thủy, thay đổi dòng chảy, xói lở bờ bãi, đe dọa cuộc sống và sản xuất của người dân hai bên bờ, làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Văn bản của tỉnh Bắc Ninh như một tiếng “kêu cứu” hối thúc các cơ quan chức năng của Chính phủ làm rõ sự việc cụ thể này, nhưng đồng thời phải khẩn trương thực hiện những chỉ đạo mà Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa kết luận cách đây ít hôm khi chủ trì cuộc họp có nội dung chống cát tặc” - ông Hiểu nói.

Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh “cầu cứu” Thủ tướng

Cục Đường thủy nội địa: dự án dừng từ... tháng 12-2016

Theo Cục Đường thủy nội địa, dự án xã hội hóa nạo vét trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Cầu các đoạn cạn km1 đến km30+000 được khởi công ngày 4-5-2015.

Ngày 13-10-2016, tiến hành kiểm tra, đo đạc xác định hiện trạng, khối lượng còn lại của dự án. Qua kiểm tra, cao độ đáy luồng tại một số vị trí thuộc dự án chưa đạt chuẩn tắc theo quy định, hiện trạng đường bờ sau mùa mưa lũ không thay đổi so với trước khi thi công.

Vì vậy, đến ngày 26-10-2016 Cục Đường thủy nội địa chấp thuận cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang. Cục yêu cầu nhà đầu tư chỉ được thi công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi đã được UBND tỉnh này chấp thuận.

Ngày 1-12-2016, UBND tỉnh Bắc Ninh có đề nghị dừng việc thi công dự án. Cục Đường thủy nội địa yêu cầu nhà đầu tư tạm dừng từ ngày 5-12-2016 để khảo sát lại toàn tuyến sông Cầu, đánh giá sự cần thiết để tiếp tục dự án.

Ngày 9-1-2017 Cục Đường thủy nội địa cùng các đơn vị liên quan đã phối hợp với văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, các sở, Công an tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Quế Võ và đại diện các chủ phương tiện vận tải thủy trên địa bàn Bắc Ninh có phương tiện mắc cạn tiến hành kiểm tra, đo đạc xác định lại khối lượng thực tế các đoạn cạn thuộc dự án.

Qua kiểm tra xác suất bằng máy siêu âm, có 3 trong số 4 đoạn cạn thuộc dự án trên địa bàn xã Phù Lãng, huyện Quế Võ chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế. Khối lượng nạo vét để đạt chuẩn cần khoảng 6.180m3.

Do đó, Cục Đường thủy nội địa kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với UBND tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho nhà đầu tư được tiếp tục triển khai thi công các đoạn cạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 22-2-2017, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư để tiếp tục thi công nạo vét tại những vị trí chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng đã được Cục Đường thủy nội địa phê duyệt.

Tuy nhiên theo ông Hoàng Hồng Giang, cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, đến đầu tháng 3-2017, nhà đầu tư dự án đã có đề nghị cho dừng thực hiện dự án. Đến ngày 8-3, Cục Đường thủy nội địa thống nhất với nhà đầu tư dừng dự án.

“Ngày 15-3, tôi đã chỉ đạo chấm dứt hợp đồng dự án theo mong muốn của nhà đầu tư. Dự án đã tạm dừng từ đầu tháng 12-2016, nhà đầu tư không thi công. Nếu vẫn còn có hiện tượng khai thác cát trong phạm vi dự án thì có thể là cát tặc”.

Có bảo kê dự án?

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh với tổng chiều dài 83km. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 3 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư.

Riêng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu được Cục Đường thủy nội địa phê duyệt do Công ty CP trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án đã xảy ra việc lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó cát tặc lộng hành và ảnh hưởng của việc khai thác dự án đã làm đê hữu sông Cầu, bờ bãi sông bị sạt lở đứng thành với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi từ 5 - 10m.

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Ninh, địa phương này đang phải bố trí 30 tỉ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố trên. Do vậy, từ năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã không cấp phép cho đơn vị nào thực hiện dự án như trên.

Tuy nhiên, từ tháng 11-2016 đến nay, trên địa bàn sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện lại việc thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm gây bức xúc cho nhân dân trong tỉnh, gây mất an ninh tại nhiều xã trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Theo TTO

Các tin cũ hơn