Trung Quốc lập kế hoạch đầu tư tái thiết ở Syria
Hôm 11/7, ông Jin Yong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc-Ả Rập tuyên bố rằng, nước này có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD để lập khu công nghiệp ở Syria, nơi ban đầu sẽ có 150 công ty Trung Quốc đặt trụ sở để góp phần phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh của đất nước này.
Tuyên bố trong khuôn khổ tại hội chợ đầu tiên của dự án đầu tư phục hồi Syria sau chiến tranh, bắt đầu khai trương ngày 9/7 tại Bắc Kinh, ông này cho biết rằng, dự án đang được chính phủ Syria và đại sứ quán nước này ở Trung Quốc tích cực thảo luận.
Cùng ngày, Đại sứ Syria tại Trung Quốc khẳng định rằng, sau khi cuộc chiến tranh chống khủng bố và các phe nhóm đối lập do phương Tây hậu thuẫn tại đất nước này kết thúc, Trung Quốc, Nga và Iran sẽ được ưu tiên trong việc thực hiện các dự án kinh tế ở Syria.
Bản thân việc tiến hành hội chợ giới thiệu cơ hội đầu tư cho các công ty Trung Quốc tại Syria là một động thái mạnh mẽ trong việc chỉ định lợi ích của Trung Quốc tại nước này.
Không loại trừ là sau khi hội chợ kết thúc sẽ hình thành nhóm các công ty tiên phong sẽ được bố trí gọn trong phạm vi khu công nghiệp Syria-Trung Quốc, còn được gọi là công viên công nghiệp Trung Quốc.
Vị trí của khu này hiện chưa được chỉ định. Tuy nhiên, có lẽ, công viên công nghiệp Trung Quốc sẽ trở thành một trong những trung tâm thực hiện sáng kiến con đường tơ lụa của chính quyền Bắc Kinh. Điều này có nghĩa rằng công viên này có thể xuất hiện ở vùng ven biển Địa Trung Hải.
Một chuyên gia Nga là nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev cho biết rằng, Trung Quốc đang cảm nhận được triển vọng của giải pháp hòa bình ở Syria. Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu tích cực tham gia vào quá trình này, cả về chính trị lẫn kinh tế.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng cho biết rằng, dường như chính quyền Bắc Kinh rất tự tin về sự kết thúc chiến tranh tại Syria trong thời gian ngắn tới nên nước này đã xây dựng kế hoạch thuê tàu và máy bay tại Syria cho các doanh nghiệp của mình trong tương lai.
Mặc dù không can thiệp quân sự vào Syria nhưng Trung Quốc vẫn muốn kiếm lời ở Syria |
Theo đó, các công ty Trung Quốc còn được chính phủ hỗ trợ pháp lý trong những vấn đề này, cũng như trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản và hoạt động tài chính, ngân hàng, thông qua ủy ban công tác đặc biệt về các vấn đề pháp lý và đầu tư khôi phục Syria.
Năm ngoái, Trung Quốc đưa ra đề xuất đóng vai trò tích cực và độc lập trong việc giải quyết Syria, lần đầu tiên bổ nhiệm đại diện đặc biệt về Syria. Kể từ đó, Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc ở Syria Xie Xiaoyan đã tổ chức một loạt tham vấn với tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết Syria.
Trung Quốc sẽ tham gia vào tiến trình chính trị hậu chiến ở Syria?
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác trong giới phân tích chính trị Nga cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đã quá lạc quan, còn quá sớm để nói về những rủi ro chính trị có thể xảy ra khi đầu tư vào Syria.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Azhdar Kurtov nhận định rằng, để khôi phục Syria, bước đầu tiên chủ yếu là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không có nó thì cuộc sống không thể hoạt động, sau đó mới đến việc lập các ngành sản xuất mang lại lợi nhuận.
Vì vậy, hiện thời không thể nói trước về những rủi ro nghiêm trọng, khi cuộc chiến ở Syria vẫn chưa kết thúc. Cũng còn quá sớm để nói giai đoạn phục hồi nhà ở, giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống năng lượng công nghiệp và sưởi ấm dân sinh sẽ thành công thế nào, bởi điều đó chủ yếu phụ thuộc vào thành công của tiến trình chính trị.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng Trung Quốc, cũng như các chính trị gia nhìn xa trông rộng ở các nước khác, rõ ràng nhận thức được rằng nếu không đầu tư vào khôi phục Syria, rất có khả năng tư tưởng cực đoan Hồi giáo ở Trung Đông nói chung và ở Syria nói riêng sẽ tái diễn. Do đó, cần phải tước đoạt nền tảng kinh tế của kẻ thù Syria. Phục hồi kinh tế là một bước tiến trong việc này.
Đối với khả năng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp cao, nông nghiệp, giao thông của Syria, chính phủ Syria phần nào sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác sẽ tham gia tích cực như thế nào trong giai đoạn đầu - giai đoạn tạo ra điều kiện cho cuộc sống bình thường của người dân.
Chắc chắn chính phủ Syria sẽ ưu tiên những đối tác tham gia tích cực tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy, vì vậy, mặc dù không có ảnh hưởng gì trong cuộc chiến tranh Syria và tiến trình chính trị ở nước này nhưng Trung Quốc hành động một cách thận trọng và thực sự là có tầm nhìn xa trông rộng.
Chuyên gia Vladimir Yevseyev cho biết rằng, Trung Quốc thực sự không muốn bị gạt ra ngoài, rất muốn tham gia với tư cách là một trong những cầu thủ quan trọng giải quyết khủng hoảng Syria, vì vậy hiện nay Bắc Kinh đang tiến hành các bước như vậy.
Trung Quốc đã chờ đợi một thời gian khá dài, vì ban đầu Bắc Kinh không tin tưởng chắc chắn rằng chiến dịch của Nga sẽ dẫn đến thành công mà Moscow đã đạt được hiện nay.
Nhưng khi cảm nhận thấy thành công của Nga là tất yếu, Trung Quốc đang ngày càng tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề Syria, nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nước này.
Trước cuộc khủng hoảng, Trung Quốc đã kiểm soát một phần đáng kể tổ hợp dầu khí Syria, đầu tư vào đây hàng chục hàng tỉ dollars. Tuy nhiên, chiến tranh đã phá hỏng tất cả nên hiện nay, Bắc Kinh cũng muốn chia phần bánh ở Syria trong tương lai.
Có lẽ, ở đây đang nói về một số hành lang ảnh hưởng kinh tế. Trung Quốc đã thông qua quyết định nguyên tắc tham gia tích cực các giải pháp khủng hoảng Syria, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Điều này có thể kèm theo sự tham gia hạn chế trong lĩnh vực quân sự để phát triển các vũ khí hiện có hoặc tái xây dựng Quân đội Syria sau chiến tranh.
Theo Đất Việt