Vì sao Trung Quốc bất an vì cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar?

Thứ sáu, 09/06/2017, 09:25
Cuộc khủng hoảng ngoại giao đang leo thang tại vùng Vịnh dường như không làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc nhưng có thể tác động tiêu cực đối với sáng kinh tế nhiều tham vọng của Bắc Kinh.

Thủ đô Doha của Qatar

Hàng loạt quốc gia vùng Vịnh như Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất... đã tuyên bố sẽ cắt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ Iran và các nhóm Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.

Trung Quốc theo truyền thống luôn giữ lập trường trung lập trong các biến động chính trị Trung Đông. Ả-rập Xê-út là nước cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc, trong khi Qatar là quốc gia đứng thứ 2 về cung cấp khí đốt và đứng thứ ba về xuất khẩu khí dầu mỏ hoá lỏng vào nước này.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết, mặc dù thương mại năng lượng giữa Trung Quốc với Trung Đông dường như không bị ảnh hưởng, nhưng mâu thuẫn nội bộ trong khu vực này có thể cản trở tiến trình thực hiện dự án “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc, cũng như việc đàm phán tự do thương mại giữa Bắc Kinh và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Những quốc gia thành viên của GCC là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

"Các mâu thuẫn sẽ gây khăn cho Trung Quốc trong việc đàm phán với khu vực vì chúng tôi không biết nước nào có thể đại diện cho toàn bộ tổ chức”, chuyên gia Lý Vệ Kiện từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết. Năm 2004, Trung Quốc và GCC bắt đầu thảo luận về vấn đề thương mại tự do, và các bên đã đồng ý tăng tốc quá trình đàm phán để sớm đạt được một thỏa thuận.

Rủi ro cũng có thể xảy ra với chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, một kế hoạch kinh tế đầy tham vọng nhằm khôi phục các tuyến thương mại thông qua Trung Đông,Trung Á tới châu Phi và châu Âu. Tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Ả-rập ở Doha năm ngoái, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Qatar có thể là một đối tác chính trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường”.

Nhưng theo ông Lý Vệ Kiện, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao và giao thương giữa Qatar với các nước trong khu vực có thể gây khó khăn cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở đây.

Bắc Kinh đã phản ứng thận trọng trước quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Qatar của các nước Ả-rập. "Chúng tôi đã biết những thông tin liên quan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói. "Phía Trung Quốc hy vọng các nước liên quan có thể giải quyết tranh chấp một cách đúng đắn thông qua đối thoại, duy trì sự đoàn kết cũng như thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực".

Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh đã nỗ lực duy trì lập trường trung lập ở Trung Đông, khu vực mà Mỹ ngày càng mất ảnh hưởng. "Trung Quốc nên cẩn trọng khi thể hiện quan điểm của mình và tránh đứng về một phía", chuyên gia Tiêu Tiển, giám đốc nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Vân Nam, cho biết.

Các nhà quan sát cho biết quyết định của các nước vùng Vịnh nhằm cắt quan hệ ngoại giao với Qatar cũng nhằm vào Iran, đối tác của Trung Quốc ở Trung Đông và đối thủ của Ả-rập Xê-út. Theo chuyên gia Tiêu Tiển, Bắc Kinh có quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Ả-rập Xê-út và Iran, nhưng đã khôn khéo lách khỏi mâu thuẫn chính trị giữa hai quốc gia Trung Đông này.

Mới đây, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một tổ chức an ninh liên chính phủ do Bắc Kinh và Moscow kiểm soát.

Theo chuyên gia Lý Vệ Kiện, Trung Quốc không thể dùng "phương pháp cứng rắn của phương Tây nhằm áp đặt chế độ dân chủ kiểu phương Tây lên khu vực. Nhưng Trung Đông cần một thế giới quan thay đổi để thoát khỏi những mâu thuẫn ý thức hệ và tập trung vào phát triển kinh tế", ông nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn