Những cuộc đối đầu giữa Tổng thống và Quốc hội Mỹ

Thứ hai, 27/03/2017, 10:13
Nhiều người thắc mắc tại sao chính phủ mới của Mỹ không thể dễ dàng thực hiện các mục tiêu, chính sách của họ. Tại sao nền dân chủ Mỹ lại “thảm” đến vậy?

Tổng thống Donald Trump phát biểu trong Nhà Trắng ngày 24-3 - Ảnh: Reuters

Thất bại mới nhất của Tổng thống Donald Trump trong việc thông qua bản dự thảo chăm sóc sức khỏe mới cho người dân cho thấy sức mạnh của những người đại diện cho tiếng nói của dân tại Mỹ. Tuổi Trẻ xin giới thiệu loạt bài của GS Mỹ Terry F. Buss giải thích sâu về vấn đề này.

Hai Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa trước đây, ông Richard Nixon (1968-1974) và Ronald Reagan (1981-1989), từng có những thành công quan trọng trong việc vượt qua thế tắc nghẽn chính sách (gridlock) khi các đề xuất của họ bị kẹt ở Quốc hội.

Đây có thể là hình mẫu để các Tổng thống tương lai học hỏi, dù kết quả tốt hay xấu còn chưa biết.

Cựu Tổng thống Nixon từng rất buồn phiền vì Quốc hội thời của ông do Đảng Dân chủ kiểm soát. Không chịu bó tay, ông này luôn tìm cách vượt mặt họ bất cứ khi nào có thể. Nhờ nỗ lực này mà Nixon được đặt cho biệt danh “Tổng thống hoàng gia” (theo ý không phải để khen).

Khác Nixon, Tổng thống Reagan đối mặt với một Quốc hội chia rẽ: Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Vấn đề là phe Dân chủ ở Hạ viện cực kỳ ghét nghị trình bảo thủ của Reagan.

Nhưng thay vì phớt lờ các đối thủ trong Quốc hội, cựu Tổng thống Reagan chọn cách lịch lãm nhất có thể: tìm mọi cách thuyết phục họ nghe theo ông!

Ông Barack Obama và Donald Trump đã chọn phong cách “Tổng thống hoàng gia” của Nixon, dù ngoài mặt thì họ bày tỏ khâm phục Reagan.

Giống trường hợp Nixon, cách tiếp cận của ông Obama khiến tình trạng tắc nghẽn chính sách trong Quốc hội tăng thêm chứ không giảm đi. Còn ông Trump, dù chỉ mới những ngày đầu trong văn phòng, hứa hẹn sẽ vượt mặt ông Obama trong việc gây chia rẽ ở Quốc hội.

Phương pháp Nixon và hệ quả

Ông Nixon được nhớ đến chủ yếu bởi vụ bê bối Watergate đình đám, trong đó ông lạm dụng quyền Tổng thống một cách vô tội vạ. Khoảng 48 quan chức cao cấp của chính quyền Nixon bị tuyên hàng loạt tội danh, trong khi bản thân Nixon buộc phải từ chức trong nhục nhã.

Nixon là trường hợp đầu tiên bị thoái hóa bởi quyền lực cực lớn của chức Tổng thống Mỹ, minh họa cụ thể không chỉ trong vụ Watergate mà còn bởi quan hệ của ông với Quốc hội.

Tổng thống Nixon ghét các đối thủ trong Quốc hội không chỉ trên phương diện chính trị mà còn mang tính cá nhân. Khi bị chống đối, Nixon sẵn sàng xài hết công cụ quyền lực để “giải quyết” nếu cần thiết.

Trang Digital History liệt kê một số “tội danh” của Nixon: từ chối chi tiêu theo ngân sách Quốc hội phê duyệt; lạm dụng “ưu tiên hành pháp” che giấu thông tin trước Quốc hội; cấm các quan chức chính phủ điều trần trước Quốc hội; tái cơ cấu và mở rộng quyền hạn của nội các và cơ quan chính phủ mà không thông qua Quốc hội; bí mật cho tấn công Campuchia và Lào trong cuộc chiến tranh Việt Nam, không thèm báo cáo và hiển nhiên không nhận được sự đồng tình của Quốc hội…

Vụ Watergate cho Quốc hội Mỹ cái cớ để giành lại quyền lực đã mất vào tay “hoàng đế Nixon”. Trong quá trình đó, các biện pháp cải cách nhằm kiềm chế Nhà Trắng đặt ra tiền đề cho tình trạng tắc nghẽn chính sách mà các chính phủ sau này phải đương đầu.

Một số biện pháp cải cách hậu Watergate bao gồm: “ghìm cương” Tổng thống bằng Đạo luật quyền hạn chiến tranh - buộc Tổng thống phải tìm kiếm sự đồng thuận từ Quốc hội nếu muốn tham gia một cuộc chiến; mở rộng quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc điều tra các tội ác tương tự Watergate; thay đổi luật ngân sách, thành lập Văn phòng Ngân sách Quốc hội; thành lập Ủy ban Bầu cử liên bang để giảm gian lận; ban hành Đạo luật tự do thông tin để tăng tính minh bạch; ban hành một loạt chính sách chống tham nhũng…

Ban đầu những cải cách này tạo ra hiệu ứng tốt, nhưng các Tổng thống kế tiếp nhanh chóng tìm ra cách lách luật. Không chỉ khiến tình trạng tắc nghẽn chính sách thêm tồi tệ, họ còn sẵn sàng bẻ cong, phớt lờ luật pháp và các quy trình dân chủ để đạt được mục tiêu chính trị.

