Đó là câu chuyện chuyển ngạch “chui” vào năm 2014 của Sở Nội vụ Thanh Hóa mà Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đang vào cuộc điều tra làm rõ.
Hợp đồng theo nghị định 68 nhưng làm công việc "VIP"
Trong hơn 100 người được chuyển ngạch “chui” có hơn 30 lao động hợp đồng theo nghị định 68, nhưng hầu hết số lao động này lại không làm những việc như diện hợp đồng 68 quy định mà được làm ở những phòng “VIP” của đơn vị.
Cụ thể, tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có hai lao động hợp đồng theo nghị định 68, trình độ trước khi chuyển ngạch là trung cấp kế toán và sơ cấp. Tuy nhiên, khi được chuyển ngạch và học chuyên tu lên đại học kế toán, một vị làm kế toán văn phòng, một vị làm việc chuyên viên quản trị hành chính văn phòng.'
Danh sách hàng chục lao động theo hợp đồng 68 tại các đơn vị nhưng lại làm những công việc trái với quy định trong hợp đồng |
Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có 7 đối tượng được Sở Nội vụ ưu ái chuyển ngạch không qua thi tuyển thì có tới 5 người đang là hợp đồng theo nghị định 68. Những người này làm chuyên viên Phòng Kinh tế đối ngoại, Phòng Đăng ký kinh doanh hay chuyên viên bộ phận một cửa của văn phòng Sở…
Tại huyện Triệu Sơn, có 13 người được chuyển ngạch thì chỉ duy nhất có 1 người không nằm trong diện hợp đồng 68. Trong 12 người còn lại, nhiều người có trình độ trung cấp, cao đẳng nhưng đều được làm ở các phòng Thanh tra, Tài chính, Lao động - Thương binh & Xã hội, Tài nguyên - Môi trường… Sau khi học chuyên tu lên đại học, được chuyển ngạch, những lao động này nghiễm nhiên trở thành chuyên viên của những phòng trên.
Nhiều người lên lãnh đạo
Không những có hơn 30 lao động hợp đồng theo diện nghị định 68 được làm những công việc “VIP” mà còn có gần chục trường hợp nằm trong lần chuyển ngạch “chui” của Sở Nội vụ đã được bổ nhiệm lên các chức danh lãnh đạo.
Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (gọi tắt là nghị định 68) quy định: Cơ quan hành chính nhà nước chỉ thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc cụ thể như: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ôtô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; Lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; công việc khác. |
Cụ thể, tại Sở Nội vụ - đơn vị trực tiếp làm chuyển ngạch “chui” cho hơn 100 hợp đồng - có trường hợp bà N.T.H. (SN 1974) sau khi chuyển ngạch chỉ vài tháng đã từ lưu trữ viên của văn phòng Sở được bổ nhiệm làm Phó phòng Đào tạo.
Được biết, trước đó làm việc tại Sở Nội vụ, bà H. chỉ có trình độ trung cấp lưu trữ, sau đó học chuyên tu Đại học Luật và được xét tuyển chuyển ngạch.
Tại huyện Như Xuân có 4 trường hợp được nâng ngạch thì có tới 3 người lên chức lãnh đạo. Bà L.T.D. trình độ trung cấp địa chính, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Như Xuân, sau khi học chuyên tu lên Đại học Quản lý đất đai và được chuyển ngạch được bổ nhiệm lên giữ chức vụ Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Ông P.V.T., trình độ cao đẳng lâm sinh, chuyên tu đại học lâm nghiệp, được bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý thủy lợi. Ông D.D.T. trình độ trung cấp kế toán, chuyên tu lên Đại học Luật được bổ nhiệm làm Phó Ban pháp chế HĐND.
Tại huyện Nga Sơn có ông T.N.N. giữ chức vụ Phó ban Tổ chức Huyện ủy; được bổ nhiệm khi chưa có bằng đại học và chưa được chuyển ngạch công chức. Ngoài ra có ông M.T.D. giữ chức vụ Chánh Văn phòng UBND-HĐND.
Về vấn đề trên, lãnh đạo một số đơn vị như Sở Tài Chính, Phòng Nội vụ huyện Như Xuân, Huyện ủy Nga Sơn đều khẳng định họ chỉ làm theo chỉ đạo của Sở Nội vụ. Khi Sở Nội vụ có công văn yêu cầu tổng hợp danh sách gửi lên xét tuyển thì làm thôi chứ không biết đang làm sai.
Ông Lê Ngọc Nghinh, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Sở có một nhà nghỉ dưới Sầm Sơn nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các nhân viên văn phòng còn phải phụ trách nhà nghỉ. Bởi vậy nên những đối tượng nằm trong hợp đồng theo nghị định 68 của Sở chủ yếu là làm công việc như bảo vệ, điện nước. Sau khi được chuyển ngạch thì có đồng chí Nguyễn Bình Lưu được đưa sang làm việc tại Phòng Đối ngoại; đồng chí Văn Đình Tới làm Phòng Đăng ký kinh doanh. Đây là những người có bằng cấp cao, trình độ chuyên môn tốt nên được kéo lên”.
PV hỏi: Các lao động này theo hợp đồng 68 mà được Sở bố trí các công việc như chuyên viên Phòng Một cửa, quản trị mạng… thì có đúng không? Ông Nghinh trả lời: “Làm bộ phận một cửa nêu cao vai trò đạo đức là chính chứ không yêu cầu trình độ quá cao. Công việc chỉ là sắp xếp hồ sơ thôi. Việc quản trị mạng thì sau này mới gọi là quản trị mạng chứ trước đây gọi công việc đó là thợ điện”.
Cũng theo ông Nghinh, Sở nhận được công văn của Sở Nội vụ thì đưa danh sách lên thôi chứ cũng không biết Sở Nội vụ làm sai, làm “chui”.
Ông Nguyễn Bá Tải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Đối với những trường hợp sau khi nâng ngạch mà được bổ nhiệm thì rất nan giải, Sở đang trong thời gian chờ kết luận thanh tra. Trên cơ sở kết luận thanh tra sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ tỉnh mới có hướng giải quyết”.
.
Theo Dân Trí