Trung Quốc đang phản ứng mạnh về việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Bất đồng ngày càng nghiêm trọng, tới mức người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa và doanh nghiệp Hàn Quốc.
Bắc Kinh tăng sức ép
Hai đoạn video được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, trong đó quay cảnh học sinh tiểu học Trung Quốc hô khẩu hiệu hứa không ăn đồ ăn vặt của Hàn Quốc theo lời giáo viên. Không riêng học sinh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng ủng hộ chiến dịch tẩy chay. Cư dân mạng phát hiện một số bộ đồ ăn bằng nhựa của một nhà hàng đính kèm lời cảnh báo về hệ thống phòng thủ tên lửa trên bao bì.
Doanh nghiệp đang chịu sức ép lớn nhất từ Trung Quốc chính là Tập đoàn Lotte vì quyết định nhượng đất cho chính phủ Hàn Quốc để triển khai THAAD. Hậu quả, gần 90% trong số 99 cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải đóng cửa tạm thời. Trong khi đó, chuỗi nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc có tên Hannashan ra thông báo nói rõ họ được thành lập bởi người Trung Quốc và chưa từng mua sản phẩm nào từ Lotte.
Người dân nhìn vào bên trong cửa hàng Lotte Mart bị đóng cửa ở TP.Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh |
Để bảo vệ người dân trước làn sóng chống Seoul đang leo thang, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh mở một đường dây liên lạc trực tuyến đặc biệt để phát cảnh báo đến công dân mình khắp Trung Quốc. Đại sứ quán cũng kêu gọi công dân lánh xa các khu vực đông đúc, địa điểm biểu tình và tránh tranh cãi không cần thiết với người địa phương.
Không dừng lại ở đó, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan ngày 20-3 cho biết đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Chúng tôi đã thông báo với WTO rằng Trung Quốc có thể vi phạm một số thỏa thuận thương mại” - ông Joo Hyung-hwan phát biểu trước Quốc hội.
Nội bộ bất đồng
Theo ông Joo, đơn khiếu nại của Hàn Quốc trình lên WTO hồi tuần trước sau khi Trung Quốc gia tăng trả đũa các công ty Hàn Quốc trong ngành du lịch và nhiều lĩnh vực khác. Khi được hỏi về bước đi tiếp theo, ông Joo cho biết sẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ những thỏa thuận đã có và sẽ có thêm hành động khác nếu cần.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không trực tiếp bình luận về vụ việc mà chỉ nói chung chung rằng Bắc Kinh ủng hộ quan hệ kinh doanh bình thường và các trao đổi khác giữa hai nước.
Không chỉ chọc giận Trung Quốc, kế hoạch triển khai THAAD còn gây chia rẽ trong chính trường Hàn Quốc. Tại cuộc gặp các nghị sĩ hôm 20-3, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn nêu bật tính khẩn cấp phải triển khai THAAD để đối phó mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đối lập nhắc lại lập trường rằng việc triển khai cần được Quốc hội cho phép. Những nghị sĩ này cho rằng việc triển khai THAAD đang khiến tình hình trong nước căng thẳng trong lúc những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu đang gia tăng. Ông Hwang đã bác đòi hỏi của các nghị sĩ đối lập và nhấn mạnh THAAD là cần thiết do Triều Tiên không ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo tầm xa.
Hôm 6-3, một số bộ phận đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được chuyển đến căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía Nam. Các nhà quan sát cho rằng việc triển khai sẽ hoàn thành sớm nhất vào tháng 4.
Theo Yonhap, Trung Quốc lâu nay phản đối Hàn Quốc triển khai THAAD với lý do radar của hệ thống này có thể được sử dụng để theo dõi các hoạt động quân sự của họ, giúp cán cân an ninh khu vực nghiêng về phía Mỹ.
Theo NLĐ