|
Trụ sở tòa nhà Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, lô HH2, Khu đô thị mới Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, Hà Nội. |
Hàng loạt vụ chi tiêu sai nguyên tắc
Theo thông tin của Tiền Phong, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc về thua lỗ của PVC, gần cuối năm 2013, trong một bản báo cáo gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN, thời điểm đó là các ông Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, người đại diện vốn của PVN tại PVC), PVC đã đề nghị PVN chủ trì một cuộc họp để HĐQT PVC báo cáo cụ thể về trách nhiệm tập thể và cá nhân của lãnh đạo đơn vị.
Trong bản báo cáo này, đại diện HĐQT PVC cho biết, tính đến cuối năm 2012, trong các dự án mà PVC triển khai, có 2 dự án có số lỗ lớn nhất là dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) (lỗ 45,49 tỷ đồng) và dự án san lấp Nghi Sơn (lỗ hơn 32 tỷ đồng). Nhiều công ty mà tổng công ty này góp vốn đang bị “mắc cạn” trong thua lỗ, thậm chí nhiều đơn vị không có việc làm nên phải “chơi dài” do một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai.
Trong số này phải kể đến Petroland với khoản lỗ 30,29 tỷ đồng, IDICO Long Sơn (lỗ 50,81 tỷ đồng), PVC-SG lỗ 89,96 tỷ đồng, Lam Kinh lỗ 60 tỷ đồng và PVNC lỗ 11,31 tỷ đồng. Thậm chí để ứng cứu các đơn vị đã rót vốn, PVC phải hỗ trợ 33,3 tỷ đồng cho Petroland và PVC Metal vay lấy tiền hoạt động... Bên cạnh đó, PVC còn phải trích lập dự phòng tới 402 tỷ đồng vì hàng loạt các công ty con đang trong cảnh thua lỗ.
Việc “đốt tiền”, chi tiêu bừa bãi tại PVC cũng được các cơ quan chức năng chỉ rõ trong nhiều vụ việc về sau. Trong đó phải kể đến việc lãnh đạo PVC dùng vốn đầu tư của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sử dụng sai mục đích. Kết quả điều tra của cơ quan công an về sau cho thấy, năm 2011, sau khi nhận được số tiền tạm ứng hơn 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD của PVN để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVC (Trịnh Xuân Thanh khi đó là Chủ tịch HĐQT) đã dùng 1.080 tỷ đồng chi cho các việc đầu tư, thanh toán nợ khác nhau.
Cụ thể, dùng 425 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng, hỗ trợ vốn nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, hỗ trợ vốn cho công trình Vũng Áng 103 tỷ đồng. Ngoài ra, PVC còn chi tiếp 156 tỷ đồng dưới danh nghĩa “hỗ trợ” cho nhiều công ty khác. Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo PVC còn dùng chính khoản tiền tạm ứng đầu tư dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để góp vốn vào 5 công ty con.
Khắp nơi chi thừa, cho vay cá nhân
Cũng theo tìm hiểu của PV , hoạt động của PVC bết bát một phần do góp vốn kiểu “thừa tiền không biết làm gì” tại những đơn vị có nhiều vấn đề, khiến PVC mất vốn nặng về sau.
“Các khoản đầu tư các công ty con, công ty liên kết, công ty đầu tư tài chính hầu hết không có hiệu quả. Khi thực hiện nhận chuyển nhượng tại các dự án bất động sản, các công ty xi măng, khu công nghiệp…PVC đã chưa thực hiện đánh giá lại hiệu quả đầu tư, không thuê tư vấn độc lập thẩm định giá trị trước khi nhận các dự án, công ty nên chưa đánh giá được hết các rủi ro tiềm ẩn”, lãnh đạo PVC thừa nhận trong báo cáo giải trình gửi PVN khi chuyện làm ăn trở nên bung bét khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Các cuộc thanh kiểm tra sau đó của cơ quan chức năng cũng cho thấy, tình trạng quản lý tài chính ở PVC yếu đến mức có thể gọi là “vô đối” khi tại nhiều dự án, công ty thành viên có nhiều vi phạm nguyên tắc tài chính, dẫn đến công nợ tạm ứng cá nhân lớn. Chưa kể công tác thanh toán, tạm ứng vượt khối lượng thực hiện, vượt quá quy định hợp đồng (thanh toán khống) cũng diễn ra ở nhiều đơn vị.
Chỉ tính đến thời điểm 30/6/2013, riêng phần tạm ứng cá nhân sai nguyên tắc ở công ty mẹ (PVC) và các công ty con đã lên tới hơn 138 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền nói trên chưa là gì nếu so với số tiền hơn 5.144 tỷ đồng được “ứng thừa” cho các nhà thầu của PVC và các công ty con của đơn vị này.
Số liệu thống kê cho thấy, trong số dư hơn 3,35 tỷ đồng tạm ứng cá nhân tính đến 30/6/2013 của riêng công ty mẹ (PVC) có hơn 2,36 tỷ đồng bị liệt vào dạng nợ khó đòi. Còn với các công ty con, đối tác, PVC cũng tỏ ra hào phóng không kém. Điển hình như việc “ứng thừa” hơn 54,9 tỷ đồng cho Công ty PVC-HN khi thực hiện thanh toán công trình Nhà máy ethanol Phú Thọ hay ứng “dư” hơn 43,7 tỷ đồng cho Công ty PVC-Vinaconex.
Nhưng trường hợp đáng kể nhất chính là Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới và Lắp máy dầu khí (PVC ME) - đơn vị được PVC đổ hơn 300 tỷ đồng vốn đầu tư và sau đó bị mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh thêm khoản nợ trên 576 tỷ đồng- cũng được PVC “chi thừa” khi thanh quyết toán hơn 57,5 tỷ đồng.
Như tại Ban điều hành dự án Nhà máy sản xuất ethanol cũng có tình trạng cho vay cá nhân tới hơn 668,4 triệu đồng. Còn Ban điều hành Vũng Áng-Quảng Trạch số tiền cho vay cá nhân tại thời điểm 31/12/2012 lên tới hơn 3,83 tỷ đồng. Ban này còn quyết toán vượt khối lượng thực hiện thực tế tới 35,6 tỷ đồng cho Công ty PVC-MT. Công ty PVC Trường Sơn cũng được quyết toán thừa tổng cộng hơn 81,6 tỷ đồng.
Tình trạng chi thừa tiền cho đối tác cũng được ghi nhận tại Công ty PVC IMICO với tổng số hơn 163,8 tỷ đồng. Công ty PVIT được chi thừa hơn 6,9 tỷ đồng. Công ty PVC Vinaconex được quyết toán nhận thừa hơn 33,9 tỷ đồng. Thậm chí tại công ty PVC Hòa Bình, dù đã thực hiện hết các khoản mục hợp đồng nhưng số tiền mà PVC chi thừa tại đơn vị vẫn lên tới 4,9 tỷ đồng…Trường hợp Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung cũng được coi là điển hình “tiêu tiền không cần nghiệm thu” khi có 17 cá nhân được công ty cho vay tiền đã nghỉ việc.
Với các công ty con của PVC, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa được ghi nhận có môt số khoản tiền ứng trước quá hạn, khó thu hồi như khoản tiền hơn 16,35 tỷ đồng chi cho Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa; Tổng số tiền ứng thừa cho Tổng công ty Đầu tư và Xây dựng Anh Phát hơn 87,9 tỷ đồng. |
Theo Tiền Phong