Sống bám trên trẻ khuyết tật: Ngồi không kiếm 5 - 7 triệu đồng/ngày

Thứ hai, 11/09/2017, 09:56
Với giá thuê từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, những kẻ khỏe mạnh và hoàn toàn không có quan hệ huyết thống đã biến nhiều trẻ khuyết tật thành công cụ “hái ra tiền”…

Vợ Giang đẩy xe đưa bé Trang (13 tuổi, bị bại não) đi bán hàng dạo tại khu vực chợ Bà Rịa

Ngồi không kiếm 5 - 7 triệu đồng/ngày

Nhiều năm nay khu nhà trọ Thắng Lợi nằm trên QL51 hướng về TP.Bà Rịa được nhiều người gọi bằng cái tên “xóm kinh doanh người khuyết tật”. Trong vai cặp vợ chồng bị thất thế trong làm ăn, chúng tôi thuê một phòng trọ tại khu trọ Thắng Lợi với giá 60.000 đồng/đêm.

Tại đây, chúng tôi được nghe và chứng kiến nhiều người khuyết tật được chủ là những người khỏe mạnh và hoàn toàn không có quan hệ gia đình, dòng họ gì thuê phòng cho ở.
Một ngày 2 cữ, sáng sớm và xế chiều những người khuyết tật này sẽ được chủ đặt lên xe lăn, kèm một rổ bông tăm, kẹo cao su rồi đẩy ra nơi tập trung nhiều khách du lịch để bán hàng hoặc xin tiền. Cuối mỗi buổi bán hàng, những người này thu được trên dưới 2 triệu đồng. Vì thu nhập khá cao nên số lượng người làm việc này ngày càng đông và được xem như một “nghề làm giàu” chuyên nghiệp.
Ở khu trọ này tới ngày thứ 2, chúng tôi được người đàn ông tên Giang (32 tuổi, quê thôn 8, xã Quảng Đại, TX.Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Vài ngày trước xóm trọ này còn khá đông người khuyết tật theo chủ ở trọ bán hàng. Tuy nhiên, vì ở đây khá lâu, khách du lịch đã quen mặt, số tiền kiếm được không nhiều như lúc đầu nên nhóm này đã chuyển lên khu vực chợ Long Khánh (TX.Long Khánh, Đồng Nai) trọ để hành nghề. Muốn tìm nhóm này không khó. Chỉ cần lên chợ Long Khánh hỏi khu trọ nào có đông người Thanh Hóa ở nhất là sẽ tìm được”.
Theo hướng dẫn của Giang, ngày hôm sau chúng tôi có mặt ở chợ Long Khánh. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh hai bà cháu ăn mặc khá rách rưới đi ăn xin.
Khoảng 11 giờ trưa, khi chợ thưa người thì hai bà cháu ngồi ngay tại cổng chợ lấy tiền ra đếm. Chúng tôi được biết bà này tên Nhung (quê H.Quảng Xương, Thanh Hóa).
Ban đầu, bà Nhung khá dè chừng nhưng sau khi biết chúng tôi là những “đồng nghiệp” thì bà tiết lộ:

"Người ta thuê mình thì chỉ cần trả đủ tiền là xong. Họ cho ăn gì mình chỉ biết nhai chứ biết bẩn, sạch gì đâu. Có lần em ăn thấy mùi gì hôi quá nên hỏi thì họ bảo: Cho ăn thì ăn đi. Tao không cho mày ăn thuốc chuột đâu mà lo. Chỉ một lần đó tới nay em chưa bao giờ hỏi những chuyện tương tự".

Hoàng Hải Sơn (quê Thanh Hóa)

