Liên quan đến vụ việc Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), ông Phan Văn Nam bỏ ngoài sổ sách hơn 800 triệu đồng, tự quản lý và theo dõi chi, không thông qua hệ thống sổ kế toán của đơn vị. Nguồn tin của PV cho biết, UBND huyện này đã thi hành kỷ luật cán bộ có sai phạm với hình thức khiển trách.
“Thật hài hước”, “Với hình thức kỷ luật như vậy thì tham nhũng không bao giờ giảm, mà nguy cơ ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn, với mức độ lớn hơn. 800 triệu bị khiển trách, thật quá nghiêm khắc” - quan điểm chung của nhiều bạn đọc Dân trí về hình thức xử lý cán bộ của UBND huyện Ngọc Hiển.
“Có phải tôi đang đọc truyện cười trên báo Dân Trí không nhỉ? Cho tôi hỏi những người đọc bài báo này có thấy lạ lùng và buồn cười như tôi không. Hình như các ông đang định lừa trẻ con à. Lỗi sai gần 1 tỷ mà làm như 1 triệu”, bạn đọc Minh La.
Bạn đọc Trần Trọng Tiến:“Quan chức tiêu sai hàng trăm triệu, hàng tỉ, nghìn tỉ... thì chỉ có khiển trách, kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dân thường chỉ cần vài trăm cùng lắm là vài triệu thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Haizzz”.
Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau kết luận: Việc bỏ ngoài sổ sách kế toán hơn 840 triệu đồng là trái quy định, trong đó có trách nhiệm của một số lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển. |
Khá gay gắt, bạn đọc Nguyễn như quỳnh: “Tôi nghe những từ khiển trách mà thấy nhục nhã cho những người ra quyết định xử phạt".
Bạn đọc Nguyễn Thị Trang:“Hài hước! cứ như vậy mà bảo sao tham nhũng không tràn lan”.
Bạn đọc Đàm Bắc: Đúng là hình thức kỷ luật đọc mà thấy đau đầu quá. Dẫu biết rằng khi chờ kết luận thì vẫn là chờ. Còn khi đọc kết luận dân thường ai cũng đoán ra là hai từ rất to KHIỂN TRÁCH.
“Tôi tha thiết hi vọng từ nay người dân vi phạm pháp luật nhà nước cũng nên áp dụng hình thức xử lý "khiển trách", "cảnh cáo" để người dân thấy pháp luật mình nghiêm minh như thế nào”, bạn đọc Mạnh Hùng.
Bạn đọc Dương Văn Tuấn:“Quá hài! Không lẽ khoản tiền ém đã chi đúng mục đích. Nào là chi tham quan, chi mua xe biếu sếp, đưa cho bề trên vay không lãi. Toàn là các khoản chi đền ơn đáp nghĩa cả. Kỷ luật khiển trách là hơi nặng. Tội nghiệp”.
Nhiều bạn đọc đồng quan điểm cho rằng, có sự chưa công bằng trong cách xử lý sai phạm của người dân và cán bộ nhà nước, như ý kiến của bạn đọc Bacviet: “Chưa thấy có vụ nào xử dân khiển trách với cả sâu sắc rút kinh nghiệm nhỉ hay đó là những bản án rất NGHIÊM KHẮC CHỈ ĐỂ XỬ CHO CÁN BỘ ????”
“Người dân chưa nhìn thấy CÔNG LÝ mỗi khi xử lý những sai phạm đối với những người là lãnh đạo(!). Tại sao lại như vậy? Thế thì tại sao cứ bắt người dân phải tin vào sự nghiêm minh của pháp luật khi mà các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật của lãnh đạo gần như xử lý theo kiểu xuê xoa, đóng cửa bảo nhau...Đúng là hài hước!”, bạn đọc Lê Tuấn Anh.
