|
Xuất hiện trước ống kính máy quay, tố giác tên của người đã từng quấy rối tình dục mình không phải là một quyết định dễ dàng đối với nhiều phụ nữ, đặc biệt trong ngành công nghệ Mỹ - Ảnh chụp màn hình |
Giới công nghệ của vùng Silicon thuộc bang California của Mỹ không lạ gì hai cái tên Dave McClure của 500 Startups và Justin Caldbeck của Binary Capital. Cả hai đều là đồng sáng lập của hai quỹ đầu tư nổi tiếng ở Mỹ.
Ấy vậy mà chỉ trong vòng 3 tuần trở lại đây, cả hai đều phải đội nón ra đi vì "có các hành động không phù hợp với phụ nữ trong cộng đồng công nghệ", một cách nói khéo của việc quấy rối tình dục. Vụ việc gây ầm ĩ trên mạng xã hội và báo chí Mỹ.
Và cũng từ đó, nhiều câu chuyện tương tự được lan truyền; không ít nạn nhân đã dũng cảm xuất hiện và lên tiếng. Hai nữ nhà báo của CNN, với sự đồng cảm giữa những người phụ nữ, đã quyết theo đuổi đề tài này.
Cứu công ty hay cứu bản thân?
Đó là vào năm 2001, khi bong bóng Dot-com bị vỡ, giá cổ phiếu của các công ty công nghệ rớt giá gây ra một cuộc suy thoái kinh tế ngắn hạn ở Mỹ.
Chị Cecilia Pagkalinawan đứng trước một lựa chọn khó khăn: Đi kiếm thêm tiền từ các quỹ đầu tư hay để toàn bộ 26 nhân viên trong công ty khởi nghiệp (startup) của mình mất việc.
Và Pagkalinawan đã chọn cái đầu tiên, sắp xếp một cuộc gặp với một nhà đầu tư nổi tiếng ở thành phố New York, người mà chị hi vọng sẽ có nhã hứng đầu tư.
Xuất hiện trên đài CNN, chị Pagkalinawan kể rằng ông này rất giàu, chọn một nhà hàng sang trọng làm nơi gặp và gọi một chai rượu đắt tiền lên tới những 5.000 USD.
Khi từ chối vì không biết uống rượu, Pagkalinawan nhận được câu trả lời lạnh tanh từ người kia nói không chấp nhận câu trả lời kiểu đó.
Rồi ông ta bắt đầu chuốc rượu, chị Pagkalinawan kể, không nhớ nổi bao nhiêu lần ly cạn rồi lại đầy nhưng lại nhớ rất rõ những hành động của con người đó.
Ông ta bắt đầu chạm vào chân của Pagkalinawan, chồm qua bàn để hôn chị rồi còn nói những lời đường mật muốn chăm sóc chị.
Quá hoảng sợ, Pagkalinawan đã tìm kế thoái lui, xin đi vệ sinh, ói ra những thứ vừa nuốt vào sau đó gọi cho một người bạn giúp đưa khỏi nhà hàng.
"Tôi không thể tin được là sau hằng đó năm trời, đến bây giờ mỗi khi nhắc lại nó vẫn tổn thương kinh khủng", chị Pagkalinawan kể lại với nhà báo.
|
Hai nữ nhà báo Laurie Segall và Sara O'Brien của đài CNN đã theo đuổi đề tài bằng nhạy cảm trong nghề nghiệp và sự đồng cảm giữa những người phụ nữ - Ảnh chụp màn hình |
Im lặng nếu không muốn lãnh hậu quả
Trang mạng The Information hồi tuần rồi công bố một bài điều tra nói ít nhất 6 phụ nữ đã tố cáo nhà đầu tư Justin Caldbeck quấy rối tình dục họ. Ba người trong số này quyết định công khai danh tính - điều mà theo đài CNN là rất hiếm hoi ở thung lũng Silicon.
"Nếu một nhà đầu tư là đàn ông nhìn vào một người đàn ông khác đang đi xin đầu tư, ông ta thấy đó là cơ hội, một người bạn, chiến hữu làm ăn, đại loại vậy. Nhưng nếu bạn là nữ, ông ta trước hết chỉ thấy ồ đó là một người đàn bà!", nữ doanh nhân Bea Arthur, một người từng bị quấy rối trong quá khứ, nhận định đầy bức xúc.
Có nhiều lý do khiến các nạn nhân bị quấy rối tình dục không lên tiếng hoặc tố cáo nặc danh. Nhưng trong giới công nghệ và đầu tư, có những luật bất thành văn mà chỉ khi đã trở thành nạn nhân rồi mới biết: Phải im lặng nếu không muốn lãnh hậu quả!
"Nỗi lo sợ bị trả đũa, sợ nó ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của công ty bạn, theo cách nào đó, là rất, rất thật. Trách nhiệm tài chính của người đứng đầu là làm điều tốt nhất cho công ty, nhưng nếu nói ra mà việc kinh doanh bị tổn hại, có tốt hay không?"". Susan Ho - người đồng sáng lập startup về du lịch và từng bị quấy rối |
"Một nhà đầu tư có thể từ chối bỏ tiền cho dự án của bạn với lý do cảm thấy không đủ tin tưởng nếu họ lo ngại một lúc nào đó bạn sẽ tiết lộ những gì mà ông ta đã làm với bạn", chị Arthur nói về hậu quả của việc lên tiếng khi bị quấy rối.
Susan Ho và Leiti Hsu, những người đồng sáng lập startup về du lịch và là nạn nhân của ông Caldbeck, chia sẻ: "Khi bạn nói về nạn quấy rối tình dục trong ngành công nghệ hay bất kỳ ngành nghề nào khác, nó giống như dội một quả bom nguyên tử xuống công ty bạn vậy".
Một cây làm chẳng nên non...
|
Chân dung 6 nữ doanh nhân đã từng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục ở thung lũng Silicon - Ảnh chụp màn hình |
Khi Susan và Leiti quyết định công khai danh tính và tố cáo người đã quấy rối, họ đã rất lo, không hẳn vì lo cho công việc kinh doanh, mà lo rằng nó sẽ bị "chìm xuống" còn người đàn ông kia vẫn nhởn nhơ, tự tại.
"Lúc chúng tôi kể chuyện bị ông Caldbeck quấy rối, chỉ có một hy vọng, dù rất nhỏ, là có một bài báo nào đó nói về việc này đủ sức nặng hay lượt xem nhiều lên tốp đầu Google. Để lần tới, khi ông ta có đi gặp một nữ doanh nhân nào đó, khi nói tên ra, cô ấy sẽ tra tên ông ta trên Google và thấy ngay lập tức bài báo đó. Cô ấy hẳn sẽ biết cách phòng vệ hoặc nghĩ kỹ trước khi quyết định gặp", Susan tâm sự.
Nhưng khi câu chuyện được đăng tải trên The Information, nó đã vượt quá hy vọng của cả hai. Nhiều trường hợp bị quấy rối tình dục trong ngành công nghệ từ lâu, nay đã bắt đầu lên tiếng, theo đài CNN.
Ông Reid Hoffman, nhà sáng lập LinkedIn - trang mạng kết nối các nhà tuyển dụng và người xin việc lớn nhất thế giới, đã lên tiếng hiến kế.
Một ngày sau bài báo trên The Information, ông Hoffman đề nghị đã tới lúc các nhà đầu tư nên cùng ký vào một "cam kết đứng đắn". Giới công nghệ và đầu tư cũng nên bắt tay nhau, để nếu người nào có hành vi không chuẩn mực với phụ nữ, sẽ lãnh hậu quả thay vì bao che lẫn nhau.
Theo TTO