“Sáng nay kiếm khá, được hơn 2 triệu đồng. Chiều cố gắng đi vài tiếng là dư tiền xài tháng này”.
Sau khi kiểm tiền xong, bà Nhung cùng bé gái tên Thùy (7 tuổi) lên xe buýt di chuyển về khu nhà trọ tại ngã ba Ông Đồn (H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) để nghỉ ngơi.
Buổi tối, trở về “xóm kinh doanh người khuyết tật”, chúng tôi tìm gặp ông Giang để kiếm thêm kinh nghiệm làm “nghề chăn dắt”, Giang tỏ ra sành sỏi: “Chịu đi xa thì có tiền nhiều. Thường vào các ngày cuối tuần tôi đưa bé Trang (13 tuổi, quê Thanh Hóa) bị bại não, không có khả năng tự chăm sóc bản thân lên xe lăn và di chuyển bằng xe buýt về các khu chợ lớn, khu vực suối nước nóng Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) để bán hàng.
Những ngày này khách du lịch đông, nhiều người thương tình mua mà không lấy hàng, thậm chí cho thêm tiền nên thu nhập những ngày này thường gấp đôi, gấp ba ngày thường”.
Ông này nói thêm: “Vợ chồng tôi không đi lúc 4 giờ sáng như những người khác mà đến 7 giờ mới đưa bé Trang lên xe buýt tới chợ. Bán ở đó vài tiếng tới trưa là về. Chiều khoảng 16 giờ đến lượt vợ tôi đẩy Trang ra khu chợ cách nhà khoảng hơn 500m bán tới 22 giờ thì về”.
Bị khuyết tật càng nặng, giá thuê càng cao!
Để gây sự chú ý, lấy lòng thương của khách du lịch, những người này thường tìm thuê trẻ em và người lớn tuổi bị khuyết tật nặng. Theo đó, người khuyết tật càng nặng thì giá thuê càng cao!
Mới đây, ông Giang tìm thuê một người đàn ông cụt chân để đưa vào Vũng Tàu làm. Ông Giang cho biết: “Người khuyết tật này bị mất 2 chân nhìn rất đáng thương. Ai nhìn vào chắc chắn cũng xúc động và móc tiền túi ra cho ngay”.
Theo thông tin từ những người “hành nghề” này, một người bị liệt chi, liệt nửa người có giá thuê dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Với người bại não, mất khả năng tự lo sinh hoạt cá nhân giá thuê cao hơn mức đó khoảng 1 triệu đồng.
Đặc biệt, với những người có khuyết tật nặng như lở loét, khuyết tật đặc biệt thì giá thuê có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng.
Ông Chiến (một người có thâm niên “hành nghề” này trên 10 năm) tiết lộ: “Thuê được người khuyết tật càng nặng thì thu nhập kiếm được hằng tháng càng cao. Tuy nhiên, những người này thường không thể tự sinh hoạt cá nhân, không còn nhận biết được việc đại tiện, tiểu tiện. Như vậy, khi thuê những người này trách nhiệm của người thuê sẽ nặng hơn.
Ngoài việc lo ăn uống hằng ngày thì mình phải chấp nhận tắm rửa, vệ sinh cho họ. Bù lại, khi đi bán người mua thấy khuyết tật nặng họ sẽ thương, mời mua hàng cũng dễ dàng hơn. Với những người hay làm từ thiện họ có thể cho từ 100.000 - 200.000 đồng nên thu nhập rất khá. Số tiền kiếm được có thể lên đến hàng chục triệu đồng/ngày. Điều này khiến việc thuê người khuyết tật nặng dù có nhiều rủi ro nhưng vẫn luôn “đắt khách” thuê”…
“Con không muốn mình là đứa con ăn bám”
Mất khả năng lao động lại thường xuyên phải thuốc men và nhờ tới người khác chăm sóc nên nhiều người khuyết tật cảm thấy tự ti. Nhiều người nghĩ họ là gánh nặng của gia đình nên khi có người thuê là họ chấp nhận. Hoàng Hải Sơn (quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Em bị khiếm thị bẩm sinh. Từ nhỏ không giúp được gì cho bố mẹ nên khi có người hỏi thuê, em nói bố mẹ đồng ý”.
Sơn nói: “Ở nhà ăn không lại còn phiền người nhà chăm sóc nên em nghĩ nếu “đi làm” có tiền thì không lý gì lại không đi. Em bị mù nhưng được cái hát hay. Mặc dù lúc thuê chỉ 2 triệu đồng/tháng nhưng hầu như tháng nào chủ cũng cho thêm. Khi thì vài trăm ngàn đồng, có khi cả triệu đồng nên thấy vất vả cũng đáng”.
Sơn kể: “Trừ những ngày mưa đi hát khổ cực chứ ngày thường em cũng chỉ đứng hát. Hát xong chủ lại dắt đi bán kẹo. Nhiều người khen em hát hay. Họ cho tiền nhét vào tay nhưng tiền này em phải đưa lại cho chủ không được lấy vì họ đã trả lương hằng tháng cho em rồi”.
Chúng tôi hỏi Sơn: “Người thuê có đối xử tốt với em không?”. Sơn thở dài: “Người ta thuê mình thì chỉ cần trả đủ tiền là xong. Họ cho ăn gì mình chỉ biết nhai chứ biết bẩn, sạch gì đâu. Có lần em ăn thấy mùi gì hôi quá nên hỏi thì họ bảo: Cho ăn thì ăn đi. Tao không cho mày ăn thuốc chuột đâu mà lo. Chỉ một lần đó tới nay em chưa bao giờ hỏi những chuyện tương tự”, Sơn nói.
Hầu hết người khuyết tật theo chủ đi bán hàng không được về quê dịp lễ Tết vì đây là những ngày kiếm tiền nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà họ thường cảm thấy tủi thân. “Mấy năm nay em toàn đón giao thừa ở trên đường”, Sơn cho hay.
Theo thỏa thuận, một năm em sẽ được về nhà vào tháng 6 âm lịch nghỉ một tuần, sau đó trở vào Bà Rịa. Trước đây em có xin chủ cho về dịp Tết nhưng họ bảo Tết vé xe đắt và dịp này các khu du lịch đông người, kiếm được tiền nên không cho nghỉ. Làm những ngày này họ cũng có cho thêm nhưng em vẫn cảm thấy nhớ nhà. Có năm vào ngày giao thừa em hát ở Vũng Tàu một đêm phải đến hơn 30 bài, tới gần 4 giờ sáng mới về tới khu trọ”.
Theo thông tin chúng tôi được biết thì hiện nay xã Quảng Hải, H.Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa là nơi có rất nhiều người hành “nghề” thuê người khuyết tật để bán hàng. Người đàn ông tên Giang kể trên cho biết ba mẹ mình cũng đang hành nghề thuê người khuyết tật kiếm sống ở Huế. Không những thuê người, ba mẹ Giang còn môi giới cho thuê người khuyết tật.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn