Tìm cách sống chung với hạn, mặn

Thứ ba, 21/03/2017, 09:27
Thay vì tìm mọi cách để chống lại tình trạng hạn, mặn đang diễn ra gay gắt, các chuyên gia về nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng nên thích ứng với hạn, mặn bằng việc thay đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp

Nhằm thích ứng với hạn, mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt, trong năm 2017, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, trợ giúp để đầu tư nạo vét các tuyến kênh nội đồng nhằm dự trữ nước ngọt lúc mặn lên.

Khẩn trương trữ ngọt

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai các đề án do UBND tỉnh này phê duyệt về kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là ở các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng hạn, mặn.

Cụ thể, Kiên Giang cần nguồn ngân sách hơn 5.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án về kiểm soát mặn ở khu vực biển Tây từ huyện Kiên Lương đến Châu Thành; tuyến đê biển nối liền huyện An Minh và An Biên; đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung cùng với nước sinh hoạt ở đô thị.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang giao Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để đắp đập kịp thời. Quản lý vận hành đóng, mở hệ thống cống trên tuyến đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt một cách hợp lý theo đúng yêu cầu thực tế sản xuất, nhất là vùng ven biển An Biên - An Minh và một số khu vực cục bộ thuộc các huyện Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và TP.Rạch Giá.

Túi trữ nước ngọt của người dân xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long dùng trong mùa hạn.

Xã Thanh Bình là nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Trong năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm nhiều vườn sầu riêng giảm năng suất. Chính vì vậy, trong năm nay, người dân cũng như chính quyền địa phương đã chủ động thích ứng bằng cách sử dụng túi ni-lông chứa nước.

Ông Nguyễn Văn Mười, một người dân tại xã Thanh Bình, thông tin: “Đầu vụ sầu riêng, tôi mua một cây bọc ni-lông giá 4 triệu đồng. Loại này dày, hình trụ tròn nặng khoảng 100kg, khổ 1,8m, nếu bơm đầy nước chứa được khoảng 300m3 dùng để tưới vườn sầu riêng cũng như dùng cho sinh hoạt hằng ngày trong khoảng một tuần. Nhờ cách làm này, dù năm nay có mặn xâm nhập nhưng vườn sầu riêng của tôi không bị rụng lá, trái chết non như năm rồi”. Dạng túi này đang được UBND xã Thanh Bình giới thiệu cho nông dân toàn xã sử dụng. Túi có hình trụ tròn được sử dụng ở nơi có nhiều kênh, mương. Riêng túi hình chữ nhật hoặc hình vuông được đặt vào nơi bị nhiễm mặn như ao, hồ, vuông nuôi thủy sản.

Cơ cấu lại sản xuất

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng các địa phương vùng ven biển ở khu vực ĐBSCL nên tìm cách “sống chung” với hạn, mặn hơn là phải ứng phó theo kiểu chống lại thiên nhiên.

Dẫn chứng về điều này, GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết hiện nay, nông dân ở vùng Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Thạnh Phú (Bến Tre) hay Giá Rai (Bạc Liêu) chẳng những không lo xâm nhập mặn mà còn đang chờ nước mặn về để thả nuôi tôm. Ngay khi vụ thu hoạch tôm vừa kết thúc cũng là lúc có mưa xuống thì người dân đưa mặn ra ngoài, giữ nước để trồng lúa.

“Các địa phương nên xem đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất chứ không nên ngồi đó mà than bị xâm nhập mặn hoặc đầu tư hàng tỉ đồng vào các công trình ngăn mặn rất lãng phí. Chỉ trồng lúa thì nông dân có giàu lên được đâu!” - GS-TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo.

Cũng theo vị chuyên gia về nông nghiệp này, nếu như nông dân ở các vùng này cứ tiếp tục trồng lúa là phí ngân sách, tài nguyên nước. Thay vào đó đầu tư nuôi trồng các loại cây con khác có lợi hơn và còn mở lối ra cho nông dân kiếm tiền nhiều hơn. Vấn đề hiện nay là cần mở rộng hạn điền để tạo điều kiện cho nông dân cũng như các doanh nghiệp (DN) trong vùng hạn, mặn thiết kế ra hệ thống bơm, thoát nước như bàn cờ. Sắp xếp lại đồng ruộng với hệ thống thủy lợi với một bên là kênh dẫn nước mặn vào pha với nước ngọt để tạo thành nước lợ theo tỉ lệ phù hợp với con tôm. Bên kia vuông tôm là đường dẫn nước thải đã qua xử lý từ đồng ruộng ra biển.

Góp đất làm ăn

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng nông dân tham gia mô hình kết hợp trồng lúa kết hợp nuôi tôm bằng cách góp đất hoặc cho DN thuê để thiết kế hệ thống tưới tiêu phù hợp. Sau đó, nông dân được các DN giao trông coi diện tích đất tương đương mà họ đã giao cho nhà đầu tư. Làm như thế sẽ giúp DN có nguồn tôm nguyên liệu tốt, bảo đảm chất lượng để chế biến xuất khẩu nhưng đất vẫn là của nông dân.

Trong khi DN đạt lợi nhuận cao thì nông dân cũng vừa thu tiền cho thuê đất và nhận được tiền công nên đôi bên cùng có lợi. Với mô hình này, nông dân còn có thể tận dụng được phần đất bờ bao vuông tôm để trồng dừa hay khóm, nhất là ở vùng phía Đông của bán đảo Cà Mau từ Rạch Giá, U Minh cho đến Đất Mũi rất hiệu quả.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn