Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 sau khi ông Phan Xuân Dũng (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhận định công tác quản lý rượu, bia còn nhiều bất cập khiến rượu giả tràn ngập thị trường. “Có nơi báo động giới hạn đỏ. Xảy ra liên tiếp ngộ độc, hôn mê sâu và tử vong”, bà Ánh nói.
Theo đại biểu Minh Ánh, mỗi năm Hà Nội thu giữ 20.000 lít rượu thủ công, hàng trăm chai rượu ngoại. Những sản phẩm không được kiểm định này nếu được tiêu thụ trên thị trường sẽ gây hậu quả nặng nề.
"Ngộ độc rượu trở thành nỗi ám ảnh và để lại hậu quả lâu dài cho giống nòi Việt Nam", đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy từ năm 2012 Chính phủ đã ban hành thông tư quy định rượu phải dán tem và kiểm định chất lượng nhưng chỉ một phần nhỏ các đơn vị sản xuất chấp hành. “80% lượng rượu trên thị trường không được dán tem thuế, không kiểm soát được về mặt chất lượng, trôi nổi thị trường”, bà Ánh nói.
Từ đó, đại biểu Ánh đề nghị phải siết chặt quy định sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt vi phạm và duy trì trong thời gian dài chứ không phải là phong trào. Đặc biệt, phải nâng mức xử phạm hình sự đối với người kinh doanh rượu kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng bán rượu không đăng ký chất lượng, không nhãn mác, nguồn gốc vẫn tràn lan tại nhiều địa phương gây ngộ thực phẩm cấp tính và mãn tính cho người tiêu dùng.
Báo cáo dẫn nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy giai đoạn 2007-2017, 58 vụ ngộ độc rượu xảy ra với 382 người mắc và 90 người tử vong. Trong đó, tử vong do methanol chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 49%, do rượu ngâm cây rừng là 19,4%.
Gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu quy mô lớn xảy ra như vụ 8 người chết ở tỉnh Lai Châu, 6 người chết ở tỉnh Quảng Ninh. "Mất ATTP đối với rượu, đặc biệt là rượu thủ công hầu như chưa được kiểm soát", ông Dũng nói.
Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), an toàn thực phẩm không phải vấn đề mới nhưng tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận.
"Theo kết quả điều tra của Văn phòng Quốc hội, chỉ 10% người được hỏi rất yên tâm với sử dụng thực phẩm hằng ngày", đại biểu tỉnh Tiền Giang cho hay.
Đại biểu tỉnh Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế về quản lý an toàn thực phẩm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu tỉnh Tiền Giang đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm... thiết lập đường dây nóng với những số dễ nhớ về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cũng cho rằng cần xem xét tiêu chí an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong công nhận nông thôn mới; đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào hương ước để loại bỏ tình trang "mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng trại"...
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm. Cần có đường dây nóng, cơ chế tiếp nhận phản ánh về mất an toàn thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời...
Theo Zing