Công nhân người Trung Quốc và người bản xứ trên tuyến đường sắt đang được xây dựng ở Kenya, tháng 3/2016 |
Hồi 11h10 phút ngày 31/5 (giờ địa phương), chuyến tàu đầu tiên trên đường sắt khổ tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi Kenya do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng đã chính thức khởi hành.
Đây là sự kiện đánh dấu đường sắt Mombasa-Nairobi chính thức thông xe. Đăc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Dũng và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã đến dự lễ thông xe.
Tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi có chiều dài khoảng 480km và là dự án điểm hợp tác Trung Quốc-châu Phi cũng như trong nỗ lực xây dựng "một vành đai, một con đường”.
Châu Phi đang cáo buộc Trung Quốc áp dụng chính sách thực dân |
Đường sắt Mombasa-Nairobi là "công trình kỳ hạm" thực hiện tầm nhìn phát triển quốc gia năm 2030 của Kenya. Dự án toàn bộ áp dụng tiêu chuẩn, trang thiết bị, công nghệ, quản lý của Trung Quốc.
Tuyến đường sắt trên được Trung Quốc xây dựng và cấp 90% vốn đầu tư với kỳ vọng sẽ giải quyết 50% khối lượng hàng hóa vận chuyển từ Mombasa đến biên giới giữa Kenya với Uganda, so với mức chỉ 4% hiện nay do tuyến đường sắt xây dựng từ thời thực dân Anh đảm nhận.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Các dự án do nước này đầu tư đã vấp phải nhiều cáo buộc về chất lượng xây dựng kém, đối xử tồi với công nhân, và thiếu minh bạch.
Nhà thầu xây dựng dự án đường sắt ở Kenya là Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, một doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc.
Nhà thầu này đã phải nỗ lực để xoa dịu sự chỉ trích bằng cách thuê 25.000 công nhân người Kenya và đào tạo toàn bộ đội ngũ nhân viên làm việc trên tàu, bao gồm cả lái tàu. Ngoài ra, nhà thầu cũng đã xây dựng những đường hầm đặc biệt để cho phép động vật hoang dã đi qua tuyến đường ray đi xuyên hai công viên quốc gia của Kenya.
Bà Jane Goodall, một chuyên gia nghiên cứu loài linh trưởng rất có uy tín trên thế giới, tố cáo Trung Quốc đang vơ vét tài nguyên của châu Phi giống như những tên thực dân, gây ra những tác động thảm khốc cho môi trường và thiên nhiên..
Bà Goodall nói: “Tại châu Phi, Trung Quốc chỉ đơn thuần là đang làm những gì mà những kẻ thực dân đã làm trước đây. Họ muốn lấy nguyên liệu thô để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, giống như bọn thực dân đến châu Phi, rồi vơ vét tài nguyên thiên nhiên, khiến người dân địa phương nghèo đi”.
Trước đó, Trung Quốc bị cáo buộc chỉ tập trung vào việc khai thác nguyên liệu chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại Châu Phi.
Cáo buộc này vừa được đưa ra hồi tháng 3/2014. Theo đó, tờ Reuters phản ánh công nhân dầu mỏ của 2 dự án Trung Quốc tại Chad và Niger đã đình công để phản đối tiền lương không hợp lý. Các công ty Trung Quốc còn bị cáo buộc đã đối xử bất công với công nhân địa phương.
Được biết, trong nhiều năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập các thị trường châu Phi.
Không chỉ có vậy, tại các dự án của mình Trung Quốc đã đưa công nhân sang châu Phi làm việc, Trung Quốc đã phần nào giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong nước, tăng thêm nguồn thu cho nước này.
Hiện có khoảng gần 1 triệu người Trung Quốc sinh sống, làm việc ở châu Phi và gần 1.000 công ty Trung Quốc đang làm ăn ở châu lục này.
Theo Đất Việt