Bạn đọc với nickname But: “Xử lý thu hồi các khoản chi trái quy định, kể cả khoản mua xe cho 3 vị lãnh đạo huyện không từ trường hợp nào. Ngày trước ở huyện tôi cũng xảy ra trường hợp dùng tiền ngân sách hỗ trợ các lãnh đạo huyện mua xe máy mỗi người 12 triệu cũng phải thu hồi hết. Kèm theo đó cũng phải xử lý kỷ luật người vi phạm theo mức độ thiệt hại”.
“Bảo sao đất nước mãi nghèo, trẻ nhỏ ở vùng cao không có cơm mà ăn phải ăn ngô để đi học. Tất cả là do tham nhũng, bòn rút của một bộ phận cán bộ mà ra. Cảm ơn tỉnh Cà Mau, một tỉnh nghèo mà có những cán bộ như vậy thì nhân dân chắc khóc hết nước mắt. Cảm ơn quý báo đã đăng bài để mọi người được biết”, bạn đọc Nguyễn Văn Thứ.
Như PV đã phản ánh, theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, ngày 18/6/2014, Công ty TNHH Lâm nghiệp Ngọc Hiển thanh toán cho ông Phan Văn Nam (Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở) số tiền hơn 840 triệu đồng.
Khi nhận số tiền này, ông Nam không đăng nộp vào quỹ cơ quan mà tự quản lý và theo dõi chi, không thông qua hệ thống sổ kế toán của đơn vị.
Sau đó, đến ngày 25/7/2016, ông Nam mới chuyển một số chứng từ cho kế toán Công đoàn cơ sở Văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hiển lập phiếu thu, chi. Điều đáng nói, ông này lại ghi lùi thời gian lập phiếu lại vào tháng 5/2014.
Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau chỉ rõ, với số tiền nói trên, ông Phan Văn Nam chi hỗ trợ cho công đoàn viên cơ quan 58 triệu đồng; chi nộp án phí thi hành án 13,6 triệu đồng; chi công tác phí, thuê phương tiện, ăn uống,… 65 triệu đồng; chi mua 3 xe máy 96 triệu đồng cho 3 vị lãnh đạo huyện Ngọc Hiển sử dụng gồm: Ông Lý Hoàng Tiến (Chủ tịch UBND huyện), ông Tiếp Minh Thành (Phó Chủ tịch HĐND huyện) và ông Lê Văn Kháng (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, được giới thiệu bầu chức danh Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau - PV) và cho ông Lê Văn Kháng vay mượn 600 triệu đồng.
Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận, việc ông Phan Văn Nam nhận số tiền hơn 840 triệu đồng nhưng không đăng nộp vào quỹ, tự quản lý theo dõi chi không thông qua sổ kế toán của đơn vị là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 3, Điều 13, Luật Kế toán năm 2003.
“Các khoản chi hỗ trợ công đoàn viên cơ quan, nộp án phí thi hành án với số tiền hơn 71,6 triệu đồng; khoản chi mua 3 xe gắn máy số tiền 96 triệu đồng; cho ông Lê Văn Kháng vay 600 triệu đồng; các khoản chi khác 65 triệu đồng;… là trái quy định vì sử dụng nguồn tiền để ngoài sổ sách kế toán”, kết luận của Thanh tra nêu rõ.
Theo Thanh tra Nhà nước tỉnh Cà Mau, trong vụ việc sai phạm này có trách nhiệm của các ông: Nguyễn Trường Giang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển), Lý Hoàng Tiến (Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển), Lê Văn Kháng (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển) vì đã thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến để cấp dưới để ngoài sổ sách kế toán của đơn vị số tiền hơn 840 triệu đồng.
Trong đó, ông Phan Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc để ngoài sổ kế toán của đơn vị số tiền nêu trên. Ngoài ra, ông Nam còn chịu trách nhiệm trong việc trực tiếp chi một số khoản không có chứng từ chứng minh số tiền 65 triệu đồng.
Theo Dân Trí