Chỉ hơn 2 tháng, sau vụ một tàu khu trục khác của Hải quân Mỹ là tàu Fitzgerald đã đâm va với một tàu hàng ngoài khơi bờ biển Nhật Bản khiến cho mạn phải tàu gần như đổ sụp và 7 người trên tàu Fitzgerald đã thiệt mạng. Khu trục hạm USS Fitzgerald hoàn toàn mất sức chiến đấu.
Vào sáng sớm ngày 21/8/2017 gần Singapore, phía đông eo biển Malacca, trong khi đang hành trình trên biển, tàu khu trục USS John S. McCain lãnh trọn nguyên một cái Bullbow của tàu chở dầu sau cú đâm gần như chính ngang vào mạn trái. Hơn chục người chết và mất tích…khiến khu trục hạm này cũng mất sức chiến đấu…
Đây là 2 khu trục hạm lớp Arleigh Burke thuộc diện hiện đại nhất của Hải quân Mỹ thuộc Hạm đội 7 hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương. Chúng được trang bị hệ thống Aegis, tên lửa phòng không, diệt hạm, hành trình, ngư lôi…đặc biệt là mảng raddar AN/SPY có thể phát hiện, theo dõi định vị 100 mục tiêu từ cự li 160 km…
Việc chỉ có 2 tháng mà 2 khu trục hạm kiểu loại này của Hạm đội 7 bị tai nạn đâm va khiến cho Hải quân Mỹ bất an và ra lệnh đình chỉ hoạt động trên biển trong 24 giờ để tìm nguyên nhân. Hạ viện Mỹ họp gấp vì chuyện này…
Đâm va hàng hải là do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu như chỉ nguyên nhân do con người thì không khó để tìm ra ngay và luôn. Vấn đề quan trọng ở đây là phải tìm ra nguyên nhân lỗi hệ thống trong phương tiện dẫn tàu trên biển của USS John S McCain và con tàu chở dầu kia (nếu cần) của các nhà Hải quân Mỹ…
Góc nhìn hoa tiêu hàng hải
Đối với tàu dân sự, như tàu chở chở dầu thì được trang bị một hệ thống hàng hải dẫn đường cực kỳ hiện đại. Bạn chỉ cần nạp dữ liệu đầu vào (trong đó có tọa độ điểm đến….) vào máy tính là bật máy. Hệ thống điều khiển tự động sẽ căn cứ gió, dòng, định vị vệ tinh từ tín hiệu của GPS…để chọn ra một hướng đi hợp lý, đưa con tàu đến tọa độ cần đến, sai số chỉ...1,5m.
Với những con tàu hiện đại như vậy, bạn sẽ không thấy vô lăng, bánh lái hàng hải, rồi không nghe mệnh lệnh của Thuyền trưởng như lái phải…, lái trái…tất cả đều chăm chú vào màn hình trước mặt để xử lý, báo cáo sự cố.
Ngoài ra, khi hành trình trên biển, một loại radar hàng hải được bật lên để tránh đâm va mà không cần bất kỳ thủy thủ nào quan sát trên mặt biển bằng mắt thường…
Như vậy, với công nghệ hiện đại, ngày nay người đi biển không như ngày xưa phải căng mắt để nhìn, căng tai để nghe, căng mũi để ngửi, chẳng phải xác định vị trí tàu bằng địa văn, thiên văn...các sỹ quan hoa tiêu hàng hải rất nhàn nhã, họ đã có máy móc hỗ trợ.
Đối với tàu quân sự, như khu trục hạm USS lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ, đương nhiên sẽ hiện đại hơn nữa. Có radar hàng hải thì khi hành trình trên biển, chẳng có vị chỉ huy nào ra lệnh mở radar mảng AN/SPY phục vụ cho tác chiến làm gì...
Cả hai loại tàu này đều có một điểm chung khi hành trình trên biển là lớp trực canh trực ca đều thực hiện nhiệm vụ của mình trong phòng kín. Họ theo dõi tình hình máy tàu, điện năng, vị trí tàu, tàu thuyền xung quanh…nói chung là toàn bộ chi tiết sức sống con tàu đều trên màn hình.
Với tình hình đó thì tránh đâm va hàng hải là không có gì khó khăn. Tùy theo khả năng cơ động của tàu (phụ thuộc vào trọng lượng) thì như 2 con tàu này, chỉ cần phát hiện ra nguy cơ đâm va trong khoảng cách 1 hải lý là dư sức xử lý…
Thế nhưng…tàu Hải quân Mỹ vẫn bị đâm vào hông trong tình thế mà họ như đang muốn cắt mũi tàu vận tải. Sự cố này chứng tỏ 2 con tàu này bị “mù toàn tập”, nghĩa là mù mắt (vì không có ai quan sát tình hình mặt biển bằng mắt thường) và mù công nghệ (Radar hàng hải…). Ít nhất là như thế trong một tình huống ngẫu nhiên.
Hải quân Mỹ đang lo sợ điều gì?
Như đã nói trên, nếu nguyên nhân là con người thì không đáng lo lắng vì chỉ cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, đến bù là xong. Vấn đề nguy hiểm ở đây là lỗi hệ thống công nghệ…
Nếu như lỗi hệ thống công nghệ thì nếu như do chính nó thì cũng không đáng ngại, chỉ cần sửa chữa, hiệu chỉnh (như việc hiệu chỉnh sai số của la bàn) là xong…tuy nhiên, nếu như lỗi này do tác động bên ngoài…thì đây mới là điều đáng quan tâm, đáng lo lắng…
Đáng sợ thứ nhất là đây không phải là đâm va ngẫu nhiên.
Từ đầu năm 2017 đã có 4 vụ như sau:
1, Tàu tuần dương hỏa tiễn USS Antietam, mà bằng cách nào đó bị mắc cạn ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản;
2, Tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain, bí ẩn va chạm với một chiếc thuyền đánh cá của Hàn Quốc;
3, Tàu khu trục USS Fitzgerald bị đâm ngang hông bởi một tàu container ngoài khơi bờ biển Nhật Bản vào ngày 17 tháng 6.
Và 4, bây giờ Khu trục hạm John S McCain bị đâm ngang hông bởi tàu chở dầu Libya tại gần eo biển Malaca.
Rõ ràng, thứ nhất, hệ thống xác định vị trí tàu bằng vệ tinh định vị của tàu có vấn đề hoặc tín hiệu vệ tinh đã bị sai lệch.
Khi sỹ quan Hoa tiêu hàng hải xác định sai vị trí tàu thì húc vào đá ngầm, mắc cạn hay đâm va là đương nhiên không bàn cãi.
Chẳng hạn nếu vị trí tàu là chính xác thì nó chỉ cách con tàu khác hay bãi cạn rất gần, lúc đó toàn bộ con tàu phải tập trung năng lực để tránh mối nguy cận kề. Nhưng khi vị trí tàu sai thì nó khiến anh sẽ nghĩ rằng, tàu còn cách mối nguy đó quá xa… Và, khi con tàu chềnh ềnh trên cạn hay kê mõm vào đá ngầm hay bị đâm vào hông thì sỹ quan điều khiển tàu vẫn không biết mô tê vì sao…
Thứ hai là, cứ cho tín hiệu vệ tinh GPS bị sai lệch…thì không thể có ngẫu nhiên khi 2 khu trục hạm USS lớp Arleigh Burke lại “lấy hông mình để đâm” vào đối thủ có trọng lượng lớn gấp 30 lần mình được.
Cứ cho tín hiệu vệ tinh GPS là giả thì tàu còn có hệ thống radar hàng hải để phát hiện, đo được khoảng cách tàu thuyền trên biển, lúc đó tốp trực canh sẽ phát hiện ngay sự sai lệch…nhưng đâm va vẫn cứ xảy ra.
Đừng đổ tội cho ca trực ngủ quên…nên nhớ khi tàu hành trình vào một eo biển có mật độ tàu thuyền đi lại như mắc cửi thì việc đầu tiên của hạm trưởng là báo động toàn tàu “chuẩn bị chiến đấu”. Đó là nguyên tắc mà chẳng có thằng nào ngủ quên ở đây cả.
Rõ ràng, tín hiệu GPS sai lệch vẫn chưa đủ để khiến con tàu hoàn toàn đâm va, mắc cạn mà hệ thống dẫn tàu hành trình, các cảm biến sự cố...của con tàu bị mất quyền kiểm soát. Đây là yếu tố cực kỳ nguy hiểm cho một con tàu chiến hiện đại khi nó bị biến thành đồ chơi nằm trong tay đối phương.
Vậy, ai là kẻ phá tín hiệu, làm sai lệch tín hiệu GPS và điều này thực tế đã xảy ra chưa?
Sự cố Biển Đen
Vào ngày 22 tháng 6, tại Biển Đen, hơn hai chục con tàu nhận thấy rằng hệ thống định vị GPS vệ tinh của họ cho thấy dữ liệu hoàn toàn sai về vị trí của tàu mà trong số đó là một chiếc tàu của Hải quân Hoa Kỳ.
Tàu Hải quân Mỹ xác định vị trí tàu bằng định vị vệ tinh từ tín hiệu của GPS, đột nhiên phát hiện ra vị trí tàu của họ đang ở … trên mặt đất, tại thành phố Gelendzhik của Nga cách vị trí tàu thật những 32 km.
Những sự kỳ quặc tương tự đã được nhận thấy bởi 20 tàu nữa, nằm gần bờ biển Nga sau khi họ liên lạc với nhau và đều xác nhận con tàu của họ đang ở sâu trong đất liền Nga mặc dù họ đang lênh đênh trên Biển Đen.
Phương tiện truyền thông và các chuyên gia phương Tây, Mỹ bắt đầu tranh luận với nhau để phán đoán cho rằng Nga đang thử nghiệm một loại Vũ khí không gian mới mà chắc chắn sẽ “được sử dụng cho điều ác”.
Quả thật việc phá sóng GPS trong một khu vực nhỏ cần bảo vệ là không khó, nhưng điều này xảy ra trên một khu vực rộng lớn bao la đại dương thì không phải ai cũng làm được. Giống như bạn có thể dùng chiếc ô có thể che tránh mưa cho mỗi bạn và bằng cách nào đó để che mưa cho cả thành phố…
Nếu như đây là thật thì người ta đã can thiệp ngay vào nơi phát sóng, đó chính là vệ tinh trên quỹ đạo. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đánh sợ, điều đáng sợ hơn là làm sao, bằng cách nào người ta lại có thể chiếm quyền kiểm soát, điều khiển của nhau.
Chiếm quyền kiểm soát một chiếc UAV đã nguy hiểm, chiếm quyền kiểm soát điều khiển một khu trục hạm thì không còn gì để nói.
Theo Đất Việt