|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters) |
Theo CBS, hãng tin này đã tiếp cận một báo cáo chưa được công bố của Liên Hợp Quốc cho thấy việc các nước thành viên của Liên Hợp Quốc cố tình thực thi “lỏng lẻo” các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên đã giúp Bình Nhưỡng kiếm được 270 triệu USD kể từ tháng 2 đến nay.
Trước đó, vào thời điểm Liên Hợp Quốc công bố báo cáo gần nhất hồi tháng 3, Triều Tiên được cho là đã xây dựng một mạng lưới “các biện pháp lách trừng phạt” với sự giúp sức của hàng chục quốc gia - những nước “đang làm xói mòn các mục tiêu của nghị quyết trừng phạt” do Hội đồng Bảo an thông qua.
Trong khi đó, bản báo cáo dài 37 trang gần đây do “Ban Chuyên gia” của Liên Hợp Quốc soạn thảo đã nêu chi tiết những cách thức Triều Tiên đã sử dụng né tránh các lệnh trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an, bao gồm việc vi phạm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, đặc biệt là ở khu vực châu Phi và Trung Đông.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra những hành động “lách luật” trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã phân tích các phương tiện được sử dụng trong lễ diễu binh của Triều Tiên hồi tháng 4/2017 tại thủ đô Bình Nhưỡng, bao gồm các xe tải được sử dụng để vận chuyển tên lửa đạn đạo Pukguksong-1. Đây được cho là các xe tải do Trung Quốc sản xuất.
Tuy nhiên, theo báo cáo, khi được hỏi về nguồn gốc của các xe tải trên, Trung Quốc khẳng định hợp đồng mua bán của nước này đã nêu rất rõ về việc “người mua phải đảm bảo các xe tải chỉ được sử dụng vào mục đích dân sự”. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc chỉ cấm việc mua bán các phương tiện được sử dụng cho mục đích quân sự.
|
Đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc giơ tay biểu quyết về lệnh trừng phạt Triều Tiên tại trụ sở Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 (Ảnh: AP) |
Ban chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng điều tra nghi vấn hợp tác giữa Triều Tiên và Syria về các loại “vũ khí thông thường, tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học bị cấm”, bao gồm cả chương trình tên lửa Scud cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa của Syria.
Không chỉ Liên Hợp Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã từng đưa ra cảnh báo và dọa sẽ trừng phạt các quốc gia vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong vấn đề Triều Tiên như Trung Quốc hay Nga. Washington gọi đây là hình thức trừng phạt thứ cấp nhằm vào các cá nhân, tổ chức có quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng.
“Vấn đề đặt ra hiện nay đối với tất cả các nỗ lực trừng phạt đó là chúng chưa bao giờ được siết chặt. Do vậy, Triều Tiên và các quốc gia ủng hộ nước này đã quá thuần thục trong việc né tránh trừng phạt. Ngay cả khi áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đi chăng nữa, nếu vẫn không có các biện pháp thực thi cứng rắn thì cũng không đạt được hiệu quả”, chuyên gia Matthew Waxman thuộc Trường Luật Columbia nhận định.
Trong khi đó, các đại sứ tham gia bàn đàm phán tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên cho rằng các lệnh trừng phạt thứ cấp có thể được xem như một biện pháp để thay thế cho phương án quân sự.
Theo Dân Trí