Chạy xe vào đường cong không bật xi nhan: Trưởng Phòng CSGT TP.HCM nói gì?

Thứ hai, 11/09/2017, 13:34
Sau rất nhiều thắc mắc của bạn đọc, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết tại TP.HCM, phải mời Sở GTVT khảo sát thì mới biết được đoạn đường cong nào CSGT được đứng, đoạn nào không...

Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết có đoạn đường cong CSGT đứng được, có đoạn không

Sau khi Thanh Niên đăng tải bài viết CSGT có quyền phạt người chạy xe vào đường cong không bật xi nhan? rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến của mình.

Trong đó, đa số các ý kiến cho rằng những đoạn đường cong mà CSGT lập chốt đứng đó thì rất nguy hiểm. Bạn đọc cũng thắc mắc, đường cong như thế nào thì không cần bật xi nhan?

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết theo Luật Giao thông đường bộ 2008 khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
Do đó, những trường hợp người điều khiển xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy khi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Cụ thể:
Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô và phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ.
Trừ những trường hợp người điều khiển xe đi theo hướng đường cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức thì vẫn xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng, nếu trong trường hợp này người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì không bị xử phạt.
Chúng tôi hỏi: “Vậy CSGT được đứng ở đoạn đường cong, đổ dốc cầu để dừng xe vi phạm hay không?”.
Ông Phong đáp: “Căn cứ luật chúng tôi trả lời như vậy đó, đường cong phải thực tế, cho vị trí cụ thể mới biết là đứng hay không được đứng chứ biết khúc nào là cong, khúc nào là không cong”.
“Cụ thể là cầu vượt trạm 2 đoạn đổ dốc cầu CSGT được đứng và xử phạt hay không?”, chúng tôi hỏi.
“Nếu chị đã hỏi vậy thì chúng tôi phải mời Sở Giao thông vận tải tiến hành khảo sát độ cua, độ dốc, hệ thống biển báo cụ thể thế nào rồi mới xác định được. Có những đường cong đứng được, những đường cong không đứng được. Nếu muốn hỏi cụ thể thì chị phải làm công văn từng điểm gửi qua phòng, chúng tôi khảo sát rồi trả lời”, ông Phong nói.
Người dân khi có phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông cũng như CSGT TP có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại đường dây nóng của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt: 0693.187.521 hoặc gửi trực tiếp về địa chỉ hộp thư điện tử:
csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn