|
Một quán bia hơi trên con phố bị dọn dẹp vỉa hè rất vắng khách dù đang trong giờ cao điểm. |
Thất nghiệp dù có năng lực
Gần 1 tháng nay, nhiều người lao động chân tay đang từng ngày ngắc ngoải tìm kiếm một công việc khác, nhưng khó khăn biết bao khi công việc họ có thể làm chỉ là những công việc mưu sinh nhờ vỉa hè.
Như mọi ngày, 8 giờ sáng, H. từ phòng trọ đi ra quán bia mà anh đang làm chân chạy bàn để bắt đầu một ngày làm việc mới. Tuy nhiên, khác với mọi buổi sáng khác, khi cô Lê, chủ quán bia hơi- nơi mà H. làm việc được 3 tháng nay, vừa nhìn thấy H. liền bảo: “Cháu làm việc hết hôm nay thôi nhé. Cô gửi cháu tiền lương tháng này luôn. Dù cháu làm tốt nhưng cô đành phải chịu, cho cháu nghỉ thôi. Vì sao chắc cháu cũng hiểu…”
Tất nhiên H. hiểu nên anh không nói gì, cũng không trách cô Lê khi anh biết lý do không phải vì anh không làm được việc mà vì quán bia hơi của cô Lê doanh thu sa sút, lượng khách giảm mạnh gần 1 tháng nay, cũng là từ khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè bắt đầu…
Sau ngày làm việc dài lê thê đó, sáng sớm hôm sau, H. xách ba lô lên vai, chào cô chú chủ quán và các nhân viên khác để trở về quê, giúp ba mẹ làm nông nhưng thực ra đó là sự bắt đầu của chuỗi ngày thất nghiệp.
Cô Lê, chủ quán bia hơi Lê Tuấn, nơi mà H. đã từng làm việc cho biết, dù không đành lòng nhưng từ 1 tháng nay, cô đã cho hơn 10 nhân viên nghỉ việc.
“Tôi cho nhân viên nghỉ cũng không đành khi mà họ chưa biết sẽ tìm việc mới ở đâu, cho chúng nó nghỉ luôn thì biết sẽ thành thất nghiệp mà giữ lại thì không thể trả đủ tiền lương. Dù sao làm việc lâu với nhau, mình cũng quý chúng nó lắm chứ”, cô Lê nói.
Chủ quán bia hơi này chia sẻ, ngày trước quán của cô tạo công ăn việc làm cho gần 20 người làm thuê, nhưng hiện tại bây giờ chỉ còn 6 người và sắp tới có thể sẽ phải cắt giảm nữa vì không có khách hàng thì không thể có tiền để trả lương cho họ được.
“Giờ cao điểm của quán tôi là tầm 11 giờ trưa và 6 giờ chiều nhưng kể từ khi dọn dẹp vỉa hè, ngay cả vào ngày cuối tuần, cửa hàng vẫn vắng khách trong hai khung giờ đó, thậm chí có lúc còn không có khách nào”, cô Lê nói.
Ngày trước, các mối rau củ, thịt cá, ốc, nem chua, lạc,… đều hằng ngày lũ lượt đưa đến nhưng bây giờ, nhân viên ở cửa hàng tôi chỉ tự túc đi ra chợ mua với số lượng ít vì không có khách, không bán được nhiều như trước.
Cô Lê cho biết: “Quy hoạch của Nhà nước thì tôi cũng nhất trí để vỉa hè thông thoáng hơn nhưng ở dãy phố này, vỉa hè đã lấy, còn lấy cả sân hè trước nhà dân, không để người dân kinh doanh buôn bán.”
Được biết trước chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, cửa hàng của cô Lê bày được chục bộ bàn ghế ngoài sân, được hơn 40 khách, vậy mà bây giờ cơ quan chức năng phường bắt dọn hết, khiến không chỉ cửa hàng cô mà các cửa hàng kinh doanh buôn bán dựa vào sân hè xung quanh đó cũng đều “ngắc ngoải”.
|
Một con phố tại quận Đống Đa, Hà Nội có vỉa hè và sân hè rất rộng đều bị dọn dẹp bởi chiến dịch vỉa hè. |
Bên cạnh đó, cửa hàng của cô phải thuê bãi để xe cho khách, bãi gần nhất cũng cách cửa hàng 1 cây số, thử hỏi khách hàng có ai đi bộ 2 cây số cả đi cả về để gửi xe mà vào uống bia?
Được biết, cửa hàng này cô Lê thuê với giá 30 triệu đồng/tháng, cô đã đề xuất với chủ thuê nhà giảm tiền thuê khi doanh thu của cửa hàng giảm đến 70% trong tháng qua nhưng họ không chấp nhận.
“Nếu kinh doanh buôn bán vẫn ế ẩm như thế này thì tôi phải trả lại nhà, chuyển đi chỗ khác”, cô Lê nói và cho biết, các hộ kinh doanh ở khu vực này cũng có ý định làm đơn để gửi lên các cơ quan chức năng về tình trạng buôn bán ế ẩm, dọn sạch cả sân hè ở đây.
Lượng khách giảm đến 80%
Cùng lâm vào tình cảnh tương tự, anh Long, chủ một cửa hàng ăn trên phố Đặng Văn Ngữ cho biết, hầu như tất cả các cửa hàng ở đây đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chiến dịch dọn vỉa hè này. Riêng với cửa hàng của anh, lượng khách giảm đến 80%.
Anh Long chia sẻ, cửa hàng của anh từ 9 nhân viên bao gồm nhân viên nấu bếp, bồi bàn, trông xe bây giờ giảm xuống còn 5 người.
Lý giải cho việc này, anh Long cho biết vì doanh thu không có, đến chủ còn không có thu nhập thì không thể trả lương cho nhiều nhân viên nên đương nhiên phải cắt giảm nhân sự.
“Dù năng lực tốt, nhân viên cũng không khác những người em trong gia đình mình nhưng đó là việc bắt buộc khi công việc thì không có mà doanh thu cũng giảm đáng kể. Bây giờ, mình là chủ mình cũng phải vào dắt xe, lau dọn, bưng bê cùng nhân viên”, anh Long chia sẻ.
Về quan điểm, chủ cửa hàng ăn này cũng cho rằng chiến dịch dọn vỉa hè này là hợp lý vì việc chỗ này, chỗ kia lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán là sai nhưng cơ quan chức năng nên làm từng bước hoặc trước khi dọn dẹp vỉa hè nên xây dựng trước phương án cho người dân sao cho vừa có vỉa hè thông thoáng vừa không để việc kinh doanh của người dân lao dốc thảm hại như bây giờ.
Anh Long nói: “Nếu 3 tháng trước mà biết thành phố sẽ ra chỉ thị như vậy thì chắc chắn tôi sẽ không thuê cửa hàng ở đây, không kinh doanh mặt hàng ăn uống liên quan đến vỉa hè. Tổng chi phí đầu tư đến nửa tỷ đồng mà bây giờ kinh doanh khó khăn như vậy, không biết bao giờ mới thu lại được vốn.”
|
Quán ăn của anh Long không có khách nào ngay trong giờ cao điểm ngày cuối tuần. |
Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên, trên phố Đặng Văn Ngữ có một quán bia hơi đã sang nhượng lại cửa hàng, đồ đạc cho một cửa hàng bia hơi liền kề chỉ ngay khi chiến dịch dọn vỉa hè bắt đầu được 1 tuần vì không thể cầm cự nổi.
Theo khảo sát, các quán cà phê, bia hơi, đồ ăn liên quan đến vỉa hè ở một số khu vực khác như Bạch Mai, Hồ Đắc Di, Chùa Láng,… cũng đều phải cắt giảm nhân viên vì không đủ sức cầm cự, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng trong gần 1 tháng qua.
Cũng giống với 2 chủ cửa hàng trên, anh Cường, người quản lý nhân sự tại một cửa hàng ăn uống trên phố Bạch Mai cho biết doanh thu của cửa hàng anh giảm rất nhiều, ngày xưa nếu bán được 10 triệu thì bây giờ chỉ được 1 đến 2 triệu.
Do vậy, bây giờ, cửa hàng chỉ còn 5 nhân viên, cắt giảm mất 6 người vì từ đợt chiến dịch giành lại vỉa hè thì cửa hàng không cầm cự nổi, khách vắng hẳn, nhân viên toàn ngồi chơi nên đó là điều không thể tránh khỏi.
Anh Cường chia sẻ, khi chủ quán báo nghỉ việc thì nhân viên cũng phải chấp nhận, dù họ đều là người thân, người nhà mình ở quê do mình đưa lên đây để làm việc nên báo nghỉ cũng có chút chạnh lòng nhưng không làm sao được…
Nếu mỗi cửa hàng phải cắt giảm một nửa số nhân viên, mỗi hàng nước vỉa hè, mỗi gánh hàng rong bị dẹp bỏ thì sẽ có bao nhiêu người đang làm ăn lương thiện sẽ trở thành thất nghiệp? Con số đó chắc chắn không hề nhỏ.
“Dù vẫn biết dọn vỉa hè là đúng, nhưng cũng phải cho dân một lối để làm ăn buôn bán vì dân có giàu thì nước mới mạnh!”.
Theo Dân Trí