Liên lạc hàng ngày
Hãng tin Reuters vừa có bài bình luận cho rằng Syria chính là nơi đang âm thầm giúp ngăn chặn cơn bão giữa Nga và Mỹ trong lúc căng thẳng giữa hai cường quốc này lên đến đỉnh điểm. Lý do là những liên lạc quân sự vẫn đang được kết nối thường xuyên.
Đã 4 tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng gần 60 quả tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của Syria sau vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc là sử dụng vũ khí hóa học tại tỉnh Idlib, miền Đông Syria.
Máy bay chiến đấu của Nga ném bom mục tiêu IS ở Syria |
Sau đó, vào tháng 6/2017, quân đội Mỹ lại bắn rơi một máy bay chiến đấu của Syria, vụ bắn rơi máy bay chiến đấu có người lái đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1999, và cũng bắn rơi 2 máy bay không người lái của Iran mà Mỹ cho là đe dọa lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu.
Trong bối cảnh đó, các quan chức quân sự Mỹ và Nga, theo lời giới chức Mỹ, vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Một số đầu mối liên lạc đang giúp vạch một giới tuyến trên bản đồ phân cách các lực lượng được Mỹ ủng hộ với các lực lượng do Nga hậu thuẫn tiến hành các chiến dịch song song trên những chiến trường ngày càng bị thu hẹp ở Syria.
Ngoài ra còn có một đường dây nóng liên kết các trung tâm tác chiến không quân của hai cựu thù trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Giới chức Mỹ cho biết hiện có khoảng 10-12 cuộc gọi mỗi ngày trên đường dây nóng, giúp bảo vệ các máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga bên cạnh việc hỗ trợ các máy bay chiến đấu khác trên mặt đất.
Một chiếc F-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower để tấn công mục tiêu tại Syria |
Đó không phải là một nhiệm vụ đơn giản nếu xét đến tính chất phức tạp của cuộc nội chiến ở Syria. Moscow ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính quyền này cũng được Iran và phong trào vũ trang Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon trợ giúp giành lại các vùng lãnh thổ bị rơi vào tay các nhóm phiến quân Syria và các tay súng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Quân đội Mỹ đang ủng hộ một tập hợp gồm các lực lượng người Kurd và Arab chống IS cùng nhiều nhóm nổi dậy ở Syria.
Các chỉ huy cấp cao của Mỹ cho biết mặc dù các cuộc trao đổi qua đường dây nóng không dễ dàng, song các cuộc tiếp xúc giữa quân đội hai nước vẫn diễn ra thường xuyên. Trung tướng Jeffrey Harrigian thuộc Không lực Mỹ ở Trung Đông nói: “Thực tế là chúng tôi đã gặp một số vấn đề rất khó khăn và nhìn chung, chúng tôi đã tìm ra cách để duy trì đường phân chia ranh giới giữa các khu vực hoạt động của Mỹ và Nga, và tìm ra cách để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi”.
Theo Reuters, trong bối cảnh hiện nay, khi các khu vực do IS kiểm soát ngày càng thu hẹp, khả năng có các cuộc tiếp xúc bất ngờ qua đường dây nóng đang gia tăng. Không đề cập số lượng cuộc gọi, nhưng Tướng Harrigian cho biết “các cuộc điện đàm đôi lúc diễn ra căng thẳng, bởi đó là cuộc trao đổi về việc bảo vệ chính mình và các đối tác trong liên quân cũng như tiêu diệt kẻ thù”.
Những rủi ro của việc tính toán sai đã lộ rõ hồi tháng 6 vừa qua, khi Mỹ bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-22 của Syria đang chuẩn bị tấn công các lực lượng được Mỹ hỗ trợ trên mặt đất. Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết đây không phải là chiếc máy bay chiến đấu duy nhất trong khu vực. Khi vụ việc xảy ra, hai máy bay chiến đấu của Nga đang quan sát từ trên cao và một chiếc máy bay tàng hình F-22 của Mỹ vẫn đang giám sát từ độ cao thậm chí còn cao hơn.
Sau sự việc trên, Moscow đã công khai cảnh báo sẽ coi bất cứ máy bay nào bay ở khu vực phía Tây sông Euphrates là mục tiêu. Tuy nhiên, máy bay Mỹ vẫn bay trong khu vực này, và tiếp tục nói chuyện với phía Nga. Trung tướng Stephen Townsend, chỉ huy liên quân Mỹ tại Iraq, đánh giá “người Nga rất chuyên nghiệp, thân thiện và có kỷ luật”.
Tướng Mỹ khen người Nga tại Syria chuyên nghiệp, thân thiện và có kỷ luật |
Tại Syria, các lực lượng được Mỹ ủng hộ đang vật lộn với cuộc chiến giành lại thành phố Raqqa, “thủ phủ” của “vương quốc Hồi giáo” tự xưng của IS. Hơn một nửa thành phố đã được giải phóng khỏi tay IS.
Các quan chức cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để mở rộng đường giới tuyến phân cách giữa lực lượng không quân Mỹ và Nga trên mặt đất do cuộc chiến đang tiến về khu vực Deir al-Zor, thành trì lớn cuối cùng của IS ở Syria. Đường ranh giới này chạy theo vòng cung không đều từ một điểm ở khu vực Tây Nam của Đông Tabqa tới một điểm trên sông Euphrates và tiếp đó chạy dọc theo con sông này về hướng Deir al-Zor.
Trong chuyến thăm Jordan hồi tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố đường ranh giới trên rất quan trọng vì các lực lượng được Mỹ và Nga hậu thuẫn đang tiến lại ngày càng sát với nhau hơn. Lãnh đạo Lầu Năm Góc nêu rõ Mỹ “không liên lạc với chính quyền Syria, mà liên lạc với người Nga, là bên mà Mỹ phải hợp tác giải quyết. Và Mỹ đang tiếp tục việc này ngay trên thung lũng sông Euphrates”.
Một góc phố tại Deir al-Zor bị bom đạn nghiền nát |
Được chia cắt bởi sông Euphrates, tỉnh Deir al-Zor với nguồn tài nguyên dầu mỏ rất quan trọng đối với tình hình Syria. Phần lớn tỉnh này hiện vẫn trong tay IS, nhưng đã trở thành một mục tiêu ưu tiên của các lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria, đồng thời cũng nằm trong tầm ngắm của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn.
Người phát ngôn của SDF Talal Silo nói với phóng viên Reuters rằng sẽ có một chiến dịch của SDF hướng về Deir al-Zor “trong tương lai gần” mặc dù SDF vẫn đang xem xét liệu nó có bị trì hoãn cho tới khi giành lại toàn bộ Raqqa từ tay IS hay không.
Theo Đất Việt