Hôm 7/9, Sputnik Nga thông tin, Điện Kremlin cho biết họ không có liên quan gì đến việc mua các chương trình trên mạng xã hội Facebook để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Mỹ.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov trả lời báo chí: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về điều này. Chúng tôi không biết gì, đặc biệt là không liên quan gì đến điều này".
Thư ký báo chí của Tổng thống Putin Dmitry Peskov |
Các phương tiện truyền thông Mỹ trước đó thông tin rằng, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ hồi năm 2016, các chương trình của Nga đã mua quảng cáo của mạng xã hội này để gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc chạy đua giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.
New York Times và một số cơ quan an ninh mạng trước đó bày tỏ sự hoài nghi hàng nghìn tài khoản mạng xã hội mang tên người Mỹ được người Nga tạo ra để phát tán tin xấu chống Hillary Clinton.
Vào năm ngoái, một người dùng Facebook có tên Melvin Redick với diện mạo bên ngoài khá giống người Mỹ chia sẻ lên mạng một đường link Facebook dẫn đến một trang web mới.
Melvin Redick ghi chú thích kèm theo dòng trạng thái khi đăng tải đường link: “Những người đàn ông này đang nắm giữ nhiều sự thật về Hillary Clinton, George Soros và nhiều chính trị gia nổi tiếng khác của nước Mỹ” và anh dẫn hastag #DCLeaks.
Cuối cùng, theo các điều tra viên, Redick trở thành một nhân vật rất bí ẩn.
Trong hồ sơ lý lịch công dân của bang Pennsylvania, không hề có cái tên Melvin Redick. Ảnh đại diện trên trang Facebook của người này được đánh cắp từ một tài khoản mạng xã hội ở Braxin.
Trang DC Leaks chỉ vài ngày sau đó đã trở nên phổ biến, đăng tải rất nhiều tài liệu mà tin tặc Nga đánh cắp được từ nhiều nhân vật nổi tiếng trên chính trường Mỹ, những tài liệu này ngay lập tức được truyền tay rộng rãi.
Những người phổ biến cho thông tin trên trang này chính là khách hàng của những trang mạng xã hội do người Mỹ lập nên.
Theo cuộc điều tra được tiến hàng bởi New York Times và cơ quan an ninh mạng FireEye, nhiều người Nga đã sử dụng rất nhiều tài khoản Twitter và Facebook để lan tỏa thông tin chống bà Clinton và phát tán những tài liệu gian dối mà họ tạo ra.
Hôm 6/9, Facebook chính thức công bố họ đã đóng hàng trăm tài khoản Facebook mà họ tin là các tin tặc thuộc một công ty của Nga có liên quan đến chính phủ Nga tạo ra
Công ty của Nga cũng chi ra khoảng 100 nghìn USD để mua các quảng cáo nhằm phát tán nội dung gây chia sẻ cử tri Mỹ trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trên Twitter cũng như trên Facebook, người ta tìm thấy dấu vân tay của người Nga trên hàng nghìn tài khoản giả mạo thường đăng tải trạng thái chống lại bà Cliton. Nhiều tài khoản trong đó sử dụng cơ chế đăng tin tự động.
Ví như trong đúng ngày Bầu cử Mỹ, một nhóm người dùng Twitter đã đăng dòng hashtag #WarAgainstDemocrats hơn 1.700 lần.
Truyền thông Mỹ cho biết, nhiều dòng trạng thái và nội dung không được chia sẻ rộng rãi. Có thể người Nga đã không tạo ra những những thay đổi mang tính cục diện lên kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thế nhưng nó cũng góp phần khiến cho tâm lý hoài nghi, tức giận của cử tri Mỹ tăng lên.
Bất chấp các chứng cứ lẻ loi liên tục được đưa ra từ phía truyền thông Mỹ, ngày 7/9, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết ông chưa phát hiện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
"Tôi có thể nói rằng tôi chưa phát hiện bất cứ điều gì cho thấy có sự can thiệp vào cuộc điều tra", Reuters dẫn lời ông Wray.
Phát biểu công khai lần đầu kể từ khi được phê chuẩn thành người đứng đầu cơ quan FBI, ông Wray bày tỏ sự tin tưởng vào Robert Mueller, công tố viên đặc biệt đang điều tra khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Mỹ đóng hàng rào tại Lãnh sự quán ở San Francisco
Các nội dung can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã thúc đẩy Mỹ và Nga tiến hành trừng phạt ngoại giao nhau và hiện nay đã tới thời điểm rất căng thẳng.
Sputnik ngày 7/9 trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Mỹ đã xây dựng rào chắn bên trong Tổng lãnh sự quán Nga ở San Francisco nhằm ngăn các nhân viên ngoại giao đi vào khu vực văn phòng bị phía Mỹ thu hồi tuần trước.
Tuy nhiên, việc này đã được các nhân viên ngoại giao Nga giám sát.
Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco. |
“Tuần vừa rồi chúng tôi đã thuê các nhà thầu bên ngoài vào trong cơ sở ngoại giao nhằm xây dựng hàng rào ngăn cách khu vực văn phòng và khu vực cư trú để bảo đảm an ninh cho khu vực văn phòng và nhà kho trên tầng mái Lãnh sự quán. Công việc này đã hoàn thành”, bà Nauert chia sẻ.
Người phát ngôn cho biết phía Mỹ đã thông báo với Chính phủ Nga về kế hoạch hàng rào này trước khi bắt đầu xây dựng và những người đang sống trong tòa nhà sẽ còn thời gian tới ngày 1/10 để đóng gói hành lý rời đi.
Bà Nauert cũng phủ nhận các thông tin được phía Nga cáo buộc rằng đã "đột kích" lãnh thổ Nga bất khả xâm phạm tại Mỹ.
Phía Mỹ không lục soát hay phá hoại Tổng lãnh sự quán cũng như các cơ sở ngoại giao khác của Nga mà Mỹ đã thu giữ hôm 2/9 vừa qua.
Mỹ đã ra thông báo về việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco và 2 cơ sở ngoại giao khác của Nga ở thành phố New York và Washington vào ngày 31/8.
Nga đã cáo buộc đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và dọa sẽ đáp trả Mỹ trong thời gian tới.
Theo Đất Việt