Mỹ nhiều lần di tản thủ lĩnh IS khỏi Deir Ezzor
Ngày 07/9, nguồn tin của giới truyền thông cho biết, các máy bay trực thăng của Mỹ đã đưa các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi khu vực tỉnh Deir-ez-Zor mà lực lượng khủng bố này đang giao tranh khốc liệt với Quân đội Syria.
Deir ez Zor và sân bay quân sự cách đó hai cây số đã bị khủng bố bao vây trong hơn ba năm (từ tháng 7/2014), ở trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Quân đội Syria không thể nào tiếp viện được cho thành phố nằm sâu trong vòng vây của IS, thực phẩm và đạn dược chỉ được tiếp tế bằng đường không.
Bất chấp các cuộc tấn công thường xuyên với chiến binh tự sát và xe bom, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, với nòng cốt là Lực lượng Vệ binh Cộng hòa trấn thủ thành phố này vẫn tiếp tục giữ vững trận địa phòng thủ và mở các cuộc phản công chống khủng bố.
Gần đây, lực lượng Quân đội Syria đã phá vỡ vòng vây của IS ở Deir Ezzor với các mũi tấn công từ Homs, Hama và Raqqa và đang áp sát thành phố này, khiến thế trận của IS dần tan vỡ.
Trong bối cảnh này, hồi tháng 8, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã sử dụng máy bay trực thăng của Không quân Mỹ để sơ tán hơn 20 chỉ huy và chiến binh nòng cốt của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” ra khỏi khu vực Deir-ez-Zor, để triển khai "theo những hướng khác".
"Cụ thể, đêm 26 tháng 8, trực thăng Mỹ đã đưa hai chỉ huy IS "gốc châu Âu" ra khỏi khu vực giao tranh gần khu định cư Treyf ở phía tây bắc thành phố Deir ez-Zor" - nguồn tin cho biết. Trong ngày 28 tháng 8, máy bay trực thăng Mỹ cũng đã sơ tán gần hai mươi chỉ huy và tay súng ở khu vực Alba Leila, nằm ở phía Đông Nam Deir ez-Zor.
Hầu hết trong các trường hợp, khi không còn chỉ huy, các tay súng IS ngừng hoạt động một cách “có tổ chức”, rời bỏ cứ điểm, đến với các nhóm khác hoặc chạy trốn. Tất cả điều này đã góp phần cho sự thành công của quân đội chính phủ Syria khi tấn công miền Đông Syria.
Mỹ đã nhiều lần bị cáo buộc tìm cách cứu các thủ lĩnh khủng bố IS |
Theo nguồn tin, sự thất bại của những kẻ khủng bố trong khu vực Deir ez-Zor và chiến dịch “di tản” đáng hổ thẹn này là bằng chứng mới nhất về sự tham gia sâu của các cơ quan đặc biệt Mỹ và liên quân quốc tế đứng đầu là Hoa Kỳ, hỗ trợ cho lực lượng khủng bố của IS ở Syria.
Trong các cuộc thẩm vấn, các tay súng IS bị bắt đã kể về rất nhiều vụ các cơ quan đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ của các chỉ huy của họ, thời chính quyền Obama cũng như sau khi Donald Trump thắng cử.
Theo người đàm thoại của hãng tin, cuộc sơ tán tháng 8 vừa qua không phải là lần đầu tiên. Hồi tháng 5, các chỉ huy IS và lính đánh thuê nước ngoài châu Âu đã được sơ tán ra khỏi Deir Ez-Zor theo cách tương tự.
Hồi tháng 6 và tháng 7, các cuộc di tản chiến binh tương tự cũng đã được lực lượng đặc biệt của Mỹ tổ chức tại Raqqa - thành phố được coi là thủ phủ không chính thức của IS ở Syria, hiện đang nằm trong vòng vây của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) nòng cốt.
Mỹ kêu oan, Nga nói “đây là bản chất”
Trước những thông tin động trời do giới truyền thông đưa ra, Liên minh chống khủng bố IS gồm 62 nước do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bác tin lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã di tản các chỉ huy IS khỏi Deir Ezzor.