Các Tổng thống Gerald Ford (1974-1977) và Jimmy Carter (1978-1981) cũng nối gót Nixon. Tổng thống Ford chỉ ngồi trong văn phòng được 3 năm và bị chỉ trích dữ dội vì ban lệnh ân xá cho người tiền nhiệm Nixon.

Riêng ông Carter bị đánh giá là một trong những Tổng thống yếu kém nhất của Mỹ. Vụ bắt giữ con tin ở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran (Iran) năm 1979 là sự kiện chính đánh chìm sự nghiệp của Carter.

Cả Ford lẫn Carter đều góp phần làm suy yếu quyền lực Tổng thống so với Quốc hội, từ đó lại càng dẫn đến nhiều trường hợp tắc nghẽn chính sách khi Nhà Trắng theo đuổi nghị trình cam kết với cử tri.

Phương pháp Reagan

Ronald Reagan là một trong những Tổng thống gây chia rẽ nhất mà nước Mỹ từng có. Ông nhậm chức trong tư thế phản đối các chính sách tự do và phúc lợi nhà nước khởi xướng bởi Tổng thống John Kennedy (1961-1963) và Lyndon Johnson (1963-1969).

Nhưng sau đó Tổng thống Reagan tận hưởng một giai đoạn “Phục Hưng” khi uy tín của ông tăng dần theo thời gian. Nhiều tổ chức đánh giá Reagan nằm trong top 10 Tổng thống hiệu quả nhất của Mỹ.

Giống Nixon, Tổng thống Reagan cũng có vụ bê bối của riêng mình. Đó là vụ Iran-Contra (hay còn gọi là Irangate, Contragte). Trong vụ này, các quan chức cao cấp chính phủ Mỹ bí mật thương lượng bán vũ khí cho Iran - nước bị cấm vận, để kiếm tiền tài trợ cho các nhóm vũ trang cực hữu Contra ở Nicaragua.

Nhưng khác với Nixon, Tổng thống Reagan đã xuất hiện trên truyền hình để xin lỗi. Một ủy ban điều tra sau đó phát hiện Reagan không biết gì về việc làm của cấp dưới.

Ngoài vụ Contra thì Tổng thống Reagan không lạm dụng quyền lực. Thay vào đó, ông kết hợp giữa sức thu hút và tài năng để vượt qua tình trạng tắc nghẽn chính sách trong Quốc hội (Tổng thống John F. Kennedy cũng theo phong cách này).

Chiến thuật “quyến rũ” của Reagan hết sức đơn giản. Ông đối xử với tất cả thành viên Quốc hội bằng sự tôn trọng và chân thành, thường xuyên gặp gỡ các đối thủ chính trị để vận động sự ủng hộ.

Ông không thù họ kể cả khi họ không hợp tác. Trái ngược lại, dưới thời Johnson và Nixon, những ai chống đối thường bị cho vào “danh sách đen” và trước sau gì cũng bị CIA và FBI sờ gáy.

Tổng thống Reagan còn nổi tiếng với chuyện tặng những món quà nhỏ cho những người giúp đỡ ông. Reagan cho thành lập một nhóm nhỏ bao gồm những người dày dặn kinh nghiệm, có sức thu hút và được trọng vọng để làm việc với Quốc hội. Bằng cách này ông bảo đảm nghị trình của mình sẽ được thông qua kể cả tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.

Cách của Reagan rất tương phản với Nixon và Carter - những người không hiểu, không thích và không biết ơn các thành viên Quốc hội.

Báo New York Times đánh giá nhóm chuyên gia của Reagan làm việc hiệu quả nhất trong lịch sử các đời Tổng thống. Khi nhóm này tan rã để theo đuổi các mục tiêu riêng, tính hiệu quả của chính quyền Reagan cũng giảm theo.

Các thành công của Reagan thời kỳ đó bao gồm thông qua cải cách thuế, ký với Liên Xô hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân, tái phê chuẩn đạo luật về quyền bầu cử, khôi phục sức mạnh quân sự Mỹ và bắt tay cùng nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev chấm dứt Chiến tranh lạnh.

Viễn cảnh tương lai

Tôi nghĩ bài học ở đây là các ông Tổng thống có thể làm bất cứ gì họ muốn để vượt qua cục diện tắc nghẽn chính sách, ít nhất là trong ngắn hạn cho đến khi Quốc hội hoặc các tòa án quyết định ra tay. Quyền lực ở Mỹ cứ thế mà đánh đu.

Cá nhân tôi hy vọng một Reagan khác sẽ sớm xuất hiện. Dù người ta có đồng ý với nghị trình của nhà lãnh đạo hay không, cá tính, phong cách và sự am hiểu cách làm việc trong một hệ thống quản lý dân chủ của người đó có thể phần nào giảm được tình trạng tắc nghẽn chính sách.

Theo TTO

Các tin cũ hơn