Thêm lý do để các bệnh viện tiếp tục... quá tải

Thứ năm, 27/06/2013, 16:51
Sở Y tế TP.HCM cho biết, phương án điều chỉnh viện phí vừa được Sở báo cáo với UBND TP để trình Hội đồng nhân dân TP thông qua trong cuộc họp đầu tháng 7 với mức điều chỉnh tăng 65 - 75% của khung giá viện phí tối đa. Việc điều chỉnh là hợp lý, tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương lân cận đưa ra mức tăng kịch trần thì mức tăng trên của TP.HCM sẽ là lý do để bệnh nhân từ các tỉnh đổ về…
bệnh viện, quá tải
Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nơi được xem là vùng trũng để hút bệnh nhân từ các tỉnh vượt tuyến.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trước thực tế giá viện phí và các dịch vụ đã quá lỗi thời và nhiều BV phải gồng gánh khoản lỗ với những chi phí thu được bất hợp lý như tiền công khám bệnh, dịch vụ cận lâm sàng và tiền giường.

Ba phương án đề xuất tăng viện phí (mức 100%, 80% và 75% khung giá tối đa theo thông tư liên tịch 04) thì phương án ba là tăng 65-75% đã được UBND TP thống nhất chọn. 

Tuy nhiên, không dừng lại ở mức 75%, việc điều chỉnh tăng viện phí sẽ tiến tới tăng theo lộ trình của thông tư 04 dựa trên khung giá tối đa như sau: Năm 2014 mức 75%, năm 2015 là 90% và 2016 là 100% khung giá tối đa. 

Việc tăng giá theo mức trên được lựa chọn theo đánh giá là hợp lý và không gây sốc cho người bệnh. Nếu phương án trên được thông qua tại kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 7 thì dự kiến viện phí sẽ áp dụng vào đầu tháng 8 tới.

Theo Sở Y tế, ước tính năm 2014 nguồn thu viện phí của các BV thuộc Sở Y tế TP sẽ tăng thêm gần 4.071 tỉ đồng. 

Mặc dù lộ trình tăng được số đông các đại biểu tham gia cuộc họp bàn điều chỉnh tăng giá viện phí trước cuộc họp trình HĐND nhất trí, tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo của một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, việc điều chỉnh giá lần này cũng lộ một số bất hợp lý và sẽ tái diễn tình trạng bệnh nhân tuyến tỉnh ào ào vượt lên các BV của TP.HCM để khám và điều trị bởi trong khi nhiều tỉnh, thành, hệ thống BV có cơ sở vật chất, tay nghề, kỹ thuật... thấp lại điều chỉnh viện phí kịch trần hoặc cao ngất ngưởng thì TP.HCM chỉ tăng ở mức thấp.

Nhiều BS là lãnh đạo tại một số BV cho rằng, chính việc tăng thấp hơn các tỉnh, thành khác sẽ dẫn tới việc người bệnh của các tỉnh khác tập trung về các BV của TP để khám, đặc biệt là những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành, kỹ thuật cao, chuyên sâu...

Thống kê tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ phủ BHYT ở địa phương này chưa đến 60% trong khi mức tăng viện phí cao hơn nhiều so với các BV ở TP.HCM nên khi có bệnh, họ sẽ ào ào vượt lên tuyến TP.

Trong khi đó, các BV lại hoạt động theo quy chế tự chủ tài chính (Nghị định 43) nên chắc chắn sẽ dang rộng tay để “vơ bèo, vạt tép” tăng thu cho BV.

Một thực tế đã tồn tại ở các BV của TP.HCM, đó là số bệnh nhân từ các tỉnh đến khám - chữa bệnh luôn chiếm tỉ lệ 30 - 40%. Riêng các BV chuyên khoa về ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi, mắt lên 50 - 60% đã làm tăng áp lực quá tải.

Việc quá tải thể hiện ở công suất sử dụng giường tăng cao so với kế hoạch như BV Ung bướu (247%), Chấn thương Chỉnh hình (129%), Nhi Đồng 1 (123%), Nhi Đồng 2 (123%)...

 

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích