Trung Quốc âm thầm đánh bại Mỹ ở Trung Đông

Thứ ba, 29/08/2017, 10:44
Trung Quốc với sức mạnh kinh tế và sự khôn khéo đang chen chân vào tất cả điểm nóng ở Trung Đông trong khi Mỹ tỏ ra yếu thế.

Chiến lược âm thầm

Giới phân tích Trung Đông cho rằng Trung Quốc bằng chiến lược âm thầm của mình đang đóng vai trò ngày càng lớn tại Trung Đông trong bối cảnh Mỹ suy yếu.

Theo tờ Arab News, Trung Quốc hành động thận trọng hơn nhưng chắc chắn có ảnh hưởng không thua kém gì Mỹ ở vùng Vịnh và Trung Đông. Những tuần gần đây, Trung Quốc đang tăng tốc thiết lập hiện diện quân sự nhanh hơn bao giờ hết.

Tháng 7/2017, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Trung Quốc đã đưa vào sử dụng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti.

Mặc dù được dán nhãn là một căn cứ hậu cần, được thiết kế để hỗ trợ hải quân Trung Quốc tham gia các sứ mệnh nhân đạo và chống cướp biển nhưng thực chất căn cứ này nằm ở vị trí chiến lược tại cửa ngõ của Biển Đỏ dẫn đến kênh đào Suez.

Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ quan trọng ở Djibouti

Mới đây, các ngân hàng Trung Quốc đã cho Oman vay 3,5 tỷ USD, khoản tiền rất cần thiết cho việc kiểm soát thâm hụt ngân sách năm nay của Oman và tiếp tục kế hoạch thắt lung buộc bụng sau khi giá dầu sụt giảm.

Tăng cường viện trợ tài chính của Trung Quốc đóng vai trò then chốt - cùng với Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống Nhất (UAE) - hỗ trợ chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Ai Cập hồi tháng 11 năm ngoái.

Năm 2016, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arab, với 32% (gần 30 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mỹ, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba ở các nước Arab chỉ có 6,9 tỷ USD.

Với sức mạnh kinh tế của mình, Trung Quốc hiện cũng muốn chen chân vào vấn đề Syria. Báo chí Iran cho biết, đặc phái viên của Trung Quốc mới đây đã tới Iran và đề xuất kế hoạch Trung Quốc sẽ can dự vào Syria.

Hồi tháng 3/2017, một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã được triển khai ở Syria để huấn luyện và tư vấn cho quân đội nước này.

Dù xuất phát từ ưu tiên về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ nhưng Trung Quốc hiện mở rộng sang các vấn đề chiến lược địa chính trị và kinh tế.

Những quân nhân Trung Quốc trong thành phần phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Damascus, Syria hồi tháng 5/2012

Nga và Syria đang “làm chủ” cuộc chiến ở Syria nhưng khả năng đầu tư tái thiết lại bị đánh giá thấp hơn Trung Quốc. Sự tham gia của Trung Quốc được coi là chiếc phao cứu sinh và giới chức Trung Quốc thời gian qua đã thể hiện sẵn sàng nhảy vào Syria.

Đối với Iran, Trung Quốc từ lâu đã coi Iran đối tác giúp chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.

Sau này Iran đã trở thành một phần thiết yếu trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, và thỏa thuận hạt nhân đã tháo gỡ những trở ngại còn lại cho phần tiếp theo của kế hoạch này.

Tháng 2 năm ngoái, trong một sự kiện mang tính biểu tượng cao, đoàn tàu chở hàng đầu tiên đã rời ga miền Đông Trung Quốc đến Tehran qua Kazakstan và Turkmenistan, chỉ trong vòng hai tuần.

Cũng sau thỏa thuận hạt nhân, Trung Quốc đã hoàn toàn tán thành việc Iran trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau nhiều năm theo đuổi.

SCO được coi là có vị thế quan trọng ở Trung Á và là đối thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một trong những điển hình cho thất bại của Mỹ tại Trung Đông hiện nay là cuộc chiến Afghanistan.

Ở đây, Trung Quốc hiện cũng có vai trò cực kỳ quan trọng dù không cử binh sĩ tham chiến trực tiếp như Mỹ.

Chuyên gia Harsh Pant thuộc Đại học Hoàng gia Anh (KCL) cho rằng khi đề ra chiến lược mới đối với Afghanistan, Mỹ đã bỏ qua Trung Quốc - một yếu tố quan trọng giữ vai trò quyết định đến sự thành bại trong chiến lược của Washington.

Theo giáo sư Harsh Pant, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ tăng thêm khoảng 4.000 binh lính tới Afghanistan để tiếp tục cuộc chiến kéo dài 16 năm tại đây.

Washington dự kiến sau khi giành được thắng lợi về mặt quân sự có thể sẽ tiến hành đàm phán chính trị với Tổ chức khủng bố Taliban.

Mỹ muốn tăng gần 4.000 quân tại Afghanistan

Động thái này cho thấy ông Trump đã thay đổi lập trường, đảo ngược cam kết sẽ cắt giảm chi phí cho lực lượng quân sự đồn trú tại nước ngoài để tập trung xây dựng đất nước.

Đáng chú ý, một trong những trọng điểm trong chiến lược mới của Mỹ đối với Afghanistan là tăng cường sức ép với Pakistan, buộc nước này phải dừng các hoạt động che giấu lực lượng khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Pakistan sẽ buộc phải thay đổi hành động của mình.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Trung Quốc-Pakistan ngày càng mật thiết sẽ là nguyên nhân trực tiếp khiến trọng điểm chiến lược của Mỹ khó có thể phát huy tác dụng.

Theo quy hoạch, dự án hợp tác cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và Pakistan có tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 50 tỷ USD.

Ngoài ra, Bắc Kinh dành cho Pakistan sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt ngoại giao trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Do vậy, Pakistan sẽ không mấy bận tâm trước việc Mỹ dọa dừng khoản viện trợ quân sự trị giá gần 1 tỷ USD.

Trung Quốc và Pakistan tiếp tục thể hiện sự "thân tình" đặc biệt

Theo giáo sư Harsh Pant, cùng với vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc, quân đội Pakistan không việc gì phải làm theo ý muốn của Mỹ.

Trung Quốc hiện đang đóng vai trò hậu thuẫn đắc lực cho Pakistan. Mỹ càng cắt giảm viện trợ, Pakistan càng ngả sang Trung Quốc để bù đắp phần thiếu hụt.

Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Pakistan, trong 4 năm tài chính vừa qua, lượng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nước này lên tới 2,8 tỷ USD, trong khi đó Mỹ chỉ có khoảng hơn 530 triệu USD.

Ngoài ra, ngân hàng Trung Quốc còn dành cho Pakistan các khoản ưu đãi tín dụng để giảm bội chi ngân sách. Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2016, Pakistan đã nhận được khoản tín dụng trị giá 840 triệu USD từ phía Trung Quốc để bù đắp các khoản bội chi đang ngày một tăng của nước này.

Viện trợ quân sự của Mỹ cho Pakistan đã bị cắt giảm tới 62% so với mức hơn 1,4 tỷ USD của năm 2013. Do đó, việc Mỹ đe dọa cắt giảm viện trợ quân sự sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới Pakistan.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn