Thế đổi ngôi, Qatar phản đòn đau cho Saudi Arabia

Thứ ba, 11/07/2017, 14:28
Qatar bất ngờ ra tối hậu thư với các nước cô lập mình, đòi đền bù tài chính tỉ USD.

Hãng tin MENA hôm 10/7 thông tin, Qatar đã đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với việc đưa ra điều kiện ngược lại đối với các nước vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani

Ngoại trưởng nước này Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gửi thư tới Tổng thư ký của GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, trong đó nêu ra các điều kiện của Qatar, nếu không được đáp ứng nước này sẽ rút khỏi tổ chức.

Ngoại trưởng Qatar cam kết tuân thủ các luật và các công ước quốc tế, đặc biệt liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố và tài trợ khủng bố, đồng thời nhấn mạnh sẽ không thương lượng vấn đề chủ quyền của nước mình.

Qatar đưa ra tối hậu thư 3 ngày cho các quốc gia vùng Vịnh để dỡ bỏ phong tỏa và bồi thường thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế mà nước này phải gánh chịu.

Doha cứng rắn khẳng định sẽ tự động rút khỏi GCC nếu hết thời hạn 3 ngày.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tư pháp Qatar Ali bin Fetais al-Marri cho biết nước này đang lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường về những thiệt hại xuất phát từ sự phong tỏa của các nước láng giềng.

Ủy ban trên sẽ nhận tất cả những khiếu nại từ các khu vực công, tư hoặc các cá nhân chịu ảnh hưởng từ sự cô lập của 4 nước vùng Vịnh. Đơn cử như hãng hàng không Qatar Airways có thể khởi kiện tại các tòa án ở trong và ngoài nước, kể cả ở Paris, London.

Thống đốc ngân hàng trung ương Qatar Abdullah Bin Saoud al-Thani cũng tuyên bố sẽ chơi "tất tay" với 4 nước vùng Vịnh còn lại.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNBC (Mỹ), ông  Abdullah Bin Saoud khẳng định: "Hệ thống của chúng tôi rất đáng tin cậy, chúng tôi có đủ tiền để chuẩn bị trước bất kỳ cú sốc nào".

Vị Thống đốc khẳng định, Ngân hàng trung ương Qatar hiện có sẵn 40 tỷ USD dự trữ cộng với vàng. Quỹ tài sản quốc gia nước này có 300 tỷ USD dự trữ có thể dùng để thanh toán vào bất kỳ lúc nào.

"Qatar đã có sẵn một hệ thống tốt mà không nước nào có. Chúng tôi đã lập ra luật để chống lại tất cả những tên khủng bố này", ông Abdullah Bin Saoud tự tin. "Chúng tôi làm việc với IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) và nhiều thiết chế khác để ban hành các quy định pháp luật, kiểm toán và đánh giá".

Qatar không lo thiếu tiền chống lại quyết định trừng phạt của nhóm các nước Arabia láng giềng.

Hàng loạt các phản ứng mạnh mẽ từ Qatar đang thay đổi vị thế của quốc gia này trong cuộc khủng hoảng do các nước láng giềng mang tới.

Từ ngày 5/6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.

Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.

Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố.

Sau đó, Ngoại trưởng 4 nước vùng Vịnh nhóm họp tại Ai Cập khẳng định sẽ dồn tiếp đòn trừng phạt nhằm vào Qatar. Khi chưa tuyên bố đòn trừng phạt tiếp theo, Qatar đã nhanh chóng đổi lại vị thế của mình bằng cách tuyên bố rút khỏi Hội đồng GCC.

GCC ra đời năm 1981 với 6 quốc gia thành viên gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và UAE.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn