|
Đồ cổ bị IS đập phá tại Bảo tàng Mosul ở Iraq vào năm 2015 |
Trước thực trạng địa bàn bị thu hẹp dần và nguồn tài chính từ dầu mỏ sụt giảm, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang mở rộng mạng lưới buôn lậu cổ vật từ Iraq và Syria sang các nước phương Tây. Các giao dịch ngầm trên thị trường chợ đen đang đem lại cho IS hơn 100 triệu USD (2.273 tỉ đồng) hằng năm và người dân đào được đồ cổ đều bị buộc phải bán cho chúng.
Đa số cổ vật của Iraq và Syria đầu tiên được đưa đến các khu vực buôn lậu khét tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng trước khi được chuyển tiếp sang Bulgaria, Romania và cuối cùng đến các nước Tây Âu như Đức, Thụy Sĩ. Dù IS đã bị đẩy lùi tại Mosul và đang chống chọi tại Raqqa, hậu quả của việc cướp bóc đồ cổ được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Những bức tượng cổ, trang sức và nhiều món đồ vô giá bị giấu hoặc mua bán lén lút có thể xuất hiện lại sau nhiều thập niên nữa, tương tự trường hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật bị cướp bóc thời Đức Quốc xã xuất hiện lại sau hơn 70 năm.
Tờ The Wall Street Journal mới đây đã thâm nhập đường dây buôn lậu với nhiều thông tin lần đầu tiên được nhiều con buôn cũng như các quan chức Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ và Bulgaria tiết lộ. Al-Hassan, con buôn 28 tuổi người Syria, từng là một sinh viên tiếng Anh đam mê khảo cổ trước khi bị IS bắt vào năm 2014. IS sau đó đã thả và đề nghị anh ta tìm các khách hàng châu Âu mua cổ vật của chúng. Trong một phi vụ mới đây, al-Hassan bán 2 quyển kinh thánh cổ do IS chiếm được ở Syria cho một người Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ với giá 10.000 euro (268 triệu đồng). Người Nga này sau đó đưa món hàng trót lọt khỏi Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách giấu trong một xe tải chở rau cải.