Người phát ngôn Liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu hôm 07/9 đã phủ nhận rằng hơn 20 chỉ huy IS đã được máy bay trực thăng Mỹ sơ tán từ khu vực thành phố Deir Ezzor ở phía đông đến phía Bắc của Syria, ở khu vực các tỉnh al-Hashakah và Raqqa.
Liên quân Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự chống IS ở Syria và Iraq kể từ năm 2014. Tại Syria, liên quân hoạt động mà không có sự cho phép của chính quyền nước này và bị giới chức lãnh đạo các nước Nga, Syria, Iran cáo buộc là âm thầm “hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố và phiến quân xé nát đất nước Syria, lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad”.
Do đó, thật dễ hiểu là vì sao Nga khẳng định rằng, những lời của Mỹ là dối trá. Việc dùng máy bay trực thăng Mỹ di tản các chỉ huy của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" ra khỏi Deir ez-Zor của Syria là sự kiện đã diễn ra với xác suất gần như 100%.
Phát biểu về sự việc này, ông Franz Klintsevich Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh rằng, như vậy là Hoa Kỳ vẫn giữ cái nhìn như trước về sự hiện diện của họ mâu thuẫn với Nga.
"Dù cho ban tham mưu của liên minh chống khủng bố cố gắng phủ nhận thông báo việc máy bay trực thăng Mỹ di tản hơn 20 đầu sỏ khủng bố khỏi khu vực thành phố Deir ez-Zor, nhưng toàn bộ kinh nghiệm về hành động của Mỹ, kể cả ở Afghanistan, cho chúng ta thấy rằng điều này có khả năng gần 100% xảy ra” - ông Klintsevich nói.
Vị chính khách này lấy cương vị một người từng trải qua chiến tranh để khẳng định rằng, Nga đã cảm nhận thường xuyên về sự tham gia trực tiếp của Mỹ ở bên phía bọn khủng bố.
Ông Klintsevich viết trên trang Facebook rằng, không cần lật lại lịch sử xa xôi cũng có thể thấy thực chất hành động của người Mỹ hiện nay. Việc Mỹ và các đồng minh bao vây Raqqa chỉ là cái cớ tạo hành lang cho chiến binh khủng bố tiến xuống khu vực phía Nam của Syria.
Giới báo chí nhắc lại rằng, trong chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul của Iraq kéo dài hơn 8 tháng (Iraq mới giải phóng Mosul hồi tháng 7/2017), Mỹ cũng đã “đưa đường chỉ lối” cho khủng bố IS tràn từ Iraq sang Syria để tấn công Palmyra và tăng cường tấn công Deir Ezzor của Syria.
Theo đó, Mỹ và Saudi Arabia đã có thỏa thuận bí mật với IS cho phép chúng thoát khỏi Mosul qua hệ thống đường ngầm để sang Syria, với điều kiện là phải tăng cường tấn công lực lượng trung thành với ông Assad ở địa bàn tỉnh Homs, Hama và Deir Ezzor.
Trước đó, trong chiến dịch tái chiếm thành phố chiến lược Ramadi của Iraq hồi tháng 12/2015, một lãnh đạo thuộc lực lượng quân tình nguyện Hashd al-Shaabi của Iraq cũng tiết lộ về việc Mỹ đã giúp sơ tán các thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo chạy khỏi thành phố này.
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2015, trang LiveLeak cũng đã đăng tải một đoạn video khiến cư dân mạng dậy sóng vì nghi ngờ máy bay trực thăng tấn công tấn công AH-64 Apache của Mỹ hộ tống… một đoàn xe cực lớn của IS từ Iraq sang Syria.
Đoạn video cho thấy, một đoàn xe của các phần tử khủng bố IS ồ ạt chạy từ Iraq về Syria mà hoàn toàn không gặp bất cứ một trở ngại nào. Khi đoàn xe đi qua, một chiếc trực thăng tấn công Apache Mỹ bay ở phía sau theo hướng đoàn xe nhưng không có động thái gì.
Với những nghi vấn mang tính hệ thống và cuộc chiến chống khủng bố vô cùng “khuất tất” của Mỹ, giới quan sát nhận định rằng, Mỹ sẽ không để các thủ lĩnh IS bị tiêu diệt mà chỉ “điều chuyển” chúng từ chiến trường này sang chiến trường khác để thực hiện những nhiệm vụ mờ ám của mình.
Theo Đất Việt