Cận cảnh cát tặc ngang nhiên “dàn trận” oanh tạc trên sông Hồng

Thứ năm, 27/06/2013, 16:08
Hàng chục tàu cát trái phép ngày ngày “dàn trận”, luồn những tua vòi bạch tuộc cày xới, oach tạc trên sông Hồng thuộc địa phận xã Giao Thiện - Giao Thủy (Nam Định) suốt nhiều năm qua đang là thực trạng nhức nhối...

Đoạn cuối sông Hồng đổ ra biển nằm giữa địa phận huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Giao Thủy (Nam Định) thuộc quyền kiểm soát của Đồn biên phòng 84 (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định) suốt nhiều năm nay không bình yên bởi hàng chục tàu cát trái phép ngang nhiên ra vào rầm rập suốt ngày để “ăn cát”.

Không như các tàu cát tặc thông thường phải lén lút hoạt động, trốn tránh cơ quan chức năng, tại khu vực này, cả chục chiếc tàu với đầy đủ những vòi ống, máy móc đua nhau “dàn trận” phía bờ sông Nam Định, nổ máy xình xịch vang cả một vùng rộng lớn hút cát như một đại công trường.

cát tặc

Cát tặc ngang nhiên oanh tạc trên sông Hồng.

Có mặt trên một chiếc thuyền nhỏ trong vai những người đi du lịch, PV đã đột kích đến tận “đại bản doanh” của cát tặc giữa dòng sông Hồng. Suốt chiều dài nhiều cây số của cả một khúc sông Hồng nơi đổ ra cửa biển bị cát tặc chia nhỏ băm nát.

Lịch trình hoạt động của cát tặc thường được chia làm hai ca. Buổi sáng, bắt đầu từ khoảng 8h, tàu cát rời nơi trú ẩn đổ về khúc sông này đen kín rồi mạnh ai nấy thả neo, luồn tua vòi xuống sông xùng xục hút. Trong khi hàng chục chiếc tàu hút cát hoạt động thì hàng chục chiếc khác nằm chờ san sát dọc bờ sông Hồng phía xã Giao Thiện (Nam Định).

Mỗi một chiếc tàu cát thường được trang bị khoảng 5 máy hút loại lớn cùng một nhóm “cát tặc” mặt mày hung tợn điều hành.

Thông thường, khoảng hai giờ “ăn hàng” là mỗi chiếc tàu hút đầy cát lặc lè xuôi dòng mà không hề gặp phải sự cản trở nào từ phía các cơ quan chức năng. Trong khi, điều đáng nói là toàn bộ khúc sông Hồng đang bị oanh tạc nằm ngay trước mặt trạm kiểm soát Ba Lạt (thuộc Đồn biên phòng 84).

cát tặc

Vị trí các tàu cát tặc oanh tạc ngay phía trước trạm kiểm soát Ba Lạt (tòa nhà màu vàng).

Theo một chủ tàu cát cho biết, mỗi tàu cát hút khoảng hai giờ đồng hồ thì đầy cả tàu lớn. Giá bán ra tại thị trường khoảng 35.000đ/m3. Như vậy, mỗi ngày hút hai ca, mỗi tàu cát tặc thu về 6 triệu đồng. Chính vì lợi nhuận khủng khiếp như vậy mà cát tặc ngang nhiên hoành hành suốt nhiều năm tại khu vực trạm kiểm soát Ba Lạt.

Trao đổi với PV, ông Trịnh Bình Lục - Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết, trách nhiệm quản lý khúc sông Hồng qua địa bàn xã Giao Thiện là thuộc về đồn biên phòng 84. UBND xã Giao Thiện có trách nhiệm phối hợp xử lý. Tuy nhiên, UBND xã Giao Thiện cũng chưa tiếp nhận thông tin về tàu cát tặc hoành hành.

“Tôi khẳng định tại xã Giao Thiện không có tàu hút cát trái phép nào tại khúc sông này mà tàu cát đa phần đều từ xã Giao Xuân. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về nạn cát tặc như vậy, UBND xã Giao Thiện sẽ phối hợp với đồn biên phòng 84 xác định, xử lý những tàu cát trái phép”, ông Lục nói.

 

Theo Dantri

Các tin cũ hơn